1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hậu Giang:

Người cựu chiến binh mang thân phận bị can oan suốt 23 năm

(Dân trí) - Năm 1988, khi đang là Phó phòng Nông nghiệp huyện, bất ngờ ông Trung bị bắt tạm giam. 3 tháng sau ông được tạm tha, vụ án cũng bị "bỏ quên". Từ đó, người cựu chiến binh này phải chịu bao nhiêu tủi hổ, đi gõ cửa giải oan cho mình suốt 23 năm.

Đó là câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Thành Trung (SN 1952), hiện ngụ tại phường 1, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Sau bao nhiêu năm mang thân phận bị can, cuộc sống của ông Trung có quá nhiều sự thay đổi: Sự nghiệp chính trị trở về con số không, cuộc sống gia đình rơi vào khó khăn. Bản thân ông Trung là thương binh, sức khỏe giảm sút khi ông phát hiện mình bị viêm tủy ngực, mang di chứng tứ chi phải điều trị suốt đời. Giờ đây ở tuổi 60, ông Trung đi lại rất khó khăn, phải chống gậy từng bước một.

Hôm tiếp chuyện với PV Dân trí, người cựu chiến binh Hậu Giang này vẫn còn đau đáu về nỗi oan khuất của mình. “Từ một cán bộ nhà nước rồi bỗng dưng bị bắt, bị tạm giam, 23 năm phải mang thân phận bị can, tôi sống mà như đã chết. Nói thật là gần 3 tháng bị tạm giam vẫn không bằng sống bên ngoài mà mang thân phận bị can, đau lắm chứ. 23 năm dài, dài hơn cuộc chiến tranh chống Mỹ”, ông Trung tâm sự.

Cựu chiến binh Nguyễn Thành Trung.
Cựu chiến binh Nguyễn Thành Trung.

Từ phó phòng nông nghiệp thành…“tội phạm”

Với những đóng góp của mình trong cách mạng, ông Nguyễn Thành Trung từng làm Chủ tịch, Bí thư phường, Chủ nhiệm HTX… và sau đó là Phó phòng Nông nghiệp huyện Vị Thanh (nay là TP Vị Thanh). Cũng từ khi nhận chức vụ này, cuộc đời ông Trung bất ngờ rẻ sang một hướng khác, trở thành…“tội phạm”.

Trò chuyện với PV Dân trí, ông Trung kể lại: Vào ngày 28/4/1988, khi đang là Phó phòng Nông nghiệp huyện, bất ngờ ông nhận được một tin “sét đánh” từ cơ quan tố tụng là bắt giam ông 3 tháng với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau 88 ngày tạm giam, ngày 24/7/1988, Viện KSND huyện Vị Thanh lại có lệnh tạm tha vì “xét thấy không cần thiết tạm giam”. Trong lệnh tạm tha, Viện KSND huyện yêu cầu khi có giấy gọi, bị can có trách nhiệm phải đến đúng ngày giờ quy định. Nhưng rồi không ai hay cơ quan nào gọi ông, vụ án chìm vào quên lãng. Ông Trung phải mang thân phận bị can từ ngày bị tạm tha mà không có lời giải thích nào của cơ quan tố tụng.

Cựu chiến binh Nguyễn Thành Trung.
Xét không cần thiết tạm giam, Viện KSND huyện Vị Thanh ra lệnh tạm tha rồi "bỏ quên" vụ án khiến ông Trung mang thân phận bị can suốt 23 năm qua.

Để giải oan cho mình, ông Trung nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng để xem xét nhưng hầu như đều rơi vào im lặng. Khoảng tháng 8/2009, “rất may” Viện KSND thị xã Vị Thanh (thời điểm này huyện Vị Thanh lên thị xã) có hồi âm nhưng câu trả lời của cơ quan này là ra quyết định bác đơn yêu cầu giải quyết oan sai của ông.

