1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người đàn bà cổ vật và chiếc đài sen của Huyền Trân công chúa

(Dân trí) - Chị là người phụ nữ mê cổ vật duy nhất được “điểm tên” trong sách. Chị hiện sở hữu nhiều cổ vật gốm quý từ các thời đại nhà Lý, nhà Trần, trong đó có chiếc đài sen men lục cốt phấn, vốn được giới chơi cổ vật cho là của Huyền Trân Công chúa.

Chủ nhân những tấm bằng khen của UNESCO

Người phụ nữ ấy là Lê Thị Minh Tâm, vốn là thành viên của tổ chức UNESCO Việt Nam. Nhiều cổ vật hiện đang trưng bày tại bảo tàng các tỉnh Nam Định, Phú Thọ, Hà Nội, Huế, Lâm Đồng, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Thanh Hóa... là do chị hiến tặng. Chị là nhà sưu tập nữ duy nhất được “điểm tên” trong cả 2 cuốn sách "1.000 năm Thăng Long - Hà Nội" và "Thú chơi cổ ngoạn của người Hà Nội" vừa được xuất bản bởi giới cổ vật Hà thành.
Người đàn bà cổ vật và chiếc đài sen của Huyền Trân công chúa - 1
Chị Tâm bên bộ sưu tập cổ vật có "số má" của mình.

Ngôi nhà 4 tầng trên phố Xã Đàn treo la liệt bằng khen của UNESCO trao tặng, ghi nhận thành tích đóng góp vào sự phát triển chung của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam. Đủ loại cổ vật gốm men nâu, men lục, thạp hoa nâu từ các triều đại nhà Lý, nhà Trần được chị bày biện chật cả hai tầng nhà. Đặc biệt, trong số ấy có chiếc Đài sen men lục cốt phấn thanh tao, đẹp đến mê hồn.

Đài sen men lục cốt phấn được giới chơi cổ vật đánh giá là hội tụ đủ các yếu tố của một món đồ cổ thuộc hàng độc đáo nhất. Đó là màu men lục, vốn là thứ vô cùng quý và hiếm, chiếc Đài sen này lại còn cốt phấn ở giữa nên càng hiếm hơn. Đó là kiểu dáng được làm tận 3 tầng cánh sen (thông thường các cổ vật khác chỉ có 1 hoặc cùng lắm là 2 tầng cánh sen); chân lại là loại chân thông phong cực kỳ khó làm.

Đài sen hoàn toàn được làm bằng tay mà vẫn tạo nên nét uyển chuyển, thanh tao nhưng cũng không kém phần uy nghi của một món đồ thuộc hoàng tộc.

Ông Sùng, một người chơi đồ cổ ở Sài Gòn có tiếng cả nước, tấm tắc bảo rằng, suốt 43 năm lăn lộn tứ xứ với hàng ngàn món đồ cổ nhưng ông chưa từng nhìn thấy chiếc đài sen men lục cốt phấn nào tương tự như chiếc này. Chỉ có một hai lần, ông có gặp chiếc đài sen men lục 2 tầng cánh sen, chân lại là loại chân trệt thông thường, không có gì quá đặc biệt.

Cơ duyên với món đồ của công chúa

Chiếc Đài sen men lục độc đáo này được chị Tâm mua lại từ ông Cường "thuốc lào", một tay chơi đồ cổ có tiếng xứ Thanh.

Dựa trên những đặc điểm về hoa văn, màu men, giới chơi đồ cô nhận định chiếc Đài sen men lục cốt phấn này có trong khoảng thời kỳ văn hóa Lý - Trần. Đó là thời kỳ đạo Phật hưng thịnh nên các hoa văn trên đồ gốm Lý - Trần thường được tạo thành hình cánh sen. Màu men lục cũng chỉ phát triển ở thời kỳ đó. Những thế kỷ sau, bí quyết làm nên màu men lục bị thất truyền, người ta không thể nào làm ra được màu men đó nữa. Vì thế, những cổ vật có màu men lục quý hiếm chỉ có ở thời Lý - Trần.
Người đàn bà cổ vật và chiếc đài sen của Huyền Trân công chúa - 2
Chiếc Đài sen men lục được cho là của Huyền Trân công chúa.

