1. Dòng sự kiện:
  2. Đường mới xây bị sụt lún như động đất ở Tây Ninh
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Nhà báo Trần Đức Chính:

Người “chửi thuê” miễn phí cho dân

(Dân trí) - Trong mối quan hệ với giới cầm bút, tôi có quan điểm chẳng giống ai. Nếu quý mến con người nào đó ngoài đời, tôi thường không hay đọc tác phẩm của họ và khi mến mộ một tác giả nào đó, tôi thường không thích gần gũi, giao du với họ.

Lý giải điều này, có lẽ là do tôi cái bản tính tôi lo xa và cầu toàn. Tôi chỉ sợ cái ông ấy, cái anh ấy, cái người ấy sống hay thế, tốt thế, tuyệt vời thế nhưng khi đọc văn họ lại chán thế, nhạt thế, nhảm nhí thế. Và biết đâu lại chả vì ghét văn mà ghét lây cả sang người. Rồi ngược lại, cái ông ấy, cái anh ấy, cái người ấy viết hay thế, sâu sắc thế, hóm hỉnh thế mà sống lại nhạt thế, nhảm thế, chán thế. Vậy là biết đâu vì ghét cái tính tình mà ghét lây cả sang văn chương.

Viết để... kiếm ăn thôi!

Có lẽ vì thế mà dù đã lên Hà Nội gần 10 năm trời, nơi làm việc chỉ cách nhau già nửa cây số nhưng tôi mới gặp Trần Đức Chính một lần duy nhất. Đó là dạo gần thi tốt nghiệp, tưởng được làm luận văn, tôi đến tìm anh để “cài cắm” trước. Thế rồi, do tôi không đủ điểm làm luận văn nên phải thi và câu chuyện còn bỏ ngỏ.

Tuy không gặp nhau nhưng tôi vẫn thường hay đọc anh và có lẽ anh cũng để mắt đến tôi nên vừa gặp, anh đã giới thiệu với bà xã rằng đây (chỉ tôi) là nhà báo có mùi... khen khét. Trong nghề cầm bút, tôi coi đó là một câu khen rồi.

- Còn em thấy bác viết mà hoảng. Cứ đều đặn nắng cũng như mưa, sòn sòn ít nhất một bài một ngày. Sức viết của bác ghê thật.

- Kiếm ăn thôi, kiếm ăn thôi - Trần Đức Chính vừa pha nước vừa trả lời.

Lúc đó, tôi nghĩ là câu nói đùa nhưng đêm về thấy hình như anh nói thật. Nhiều độc giả đôi khi thường “vu” cho đám nhà báo, nhà văn niềm vinh quang không có thật bằng cách tưởng những người cầm bút lúc nào cũng vì những điều to lớn, cao siêu.

Thật ra, mục đích của họ thường đơn giản và đôi khi rất tầm tầm. Ít ai ngờ rằng hầu hết những tác phẩm vĩ đại của nhà văn Nam Cao được viết với mục đích duy nhất là lấy tiền trả nợ và mua thuốc cam sài cho lũ con lít nhít. Hay những tác phẩm văn chương bất hủ của nhà văn Nga Đốttôiepxki viết là để lấy tiền trả nợ cho những lần thua bạc. Để bây giờ, những người yêu mến hai ông dù muốn cũng không thể rành mạch cái nào viết vì lý tưởng, cái nào viết chỉ để lấy tiền trả nợ.

Với Trần Đức Chính có lẽ cũng vậy, thật khó rành mạch cái nào viết vì sự thôi thúc của lương tâm, trách nhiệm, cái nào viết đơn giản chỉ để hoàn thành nhiệm vụ, lấy nhuận bút và lấy lương. Hình như với những cây bút chuyên nghiệp, họ xoá đi được ranh giới rạch ròi này.

Cái “vốc chữ” của thảo dân họ Lý

Nói đến Trần Đức Chính, có lẽ chỉ một số người biết nhưng nói đến Lý Sinh Sự thì độc giả báo Lao động có lẽ không ai không biết. Cái bút danh gắn liền với cái góc nhỏ trên báo, nói như một nhà thơ là “chỉ một vốc chữ, tãi ra chưa kín hết bàn tay”.

Thế nhưng chính cái “vốc chữ” ấy đã góp phần tạo nên bản sắc của báo Lao động và một phong cách Lý Sinh Sự. Đã có khoảng 30 công trình khoa học của cử nhân, cao học, tiến sĩ viết về cái “đàn chữ” be bé này.

Thật ra, Trần Đức Chính không phải là người đầu tiên viết tiểu phẩm kiểu này. Trước anh, từ những năm đầu thế kỉ đã có các cụ Lý Toét, Xã Xệ, rồi những năm 1950 là nhà văn Vũ Bằng. Ngay tại báo Lao động, Trần Đức Chính cũng chỉ kế thừa bởi từ năm 1994 trở về trước, đây là mục do nhà báo Hoàng Thoại Châu (Ba Thợ Tiện) đảm nhiệm cùng với sự tham gia cộng tác của một số người khác.

Khi nhà báo Hoàng Thoại Châu nghỉ hưu, Trần Đức Chính được “kế nhiệm” và từ đó đến nay, một mình anh đảm nhiệm. Trần Đức Chính hiểu rằng chỉ có vai trò cá nhân, phong cách cá nhân mới tạo nên bản sắc chuyên mục và muốn thế, đương nhiên anh phải viết đều đặn.

Thế nên để giữ thế “độc quyền” một chuyên mục trên tờ báo hàng ngày, Trần Đức Chính phải thật sự là gã “khổ sai chuyên nghiệp”. Với tốc độ viết ít nhất một bài báo/ngày trong hơn mười năm trời liên tục, ở ta theo tôi biết chỉ có hai người làm được là nhà báo Hữu Thọ (Mục Chuyện làm ăn của báo Nhân dân) và Trần Đức Chính.

