1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Người dân có quyền biết tiền của họ được sử dụng như thế nào”

(Dân trí) - “Các dự án làm bao lâu không xong, bụi mù mịt, gây cản trở giao thông dẫn tới những bức xúc trong nhân dân. Tổng mức đầu tư thì đưa ra rồi lại điều chỉnh tăng lên, nói là tiền vay nước ngoài nhưng cuối cùng người dân vẫn phải nộp thuế để trả...”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong cuộc họp theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm kiểm điểm việc triển khai tất cả các dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) diễn ra sáng nay (12/9), tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Cuộc họp có sự tham gia của Bộ Công an, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và lãnh đạo 2 thành phố lớn có dự án ĐSĐT là Hà Nội và TPHCM.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, đáng lẽ đây sẽ là một cuộc họp kín giữa các bên liên quan, nhưng vì những dự án này rất quan trọng và nguồn vốn sử dụng rất lớn, trong khi tiến độ các dự án chậm đang gây bức xúc trong dư luận và tổng mức đầu tư đều phải điều chỉnh. Do vậy thông tin cần được công khai, minh bạch để nhân dân được biết.

Chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư

Cuộc họp mở đầu với việc điểm lại các dự án ĐSĐT đang và sắp triển khai tại Hà Nội và TPHCM, mỗi thành phố này đều được Chính phủ phê duyệt triển khai 8 dự án ĐSĐT. Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch-Đầu tư của Bộ GTVT, các dự án này chủ yếu được đầu tư bằng vốn ODA, tuy nhiên hiện hầu hết các dự án ĐSĐT đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng từ 61% - 172% so với ban đầu. Tiến độ thực hiện dự án thì chậm từ 2-3 năm, thậm chí là 5 năm.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội (ảnh: Hữu Nghị)

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội (ảnh: Hữu Nghị)

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho rằng có 2 vấn đề quan trọng liên quan đến ĐSĐT. Đầu tiên là việc nghiên cứu về ĐSĐT trước kia quá sơ sài nên khi lập dự án còn thiếu nhiều, như: hướng tuyến, nhà ga, giải pháp, biện pháp… Thứ 2 là toàn bộ khung tiêu chuẩn, khung pháp lý liên quan đến ĐSĐT chưa hoàn chỉnh, nhiều thứ đặt ra còn thiếu.

“Đơn cử như tuyến ĐSĐT số 3 Nhổn - ga Hà Nội, lúc đầu thiết kế đi ngầm từ Núi Trúc đến ga Hà Nội, sau đó lại điều chỉnh ngầm từ đền Voi Phục đến ga Hà Nội, 2 vị trí này cách nhau gần 2km thì chuyện tăng tổng mức đầu tư là đương nhiên. Hay như tuyến ĐSĐT Nam Thăng Long - Thượng Đình, chưa làm gì tổng mức đầu tư đã tăng rồi…” - ông Hùng cho hay.

Trong khi đó, đại diện Bộ Kế hoạch-Đầu tư nhìn nhận, kiến thức về ĐSĐT kém, sự nắm bắt về kỹ thuật và điều hành là rất yếu, phụ thuộc quá nhiều vào tư vấn và nhà tài trợ, thậm chí nhà tài trợ vốn đưa ra các giải pháp kỹ thuật nhưng chúng ta chưa nắm bắt được để có ý kiến.

Lý giải việc tăng tổng mức đầu tư, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường - cho biết, ODA cho ĐSĐT khác so với các dự án khác, vì cơ bản là chuyển giao công nghệ. Không riêng gì Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào, khi chưa có công nghệ mới thì phải thông qua chuyển giao công nghệ, và chúng ta có quyền phản biện để đi đến kết quả. Việc tăng tổng mức đầu tư liên quan đến giải quyết vấn đề về thời gian, bởi thường từ 1 đến 5 năm phải kết thúc dự án nhưng nhiều dự án ĐSĐTđã triển khai từ rất lâu mà chưa hoàn thành (ĐSĐT tuyến số 1 Hà Nội từ năm 2001 đến nay 2014 vẫn chưa khởi công được), vì thế có sự thay đổi lớn về công nghệ (3 năm sẽ thay đổi 1 lần) và đó là điều phải chấp nhận…

Phải đảm bảo tiền thuế của dân được sử dụng hiệu quả!

Nhìn nhận tất cả các dự án ĐSĐT hiện đang chậm tiến độ và phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, việc quản lý chặt chẽ hiệu quả vốn vay của nước ngoài và vốn đối ứng của Chính phủ là trách nhiệm của Bộ GTVT và 2 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, phải đảm bảo tiền thuế của dân được sử dụng hiệu quả.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội (ảnh: Hữu Nghị)

Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Toàn bộ các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM hiện nay đều chậm từ 3-5 năm và phải điều chỉnh tổng mức đầu tư"

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng Việt Nam chưa xây dựng các dự án ĐSĐT lớn nên chưa có con người đủ kiến thức và bản lĩnh để nghiên cứu một cách thấu đáo, việc nghiên cứu sơ sài và đưa ra tổng mức ban đầu rất thấp chưa đảm bảo dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Vì chưa có ĐSĐT nên khung pháp lý chưa đủ lớn, vì thế qúa trình triển khai thực hiện các dự án chưa tốt. Bộ máy quản lý thiếu và yếu, chủ yếu phụ thuộc vào tư vấn. Sự phối hợp của các Bộ ngành với địa phương chưa tốt.

Nguyên nhân chủ quan của con người được người đứng đầu ngành GTVT thừa nhận trước hết là Bộ GTVT, TP Hà Nội và TPHCM. Ở các dự án có sự lơ là, chưa có sự quan tâm đúng mức và chưa có sự chủ động giải quyết nhanh chóng, sự quyết liệt trong vào cuộc với các dự án ĐSĐT dẫn đến chậm tiến độ. Cùng với đó, bản thân các địa phương là Hà Nội và TPHCM cũng thực sự chưa quyết liệt nên dự án chậm tiến độ đã dẫn tới tăng tổng mức đầu tư”.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, với các dự án phải nói rõ tất cả các nguyên nhân vì sao chậm, vì sao phải thay đổi tổng mức đầu tư, phải công khai để nhân dân được biết… Khẩn trương ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về giao thông đô thị đường sắt, thống nhất và đấu tranh với nhà tài trợ để áp dụng tiêu chuẩn của mình.

“Các dự án làm bao lâu không xong, bụi mù mịt, gây cản trở giao thông dẫn tới những bức xúc trong nhân dân. Tổng mức đầu tư thì đưa ra rồi lại điều chỉnh tăng lên, nói là tiền vay nước ngoài nhưng cuối cùng người dân vẫn phải nộp thuế để trả cho nước họ. Vì thế, người dân có quyền được biết tiền của họ được sử dụng như thế nào” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, ngay sau cuộc họp này sẽ thành lập Ban chỉ đạo các dự án ĐSĐT do Bộ trưởng Bộ GTVT làm Trưởng ban, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Hồng Trường tham gia, cùng với lãnh đạo của TP Hà Nội và TPHCM, các ban ngành và cơ quan liên quan đều tham gia. Một Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo do Thứ trưởng Đông làm Tổ trưởng cũng được thành lập để thường xuyên giải quyết các vấn đề có liên quan.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm