1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người đàn bà “đình đám trong giới nghiện”

Chị Trang có vẻ trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 52 của mình. Nhìn khuôn mặt đôn hậu và chất phác của chị, ít ai biết rằng, người phụ nữ này từng nổi đình, nổi đám trong giới nghiện xì-ke đất Bình Thuận.

Lầm lỗi...

 

Sống tự do trong một gia đình không cha, không mẹ (bố chết sớm, mẹ bỏ nhà đi bước nữa), nên mới 14 tuổi cô bé Cao Thị Trang đã tập đòi đủ các thói hư, tật xấu của chúng bạn, trong đó không loại trừ cả thứ chất trắng chết người - ma túy. Sau một vài lần thử dùng ma túy, bị anh trai dọa giết chết, Trang đã bỏ nhà đi lang thang.

 

Người đàn bà “đình đám trong giới nghiện” - 1

Chị Cao Thị Trang hồ hởi kể về những dự định công tác xã hội sắp tới của mình

 

Không biết làm gì để sống, Trang đã được mấy chị bạn “dụ” đi làm gái mại dâm để lấy tiền tiêm chích ma túy. Người khách đầu tiên của cô gái này là một người đàn ông người Hoa hơn cô đến gần bốn chục tuổi. Cầm 15.000 đồng tiền boa, với tấm thân đau đớn vì bị dày vò quá mức, Trang cảm thấy xót xa và tủi nhục lắm, nhưng đã lỡ..., vì “nếu không làm, lấy tiền đâu mà xài?”.

 

Biết việc mình làm không sớm thì muộn cũng bại lộ, Trang đành “bán xới” đi nơi khác làm ăn để anh trai và bạn bè không thể biết cô đi “buôn phấn, bán hoa”. Phiêu bạt, xuôi ngược khắp nơi từ Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt, đến Cần Thơ, Sài Gòn..., Trang qua tay hết chủ chứa này đến chủ chứa khác và ngày càng ngập sâu trong nghiện ngập.

 

Chán “hàng đen” (thuốc phiện), Trang chuyển sang chơi “hàng trắng” (hê-rô-in). Ngoài ma túy, Trang mỗi ngày “đốt” từ 3 đến 5 bao thuốc và có khả năng uống rượu “thần sầu”.

 

Đoạn tuyệt quá khứ...

 

Năm 1996, trong một đợt truy quét tệ nạn xã hội, Cao Thị Trang bị bắt và đưa vào Trường Giáo dục dạy nghề của tỉnh. Tại đây, chị đã được các thầy, cô giáo giúp đỡ, phân tích cho thấy thế nào là đạo lý làm người, sống thế nào là lương thiện. Một thời gian sống, học tập và cải tạo tại đây, chị đã ngộ ra rằng: Mọi người xung quanh không những không bỏ rơi mình, mà còn động viên và tạo mọi điều kiện giúp đỡ mình. Và, nơi đây, Trang đã gặp anh - một người cùng cảnh ngộ, nguồn động viên to lớn giúp chị hoàn lương và cũng là người bạn đời gắn bó suốt đời của chị sau này.

 

“Đó chính là những động lực giúp tôi tăng thêm nghị lực sống, đối mặt với khó khăn gian khổ, quyết tâm làm lại cuộc đời...”, Trang tâm sự.

 

Tuy vậy, khi rời khỏi Trường giáo dục dạy nghề (năm 1997), Trang vẫn mang trong mình bao phân vân và mặc cảm. Chị băn khoăn tự hỏi: “Không biết ai sẽ giúp đỡ mình làm lại cuộc đời?”. Và chị đã nhận được câu trả lời khi Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Phan Thiết gần gũi, động viên, giúp đỡ và kết nạp chị vào Tổ “Giáo dục đồng đẳng”.