Viện KSND thị xã Vị Thanh cho rằng ông Trung vẫn “có tội” bởi vào những năm 1983- 1985, ông Trung là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Vị Thắng đã tự ý cho Nông trường Công ty Ô tô chi nhánh huyện Vị Thanh mượn một số vật tư và không thu hồi được. Vào năm 1986, khi ông Trung là Phó phòng Nông nghiệp huyện tiếp tục lợi dụng chức vụ quyền hạn và chiếm đoạt của Công ty Vật tư thuộc Phòng Nông nghiệp một số vật tư để phục vụ cá nhân và gia đình.

Với quyết định của Viện KSND TX Vị Thanh, ông Trung tiếp tục là bị can, tiếp tục chống gậy đi gõ cửa kêu oan.

Được giải oan như được sinh ra lần nữa

Trò chuyện với PV Dân trí, ông Trung cho biết, khi Viện KSND TX Vị Thanh vẫn cho rằng ông có tội, ông gần như rơi vào tuyệt vọng. Tinh thần ông suy sụp, căn bệnh viêm tủy thêm trầm trọng hơn. “Tôi bỏ hút thuốc lá lâu rồi nhưng vì buồn phiền quá đỗi nên hút lại như mong khói thuốc lấp đi nỗi phiền muộn này của mình”, ông tâm sự.

Ông cho biết, nỗi oan của mình mà không tự mình đi kêu thì biết nhờ vào ai và ông tin rằng rồi cũng sẽ có ngày công sức của ông được đền đáp nên ông quyết định gõ cửa ở cấp cao hơn. Khoảng tháng 7/2010, ông Trung có đơn khiếu nại gửi Viện KSND tỉnh Hậu Giang. Và 10 tháng sau đó, ông nhận được một quyết định của Viện KSND tỉnh mà theo ông cảm giác như được “sống lại lần nữa”.

Quyết định giải oan cho ông Trung của Viện KSND tỉnh Hậu Giang.
Quyết định giải oan cho ông Trung của Viện KSND tỉnh Hậu Giang.

Trong quyết định “giải oan” cho ông ngày 19/4/2011 của Viện KSND tỉnh, cơ quan này cho rằng, việc ông Trung khi đó là Chủ nhiệm HTX cho Công ty ôtô mượn vật tư đã có thông qua Ban chủ nhiệm HTX và khi ông về làm Phó phòng Nông nghiệp cũng đã có thông qua số nợ này thì không thể nói rằng ông tự ý. Khi ông làm Phó phòng Nông nghiệp huyện Vị Thanh có mua một số vật tư của Công ty vật tư nông nghiệp huyện Vị Thanh để sử dụng và sau đó có trả tiền đầy đủ. Do đó không thể cho rằng ông Trung đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để “mượn” rồi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước như kết luận của Viện KSND huyện Vị Thanh.

Viện KSND tỉnh Hậu Giang khẳng định, việc Viện KSND huyện Vị Thanh (nay là TP Vị Thanh) khởi tố, bắt tạm giam ông Trung là không đúng quy định của pháp luật. Viện KSND tỉnh yêu cầu, việc bồi thường thiệt hại do Viện KSND TP Vị Thanh thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại cho người bị oan là ông Nguyễn Thành Trung.

Khi cầm được quyết định giải oan của Viện KSND tỉnh, ông Trung cho biết, ông như được “sinh ra lần thứ hai”. Khi được minh oan cả tuần lễ ông không ngủ được vì cứ nghĩ đó là một giấc mơ. “Lẽ ra các cơ quan tố tụng cần giải quyết sớm hơn vụ án của tôi nhưng không hiểu sao “bị treo” suốt mấy chục năm trời mà không một lời giải thích nào. Giờ đây, dù có bồi thường thế nào đi chăng nữa cũng không thể bù đắp những mất mát của tôi trong ngần ấy năm bị oan khuất”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Trung cho biết, sau khi được Viện KSND tỉnh Hậu Giang giải oan, tưởng chừng ông sẽ nhận lại được những gì mà mình đã mất trong suốt 23 năm qua, song, giữa ông và cơ quan làm sai là Viện KSND huyện Vị Thanh (nay là TP Vị Thanh) vẫn chưa có “tiếng nói chung”.

Tòa án vào cuộc

Trò chuyện với PV Dân trí, ông Trung cho rằng, với những gì mà ông đã gánh chịu thì thiệt hại cả tinh thần và vật chất là rất lớn. “Tiền bạc không thể bù đắp được danh dự và sức khỏe”, ông nói. Dù vậy, hoàn cảnh gia đình sau 23 năm ông mang thân phận bị can lâm vào khó khăn nên dù ít nhiều thì việc bồi thường thiệt hại cũng sẽ phần nào đó giúp gia đình ông qua cơn khốn khó. Sau bao suy tính, ông cho biết, những thiệt hại tinh thần, sức khỏe, thu nhập của ông ước khoảng 1,6 tỷ đồng.

Viện KSND TP Vị Thanh và ông Trung có sự thỏa thuận về việc bồi thường nhưng không thành bởi cơ quan này không chấp nhận một số yêu cầu của ông. Ông Trung khởi kiện ra tòa án. Qua 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm, tòa tuyên Viện KSND TP Vị Thanh có trách nhiệm bồi thường cho ông Trung số tiền là hơn 416 triệu đồng, đồng thời buộc cơ quan này phải tổ chức công khai xin lỗi ông.

Các bản án của tòa đã có hiệu lực nhưng việc bồi thường cho ông Trung vẫn còn bỏ ngõ.
Các bản án của tòa đã có hiệu lực nhưng việc bồi thường cho ông Trung vẫn còn bỏ ngõ.

Tuy nhiên, kể từ khi có bản án của TAND tỉnh Hậu Giang ngày 28/9/2012 và đơn yêu cầu thi hành án của ông Trung gửi Viện KSND TP Vị Thanh ngày 30/10/2012 ông Trung vẫn phải tiếp tục chờ. Ông Trung bức xúc: "Tòa đã tuyên có hiệu lực và tôi cũng đã có đơn yêu cầu thi hành án đúng quy định pháp luật nhưng phía làm sai là Viện KSND TP Vị Thanh cho đến lúc này vẫn chưa thực hiện được gì là quá chậm trễ mà không có lời giải thích thỏa đáng nào".

Còn với hai bản án của hai cấp tòa, ông Trung cho biết, ông vẫn không đồng tình với một số nhận định của tòa bởi quyết định của tòa còn thiệt thòi cho ông. Do đó, ông sẽ tiếp tục có đơn gửi giám đốc thẩm để đòi đúng quyền lợi của mình.

Trao đổi với PV Dân trí về sự “chậm trễ” khi chưa thực hiện theo bản án của TAND tỉnh, ông Nguyễn Đồng Khởi- Viện trưởng Viện KSND TP Vị Thanh- cho rằng, sau khi bản án có hiệu lực, ngày 21/11/2012, Viện KSND TP Vị Thanh có mời ông Trung đến để “tiếp tục thỏa thuận việc thi hành án”. Sau khi thỏa thuận, Viện KSND TP có gửi văn bản đề nghị ngành cấp trên xem xét xung quanh bản án.

Ông Khởi cho biết, Viện KSND tỉnh Hậu Giang có văn bản gửi Viện KSND Tối cao tiếp tục xem xét. “Chỉ khi nào Viện KSND Tối cao có văn bản thống nhất bồi thường như bản án của tòa thì chúng tôi sẽ thực hiện ngay”, ông Khởi nói.

Thiết nghĩ, 23 năm đã là khoảng thời gian quá đủ để một con người bị oan như ông Trung chịu cảnh tủi khổ. Nay ông lại phải chờ tiếp “sự đồng thuận” để bồi thường cho mình nhưng biết chờ đến bao giờ khi vụ việc vẫn đang còn phải... xem xét. Các cơ quan chức năng liệu đã làm hết trách nhiệm của mình với một cựu chiến binh?

                                                                                                Huỳnh Hải