Có "tuổi đời" từ gần chục thế kỷ trước nhưng đến nay, chiếc Đài sen vẫn giữ được màu men lục đặc trưng, nước men vẫn còn nguyên vẹn với đầy đủ từng tầng, lớp cánh sen. Mảng cốt phấn ở giữa đài sen vẫn còn đó thứ màu trắng tinh khiết. Tất cả những yếu tố "sống" vượt thời gian ấy dường như càng thêm khẳng định về xuất thân đặc biệt của Đài sen.

Theo ông Sùng, thì chiếc đài sen men lục cốt phấn này chắc chắn không thể là món đồ trong gia đình quan lại được, đó là thứ đồ chỉ có trong hoàng cung. Tối thiểu chủ nhân của nó phải là công chúa trở lên thì mới có được món đồ ấy. Chiếc Đài sen như vậy thường được các bậc tôn quý dùng để bày biện hoặc đặt ở nơi trang nghiêm.

Hiện có hai giả thiết về chiếc Đài sen quý hiếm. Một nhóm chơi cổ vật cho đó là món đồ trang nghiêm của Công chúa khi nàng đi tu theo di mệnh của Vua cha. Một giả thiết khác cho đó là tráp mà nàng dùng để mài phấn mỗi khi trang điểm hoặc là thứ mà Công chúa dùng để đựng những món đồ quý hiếm khi còn ở trong cung cấm.

Giả thiết này được đưa ra bởi người ta đã tìm thấy chiếc Hộp đựng phấn của Huyền Trân công chúa. Hộp phấn đó có 2 tầng hoa sen, cũng là loại sen kép giống như chiếc Đài sen men lục cốt phấn này. Chiếc Hộp phấn đặc biệt ấy sau khi được đào lên từ di chỉ cổ vật thời Trần ở miền Trung, được mang đi đánh rửa, phơi nắng hàng chục lần nhưng mỗi khi mở ra, vẫn có mùi thơm thoang thoảng của phấn bay ra.

Màu sắc và từng cánh sen kép đặc trưng trên Hộp phấn của Huyền Trân Công chúa giống y chang chiếc Đài sen men lục cốt phấn. Có thể, chiếc Đài sen men lục cốt phấn độc nhất vô nhị này nằm trong bộ đồ trang điểm của Huyền Trân Công chúa, cùng với Hộp phấn của nàng đã được người ta tìm thấy trước đó.

Đam mê và bổn phận
Người đàn bà cổ vật và chiếc đài sen của Huyền Trân công chúa - 3
"Người đàn bà cổ vật" hạnh phúc bên gia đình.

Là một trong số ít những phụ nữ chơi cổ vật lại mất khá nhiều thời gian đi các nơi tìm mua những món đồ quý, nhưng chị Minh Tâm lại là người đắm đuối với gia đình. Chị nói, dù say cổ vật, mê những món đồ nhuốm màu cổ xưa nhưng với chị gia đình vẫn là trên hết.

Nhiều năm trước khi còn là cán bộ của một công ty xuất nhập khẩu, ông xã hay phải đi công tác xa nên chị đã xin về nghỉ chế độ để có thời gian chăm lo cho hai con nhỏ. Bây giờ, con trai lớn Bùi Trường Long của chị đã là sinh viên năm cuối khoa Kiến trúc - ĐH Xây dựng còn cậu út Bùi Trường Quân là sinh viên năm nhất trường Đại học Luật Hà Nội.

Viên mãn với hạnh phúc gia đình, "người đàn bà cổ vật" dường như ngày càng có cơ duyên với những món đồ cổ xưa. Chị được biết đến trong giới chơi cổ vật như hình ảnh một người phụ nữ hoàn hảo với gia đình yên ấm và thú chơi hoài cổ sang trọng.

            Mai Văn

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm