1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sau Đại hội Đảng X:

Người dân cần những hành động cụ thể

(Dân trí) - Đại hội Đảng X đã thành công tốt đẹp. Các chủ trương, đường lối để từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định những chiến lược phát triển đất nước đã được thông qua. Các đại biểu đại diện cho 3 triệu đảng viên đã bầu ra được những người ưu tú nhất trong Đảng để nắm trọng trách lãnh đạo đất nước.

Thế nhưng, trong niềm vui chung ấy vẫn còn phảng phất những ưu tư trong mỗi đảng viên. Làm gì và làm thế nào để những chủ trương đúng đắn đó đi vào cuộc sống nhằm xây dựng, đánh thức tiềm năng, sức mạnh của toàn thể dân tộc?

Ở đông đảo quần chúng nhân dân, trong sự phấn khởi cao độ về thành công của Đại hội cũng đặt ra những câu hỏi về các vấn đề cụ thể như làm thế nào để kinh tế nước ta sẽ phát triển theo đúng kế hoạch? Tệ nạn tham nhũng, mua chức, mua quyền sẽ được Đảng giải quyết đến đâu? Công tác cán bộ với những sai sót trước đây sẽ được Đảng khắc phục ra sao? Liệu có “giơ cao đánh khẽ”?... Đó cũng là những đòi hỏi chính đáng của người dân.

Người dân cần những hành động cụ thể - 1
Trẻ hoá đội ngũ

Về công tác tổ chức, điều ông Phan Đức Bính - Nguyên Chuyên viên cao cấp, Phó Văn phòng Bộ Kế hoạch & Đầu tư quan tâm là trẻ hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo. “Cốt lõi của đổi mới lần này là trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo của Đảng nhưng các vị trí lãnh đạo cao cấp, nhân sự trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư chưa đạt theo mục tiêu trẻ hoá đã đề ra.

Trước Đại hội, mục tiêu đặt ra là 17 Uỷ viên Bộ Chính trị thì nay chỉ chọn lựa được 14 đồng chí và Ban Bí thư là 11 thì cũng chỉ chọn được 8 đồng chí. Theo tôi, chính điều này sẽ làm thiếu sự phân bổ lãnh đạo của Đảng đối với những ngành chủ chốt.

Ví dụ như Bộ Ngoại giao cần phải có một đồng chí cao cấp của Đảng là Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách thì chỉ có một Uỷ viên Trung ương dự khuyết. Bộ Giao thông Vận tải và một số Bộ, ngành khác cũng nằm trong trường hợp này” - Ông Bính nói.

Quyết sách chống tham nhũng

Trung tá Vũ Hồng Việt, Hội cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình quan tâm đặc biệt đến “công cuộc” chống tham nhũng. Ông Việt bức xúc cho rằng phải trừng trị con quái vật tham nhũng: “Liên tục trong thời gian hai năm trở lại đây, chúng ta đã phải chứng kiến quá nhiều cuộc “càn quét” của tham nhũng mà dư âm của nó luôn khiến người khác phải ghê sợ.

Nào là Lã Thị Kim Oanh, nào là Nguyễn Việt Tiến, nào là Bùi Tiến Dũng, nào là ở Tổng Công ty Dầu khí, đến Thứ trưởng Bộ thương mại cũng “dính”... Tham nhũng thực sự tồn tại như một con bạch tuộc. Một con bạch tuộc có cái vòi khủng khiếp ngoằn ngoèo bất chấp mọi khoảng cấm, mọi giới hạn.

Qua đợt “ra quân” chặt vòi bạch tuộc vào thời điểm trước thềm Đại hội vừa qua, tôi rất tin tưởng và kỳ vọng rằng trong thời gian tới đây Đảng ta sẽ tiếp tục có những quyết sách quyết liệt trong việc chống tham nhũng.

Người dân cần những hành động cụ thể - 2
Chống “phiên dịch” chủ trương

Nhà văn Võ Thị Hảo lo ngại trước cái gọi là “phiên dịch” chủ trương, đường lối theo ý chủ quan và mong muốn báo chí được tham gia nhiều hơn nữa vào cuông cuộc quản lý, lập lại trật tự công bằng xã hội.

Bà Hảo cho biết: “Nguyện vọng của tôi cũng như bao người dân khác, mong muốn có sự thay đổi lớn trong chính sách đường lối của Đảng để làm sao Việt Nam phát triển  mạnh mẽ, quyền con người được tôn trọng và sự thẳng thắn được tôn vinh. Đại hội Đảng X đã đưa ra nhiều chính sách đổi mới xã hội nói chung và văn hoá nói riêng nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số “tồn đọng nhức nhối” theo tôi cần phải xem xét.