Kiểu viết này không chỉ cần thông tin mà hơn cả là sự tích luỹ vốn sống và bề dày văn hoá. Đọc những trang viết của Trần Đức Chính, dễ dàng nhận thấy đằng sau những câu chữ là một khối kiến thức kim cổ, đông tây. Có thể nói mà không sợ quá lời, Trần Đức Chính đã “thông tấn hoá” ngôn ngữ dân gian.

Thật ra, những bài viết của Trần Đức Chính không mới ở lĩnh vực thông tin mà là gợi mở một góc nhìn mới. Cũng một thông tin về bệnh sệ cánh (teo cơ delta) ở trẻ em, Trần Đức Chính không thông báo số lượng, địa phương xảy ra, cách phòng chống hay chữa trị mà anh liên tưởng đến... những cuộc thi hoa hậu, người đẹp đang diễn ra tràn lan gần đây với một lời bình nhẹ nhàng nhưng xa xót, rằng người ta thi đùi dài, bụng nhỏ, ngực nở, dáng cao chứ ai thi cái đám trẻ đói nghèo, tật bệnh lam lũ chốn làng quê.

Cách viết châm biếm thói hư tật xấu đồng thời gợi mở, thức tỉnh tính nhân bản đã khiến cho cái “vốc chữ” của Trần Đức Chính có sức nặng rất lớn và tạo nên “giai tầng” trong nghề nghiệp.

Châm biếm tức là “đùa với lửa”

Có lẽ điều khó nhất khi viết, Trần Đức Chính phải đương đầu là vấn đề thể loại. Về nghệ thuật, lối viết châm biếm luôn đòi hỏi người viết phải tìm cho được nghịch lý qua sự liên tưởng biến ảo và đặc biệt, tạo sự liên tưởng bất ngờ đến vô lý của tất yếu.

Những yếu tố này cộng với giọng văn giàu chất "umua" (hài hước) đã làm bật lên ở người đọc tiếng cười sảng khoái để rồi sau đó, là sự xót xa hoặc cảm thông, ăn năn hoặc tự vấn. Đằng sau nụ cười của các cây bút lớn bao giờ cũng đằm đẵm một nỗi đau thế thái nhân tình.

Thế nhưng những cây bút châm biếm thời nào và ở đâu cũng vậy, đều đang “đùa với lửa”. Bởi con người ta chẳng ai muốn người khác châm biếm mình dù điều họ nói là có thật nên không ít người “bề ngoài cười nụ, bề trong uất thầm”.

Để “đùa với lửa, không bị lửa thiêu”, ngòi bút của họ luôn ở trạng thái tỉnh táo và điềm tĩnh. Trần Đức Chính nói rằng sở dĩ anh ít “dính đạn” vì luôn tôn trọng dân chủ trên cơ sở đạo lý và pháp luật. Dù là châm biếm, Trần Đức Chính bao giờ cũng cố gắng nói đúng, nói trúng và nói trên tinh thần chống để xây.

Anh không mạt sát, lăng nhục hay xúc phạm ai và đặc biệt, Trần Đức Chính không bao giờ viết theo lối ám chỉ. Những điều anh nói luôn thẳng và thật. Tuy nhiên, anh cũng là người dũng cảm, đã nói thì không sợ và đã sợ thì không nói.

- Với những cái xấu, cái ác, thói vô cảm, tôi không bao giờ sợ. Tôi cũng không cần họ yêu mến vì bản thân tôi đã rất ghét họ.

- Thế bác cứ chê nhiều, có sợ bị gọi là nhà “chửi học”?

- Tốt quá. Từ lâu rồi, tôi luôn coi mình là “người chửi thuê cho nhân dân”.

Dám làm là dám chịu

 

Giờ đây, khi đã về hưu, Hội Nhà báo lại mời Trần Đức Chính về làm Tổng biên tập Nhà báo & Công luận. Tờ báo này không chỉ là cơ quan ngôn luận của Hội Nhà báo Việt Nam mà cao hơn cả, là đẳng cấp báo chí để từ đó, là chỗ dựa cả về nghiệp vụ lẫn tinh thần cho hội viên. Thế nhưng phải nói thẳng là cho đến giờ, nó chưa đảm đương được sứ mệnh to lớn này.

 

- Cũng mấy nơi mời nhưng mình chưa đồng ý vì muốn nghỉ ngơi. Vả lại, báo Lao động anh em vẫn tín nhiệm nên muốn mình tiếp tục cộng tác. Nói thật là về đây (báo Nhà báo & Công luận), mình không nghĩ đến tiền, cũng chẳng nghĩ đến danh mà thấy đây là việc nên làm - Trần Đức Chính tâm sự.

 

-  Nhiều người nói đây là tờ báo “cao vía”. Chỉ vài năm gần đây đã có đến mấy Tổng biên tập “đứt gánh” nửa chừng. Và được biết, cho đến giờ vẫn là một trong số những tờ báo có số lượng phát hành rất thấp?

 

- Đúng là khó khăn thật. Lực lượng nòng cốt là phóng viên có 6 người thì 5 người là nữ, trong đó có 3 người đang mang thai. Số lượng phát hành thì vài ba ngàn bản. Kinh tế thì nợ nần tương đối. Thật tình, tờ báo mới chỉ có cái tước hiệu. Nhưng đã dám nhận là dám làm và dám làm là dám chịu trách nhiệm.

 

Tôi và không chỉ tôi mà độc giả từng yêu mến Trần Đức Chính đang dõi chờ và hi vọng ở anh dù biết anh đang gồng mình trong cuộc chơi của số phận!

 

Bùi Hoàng Tám