 

Mô hình này thông qua những người có quá khứ lầm lỗi, tiếp cận những người đang lầm lỗi, giúp họ hoàn lương, làm lại cuộc đời. Công việc tuy vất vả và đầy nguy hiểm (ví dụ như bị người nhà “đối tượng đích” hắt hủi, chửi bới, bị nhân viên y tế kỳ thị, nguy cơ lây nhiễm HIV luôn rình rập), nhưng chị Trang vẫn không từ nan vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

 

Với những sáng tạo, cố gắng và nỗ lực trong công việc, Cao Thị Trang đã được các cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ TP bầu làm Tổ trưởng Tổ “Giáo dục đồng đẳng”. Để tạo điều kiện cho chị hoàn thành nhiệm vụ và ổn định cuộc sống, Hội còn đề nghị với UBND TP cấp cho chị một phần đất ở xã Tiến Thành. Có chỗ ở ổn định, được mọi người tin tưởng, Cao Thị Trang càng nhiệt tình tham gia hoạt động của tổ.

 

Ngoài ra, chị tích cực vào công tác xã hội của địa phương, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục những người nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm từ bỏ quá khứ đen tối, làm lại cuộc đời, góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng bằng cách đi phát bao cao su và bơm kim tiêm sạch, tài liệu tuyên truyền... rồi vận động, thuyết phục các “đối tượng đích” đi xét nghiệm máu để biết tình trạng bệnh của họ, từ đó có biện pháp can thiệp phù hợp và kịp thời.

 

Giúp mình, giúp người

 

Từ năm 1997 đến nay, Tổ “Giáo dục đồng đẳng” đã có hàng trăm lượt tiếp xúc, thuyết phục được 17 phụ nữ bán dâm từ bỏ bám dâm, 3 người nghiện chích ma túy đi cai nghiện tại các trung tâm, 31 người đi xét nghiệm máu, chăm sóc 18 bệnh nhân AIDS. Trong chuỗi thành tích ấy, không thể không nói đến công sức rất lớn của Cao Thị Trang.

 

Bản thân chị không quản ngày đêm, nắng mưa lặn lội đến tận nhà những người nhiễm HIV giai đoạn cuối chăm sóc và giúp đỡ gia đình họ, thăm hỏi, thắp nhang chia buồn cùng gia đình khi họ “khuất bóng”. Sự nhiệt tình và tận tâm của chị đã làm lay động trái tim của những phận người lầm lỗi, kể cả những người khép lòng đến mấy. Có trường hợp cả hai vợ chồng đều bị nhiễm HIV được chị chăm sóc đến lúc chết. Sau khi họ mất, gia đình đã giao cả chìa khóa nhà nhờ chị đến coi sóc và giúp nhang khói.

 

Mới đây, khi Dự án Life Gap - chương trình tiếp cận cộng đồng nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiêm HIV trong các đối tượng ma túy, mại dâm và cộng đồng xã hội được triển khai tại TP.Bình Thuận, chị Trang lại bắt tay vào công việc mới mẻ và đầy ý nghĩa này nhằm giúp những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao tự bảo vệ mình.

 

Trong quá trình hoạt động xã hội của mình, Cao Thị Trang cho rằng: “Những người đã một thời lầm lỗi không chỉ trông đợi vào sự giúp đỡ của xã hội, mà phải biết tự tin vào bản thân, vào cuộc sống để phấn đấu lao động, học tập, vươn lên trong cuộc sống…”. Chị cũng mong muốn thiết tha: “Mọi người đừng kỳ thị, ghét bỏ những người đã từng có quá khứ không tốt, mà hãy bằng tình thương và trách nhiệm, giúp đỡ họ sửa chữa lỗi lầm…”.

 

Không biết có phải do một thời đùa giỡn với sức khỏe của mình không mà khi đã gần xế bóng, chị Trang đã bị ung thư gan. Cắt một lá gan rồi, khối u lại lan sang lá gan còn lại. “Chữa chạy hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, ai bày gì cũng uống, sức khỏe ngày càng suy giảm…”, nhưng chị Trang vẫn sốt sắng với công việc của mình. Ngày lại ngày, với chiếc xe đạp cà tàng, chị miệt mài đến từng ngõ ngách, công viên, các khu vực “nhạy cảm” để tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu họ đi khám sức khỏe, trị bệnh... Và chị cảm thấy vui, hạnh phúc với công việc mà chị cho là rất “bé nhỏ” và “giúp đỡ với những người có hoàn cảnh giống mình”.

 

Theo Pháp luật Việt Nam