Vấn đề đầu tiên là sự “phiên dịch” những chủ trương chính sách của Đảng theo chủ quan cá nhân, lợi dụng cái đó để phục vụ mục đích cho một hoặc một nhóm người. Có thể đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước mong muốn những điều tốt đẹp nhưng nếu nó không được thể hiện bằng những chiến lược, hành động cụ thể thì cuối cùng cũng bị người ta lợi dụng, hạ thấp.

Vấn đề thứ hai tôi muốn đề cập tới là tính cách người Việt Nam ta có quá nhiều sự “tệ”. Ngay trong văn hoá ứng xử con người với nhau thì sự thiếu trung thực đang bị lấn át. Tôi nghĩ rằng trong chủ trương xây dựng văn hoá mà Đảng - những người lãnh đạo nói chung cần làm là làm sao để cho người Việt Nam lấy lại được lòng chính trực. Mọi sự xây dựng xã hội hay văn hoá phải được xây trên nền móng sự thật.

Và điều tôi thấy vô cùng cần thiết nữa, nếu các lãnh đạo Đảng, Nhà nước thật sự muốn các phương tiện thông tin đại chúng - những người làm báo chí, văn hoá tham gia giúp mình quản lý xã hội, lập lại trật tự công bằng xã hội thì hãy tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa. Họ là lực lượng giám sát rất tốt. Hầu hết các vụ tham nhũng được công khai và xử lý, làm trong sạch xã hội, giúp Đảng lấy lại sự vững mạnh là nhờ báo chí phát hiện.

Người dân cần những hành động cụ thể - 3
Nên nói ít, làm nhiều

Bác sỹ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư thì cho rằng hãy nói ít mà nên làm nhiều, để biến nghị quyết thành hiện thực. “Tôi rất ấn tượng với câu nói của ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn Đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kì về việc chọn người lãnh đạo “Nói nhiều bao nhiêu, lý luận giỏi bao nhiêu mà dân cứ đói, cứ thua kém thì nói nhiều cũng chẳng để làm gì”.

Đúng vậy, tôi cho rằng người lãnh đạo cần chứng minh năng lực bằng hành động nhiều hơn là lời nói “xáo”. Ban chấp hành mới được bầu lên lần này phải đề ra được những kế hoạch cụ thể và phải thực hiện được những kế hoạch đó. Thực hiện được nhiều những kế hoạch cụ thể hữu ích nhiều hơn là đưa ra nghị quyết, vì nghị quyết đưa ra nhưng để thực hiện được như nghị quyết là cả một quá trình.

Người dân cần những hành động cụ thể - 4
 Đẩy mạnh cải cách hành chính

Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Phong quan tâm đến việc xây dựng niềm tin của quần chúng nhân dân qua việc phát triển kinh tế và chống tham nhũng.

“Đại hội đã nêu quyết tâm rất cao của toàn Đảng là chống tham nhũng, lãng phí, đẩy mạnh cải cách hành chính. Tuy nhiên, trong việc chống tham nhũng Đảng phải đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn để củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân và Đảng phải có tinh thần xuyên suốt và quyết tâm cao thì mới đưa đất nước thoát khỏi tình trạng chậm phát triển như hiện nay” - Ông Phong nói.

Người dân cần những hành động cụ thể - 5
Con cháu sẽ lên án chúng ta, nếu...

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Công ty cổ phần Việt Tiên Sơn hi vọng vào sự đổi thay căn bản trong tư duy của các nhà lãnh đạo sau Đại hội.

Ông Hải cho biết trong 20 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được một số thành tựu đáng kể, song với tốc độ như vậy trong 20 năm tới, chúng ta khó có thể so sánh được với các nước trong khu vực. Nếu chúng ta quyết liệt hơn, rốt ráo hơn trong công cuộc phát triển đất nước thì 20 năm sau, con cháu chúng ta sẽ lên án chúng ta giống như chúng ta đang than trách về một thời kỳ u ám trước đổi mới.

Người dân Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp Doanh nhân mong rằng các nghị quyết không còn là những lý thuyết để chúng tôi có niềm tin và an tâm góp công làm giàu cho đất nước, cho mình. Tôi mong sau Đại hội, có quyền hi vọng vào nhiều cơ hội để tăng trưởng doanh nghiệp hơn nữa.

Nhóm PV (Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm