1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Quảng Nam:

Người Cơ tu hết thay tên lại… đổi họ

(Dân trí) - Chỉ mới mấy năm gần đây, ở vùng cao Tây Giang, Đông Giang rộ lên chuyện đồng bào Cơ tu thi nhau đặt tên con theo … tên Hàn Quốc thì nay lại nảy sinh thêm chuyện đua nhau đổi họ để “hiện đại hóa” tên tuổi. Nhiều “bi hài” lại bắt đầu từ đây.

Ba họ trong… một gia đình!

Những cán bộ tư pháp xã Sông Kôn chắc hẳn vẫn còn chưa hết đau đầu chuyện trong cùng một gia đình mà có đến… 3 họ. Chuyện thật tưởng như đùa này, trớ trêu thay lại đang xảy ra ở xã vùng cao của huyện Đông Giang (Quảng Nam). Đáng ngạc nhiên hơn, đây không phải là trường hợp cá biệt, bởi chỉ cần “điểm mặt” một số thôn trên địa bàn xã Jơ Ngây, Sông Kôn đã thấy hàng chục gia đình mang ba họ như thế : Alăng, Nguyễn và Lê, Alăng, Lê và Cao…

Nhưng một sự trùng hợp “ngẫu nhiên” của các gia đình mà chúng tôi được biết là đều mang họ gốc Alăng, một trong những tộc họ lớn nhất của người Cơtu.

Gia đình ông Alăng R (Thôn Đào, xã Sông Kôn, Đông Giang) có 5 người con, trong đó đứa con lớn mang tên họ là Nguyễn Văn M. con thứ hai mang tên Lê Văn M. Hay ở xã Cà Dăng, một xã gần đó cũng có gia đình trong đó người anh tên là Lê Duy H, thì người em kế tiếp lại mang tên là Cao Văn H. Chỉ đến những người anh em tiếp theo trong gia đình mới quay trở về họ Alăng như gốc gác thực sự của họ.

Theo nghiên cứu của các nhà dân tộc học, người Cơtu Quảng Nam vốn sinh sống chủ yếu ở “Tam Giang” của Quảng Nam gồm Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, với số dân khoảng 56 nghìn người, chia thành ba nhánh chính : Cơtu Zal (tức người Cơtu sống ở vùng cao), Cơtu Phương (người Cơtu sống ở vùng trung du) và Cơtu Êếp hay Cơtu Zúp(người Cơtu sống ở vùng thấp).
Người Cơ tu hết thay tên lại… đổi họ - 1
Những đứa trẻ Cơtu như thế này sẽ là người gánh chịu những hệ lụy của việc thay tên đổi họ.

Các già làng Cơtu hiện nay cho biết, vốn người Cơtu chỉ có 13 họ chính, sau này dần dần “phát triển” lên thành 33 họ :Alăng, Arất, Ating, Bh’riu, Zơrâm, Bh’nướch, Aviết, Riah, Rapat, C’lâu… Truyền thống của người Cơtu cũng quy định con cháu phải mang họ cha và không được thay đổi bất cứ họ nào ngoài dòng tộc mình.

Bao đời nay, đó là quy ước “bất thành văn” của người Cơtu, thế nhưng những năm gần đây quy ước đó dần dần đang bị xóa nhòa, thậm chí có nguy cơ “biến mất”…

Theo già làng Bríu P’răm, (nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII, hiện ở tại thôn B’hơơ hồng, xã Sông Kôn, Đông Giang), việc thay đổi họ bắt nguồn từ việc bảo mật thông tin cho những người con Cơtu tham gia kháng chiến trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Thậm chí một người có đến 5,6 tên họ cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, đây là điều không thể chấp nhận được.

Những hệ lụy khôn lường

Tất nhiên, hệ lụy của việc thay tên đổi họ một cách thiếu nhất quán là “nhãn tiền”, và trong thực tế đã có không ít người Cơtu đã phải chịu rất nhiều phiền toái do hậu quả của việc này. Mà dễ nhận thấy nhất là trong việc lập hồ sơ, sổ sách.

Có trường hợp, như anh Arất N. trong khi cả gia đình đều mang họ Alăng nhưng đến anh thì lại mang họ Arất, nên khi khai sinh cho các con, hay làm giấy tờ liên quan đến gia đình, anh N gặp không ít phiền toái. 

Việc khai tên họ không nhất quán này hay gặp nhất là khi các em nhập học. Thậm chí có cả trường hợp “Họ mày xấu quá, đổi theo họ của tao nè” như lời rủ rê của các bạn cùng lớp mà mãi đến khi nhà trường đòi bổ sung giấy khai sinh… mới té ngửa ra là các em khai không đúng tên mình.

Hay để “hiện đại hóa” họ tên của mình, có người đã biến từ họ Pơloong sang Phong, rồi từ đó lại “ra đời” một họ tộc mới. Điều này cũng gây không ít phiền toái cho nhiều cơ quan, đơn vị khi tiến hành điều tra, khảo sát, cũng như cho chính bản thân những người “mang hai họ”. 

Đem việc “hiện đại hóa tên tuổi” của người Cơtu trao đổi với bà Lê Thị Thủy, Phó CT UBND huyện Đông Giang, bà cho biết: “Vấn đế thay tên đổi họ của người Cơtu, thực ra đã xuất hiện cách đây nhiều năm. Chính điều này đã làm xảy ra không ít trở ngại cho chính quyền cũng như các đơn vị như trường học…”.

Bà Thủy cho biết, nguyên nhân chính của việc này, chủ yếu là do trình độ nhận thức, sự hiểu biết pháp luật của bà con còn yếu kém, thêm vào đó là tác động tiêu cực từ nền kinh tế thị trường với những giá trị phi truyền thống mang lại. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận sự yếu kém cũng như sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ ngành Tư pháp địa phương.

“Hàng năm, chúng tôi đều có những cuộc họp bàn nhằm trao đổi, tìm ra biện pháp ngăn ngừa, chấn chỉnh tình trạng này, trước hết là để tạo điều kiện cho con em theo học ở các trường, cũng như tránh những khó khăn, phiền toái trong việc làm hồ sơ của người dân khi vướng phải những hệ lụy của việc thay tên đổi họ thiếu nhất quán hiện nay”.

Còn ông Nguyễn Quang Khởi, Phó trưởng phòng VH-TT huyện Đông Giang cho rằng, tình trạng đồng bào Cơtu tìm cách “hiện đại hóa” tên tuổi của mình, đã gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng trong truyền thống văn hóa của đồng bào. “Nguy cơ xảy ra hôn nhân cùng huyết thống hoặc gần huyết thống, cũng như khả năng biến mất tộc họ truyền thống của người Cơtu sẽ là rất lớn, nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn”, ông Khởi lo lắng.

                                                Bài, ảnh : Nguyễn Thành Công