1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người cuối cùng trên chuyến tàu gỗ không số đầu tiên

(Dân trí) - Suốt 14 năm bị địch giam giữ, tra tấn, đày đọa từ nhà lao này đến nhà lao khác nhưng ông vẫn không khai về con đường Hồ Chí Minh trên biển mà ông cùng đồng đội đã làm nên huyền thoại.

Đó là ông Huỳnh Ba (86 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) - nhân chứng cuối cùng trên chiếc tàu gỗ chở vũ khí vào chi viện cho quân khu V cuối năm 1959 đầu năm 1960. Chuyến tàu xuất phát từ bến sông Gianh (Quảng Bình), nhận nhiệm vụ chở vũ khí cập bến Bãi Chuối (TT Huế) nhưng bất thành, tàu không cập bến được như dự định.

Trong căn nhà do Bộ tư lệnh Hải quân và Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh trao tặng, ông Ba kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày vượt biển trên chuyến tàu năm ấy cũng như những trận đòn tra tấn dã man của kẻ địch trong suốt nhiều năm ròng rã. Tuy đã 86 tuổi nhưng những ký ức về một thời oanh liệt vẫn còn hiện hữu trong ông.

Người cuối cùng trên chuyến tàu gỗ không số đầu tiên - 1

Ông Ba nhớ lại những ngày tháng trên chuyến tàu năm ấy 

Ông kể, quê ông ở Duy Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam, nhà ông có 5 anh em, bố và anh trai, em trai đều bị giặc giết. Hai mươi tuổi ông đã tham gia cách mạng tại đơn vị vận tải của Đoàn vận tải ủy ban kháng chiến Nam Trung Bộ. Năm 1946, ông được chuyển qua công tác tại đơn vị T08. Đến năm 1950 thì bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Đà Nẵng và nhà lao Huế nhưng bọn chúng không khai thác được gì ở ông nên phải thả ông ra. Cuối năm 1959, khi đang làm giao liên ở tuyến Đà Nẵng – Nha Trang – Buôn Mê Thuột, ông được Ban thống nhất trung ương điều ra Bắc nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chi viện cho quân khu V. Chuyến tàu xuất phát tại bến sông Gianh, chở 5 tấn vũ khí, được trang bị các ngư cụ như tàu đánh cá. Trên tàu, ngoài ông ra còn có 5 đồng chí khác.

Đêm 30 Tết Canh Tý (năm 1960), nhân có đợt gió mùa đông bắc tràn về, là cơ hội tốt để tàu ra khơi. Tàu của ông quyết định nhổ neo, rời bến vào đúng đêm giao thừa. Đêm đầu tiên, tàu rẽ hướng ra hải phận quốc tế với ý định sẽ vòng vào chân đèo Hải Vân. Thế nhưng, ngày hôm sau do gặp sóng to gió lớn, tàu bị gãy tay lái. Con tàu cứ thế trôi về phía Nam, đến ngày thứ 3 thì trôi vào đảo Lý Sơn. Mọi người trên tàu định lên đảo thì Lý Sơn thì phát hiện có tàu tuần tiễu của địch. Thuyền trưởng quyết định thả tất cả vũ khí trên tàu xuống biển và thống nhất lời khai nếu bị giặc bắt là tàu đánh cá, bị hư nên trôi dạt vào đây. Khoảng 4 giờ chiều, ngày 4 Tết, cả 6 đồng chí trên tàu bị giặc bắt.

Trầm ngâm một lúc rồi ông kể tiếp, mặc dù đã thống nhất lời khai là ngư dân đánh cá nhưng quân địch vẫn không tin. Chúng tra tấn dã man 6 anh em nhưng không ai chịu hé nửa lời.

Người cuối cùng trên chuyến tàu gỗ không số đầu tiên - 2

Ông Ba chụp ảnh cùng Thượng tướng Nguyễn Chơn năm 1994 tại Bãi Chuối

Từ nhà lao Lý Sơn, Huế, Đà Nẵng đến nhà lao Gia Định, Chí Hòa, Phú Lợi, sau đó chúng đày 6 đồng chí ra Côn Đảo… dù chúng sử dụng nhiều hình thức tra tấn nhưng vẫn không làm lung lay ý chí sắt đá của những con người tham gia mở con đường huyền thoại trên biển.

Đến năm 1974, chúng đành phải thả các đồng chí.

“Năm đó, người được giao nhiệm vụ đón chuyến tàu này tại Bãi Chuối là thượng tướng Nguyễn Chơn – Thứ trưởng Bộ quốc phòng”, ông Ba cho biết. Năm 1994, chính thượng tướng Nguyễn Chơn tìm gặp lại ông Ba và xác nhận đây là nhân chứng cuối cùng trên chiếc tàu gỗ không số đầu tiên mà ông nhận nhiệm vụ đón tàu nhưng không đón được tàu, không gặp được anh Huỳnh Ba.

Giờ đây, 5 người đồng đội của ông đã mất, chỉ còn lại mình ông. Ông Ba hiện là thương binh 2/4, hội viên Hội tù yêu nước.

 Khánh Hồng

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm