Người chiến sĩ mang tâm hồn thi sĩ
(Dân trí) - Gần 40 năm gắn bó với màu áo Cảnh sát giao thông, cống hiến hết mình cho công việc tưởng chừng khô cứng, Thượng tá Nguyễn Đức Thịnh vẫn giữ cho mình một niềm lạc quan, yêu đời. Những nỗi niềm, tâm sự của người chiến sĩ công an được anh gửi vào thơ, vào văn...
Yên lòng dân, ấm lòng quân
Giữa dòng xe tấp nập, ồn ã, Thượng tá Nguyễn Đức Thịnh - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng PC67 - CATP Hà Nội) - vẫn lặng lẽ qua từng chốt giao thông kiểm tra, đôn đốc các chiến sĩ làm nhiệm vụ. Ca trực cuối cùng trong gần 40 năm gắn bó với màu áo CSGT khiến lòng anh nặng trĩu, bước đi dường như cũng chầm chậm hơn.
Cẩn thận chỉnh lại trang phục cho Thiếu úy Phạm Phương Loan, Thượng tá Thịnh không quên dặn dò người chiến sĩ trẻ không chỉ đảm bảo cho giao thông được thông suốt mà luôn phải tươi cười khi đứng trên bục chỉ huy giao thông, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ giao thông gần gũi, thân thiện với người dân.
Gần 40 năm, chưa khi nào anh lơ là với công việc. Anh luôn nghiêm khắc với bản thân: người lính phải cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể bất kỳ nhiệm vụ nào được giao.
Đời lính của Thượng tá Thịnh gắn bó với công tác khám nghiệm, điều tra tai nạn giao thông. Bao vụ tai nạn bi thương có thể khiến mọi người ám ảnh nhưng với anh, đó là công việc, là nhiệm vụ.
“Làm lính có gì mà sợ hả em, cái gì làm riết cũng quen. Có những vụ tai nạn rất thương tâm, người thân kêu khóc thảm thiết khiến mình cũng buồn, cũng thương lắm. Nói không sợ không đúng vì ai cũng là con người, nhưng nhiệm vụ vẫn là quan trọng nhất” - Thượng tá Thịnh chia sẻ.
Vừa cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, Thượng tá Thịnh còn luôn chú trọng xây dựng hình ảnh người Cảnh sát giao thông thân thiện, vì nhân dân phục vụ. Tháng 4/2016, trong khi cùng đồng đội làm nhiệm vụ trên tuyến đường Giải Phóng, Thượng tá Thịnh phát hiện một phụ nữ đi xe máy chở cá bị ngã, cá đổ hết ra đường.
Chẳng suy nghĩ nhiều, ngay lập tức, Thượng tá Thịnh tiến đến, cùng người phụ nữ trên nhặt từng con cá cho vào chậu rồi khiêng lên xe. Bất ngờ trước hành động của Thượng tá Thịnh, thấy chỉ huy của mình không ngại khó, ngại bẩn, các chiến sĩ trong tổ công tác cũng nhanh chóng đến giúp đỡ người phụ nữ trên, để các phương tiện khác không bị cản trở khi lưu thông qua đoạn đường này.
“Ai trong hoàn cảnh mình lúc đó cũng sẽ hành động như vậy thôi, hơn nữa công việc của mình là đảm bảo các phương tiện lưu thông an toàn, giúp phụ nữ đó cũng chính là giúp công việc của mình được hoàn thành tốt hơn” - Thượng tá Thịnh cười vui khi nhắc về sự việc trên.
Cuối tháng 4/2016, quá trình tuần tra dọc đường vành đai 3, tổ công tác do Thượng tá Thịnh chỉ huy phát hiện một xe ô tô vi phạm giao thông, ba người ngồi trên xe có biểu hiện không bình thường. Khi bị kiểm tra, 3 đối tượng trên xe đã vứt 2 gói nilon chứa chất bột màu trắng xuống sàn xe.
Tổ công tác đã tiến hành giữ 3 đối tượng, phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự - CATP Hà Nội giám định, kết luận số một màu trắng trong 2 gói nilon là heroin và methamphetamine.
Trước đó, tháng 3/2016, tại đường vành đai 3 trên cao, tổ công tác do Thượng tá Thịnh chỉ huy phát hiện, bắt giữ 100 bao tải mỡ bò, trọng lượng 4,5 tấn, đã bốc mùi hôi thối.
Người chiến sĩ mang tâm hồn thi sĩ
Có một điều ít người biết đến, Thượng tá Nguyễn Đức Thịnh từng có tới 21 năm cống hiến sức trẻ tại các tỉnh Tây bắc. Anh thuộc làu từng khe suối, vách núi nơi đây, gắn bó với Tây Bắc như ngôi nhà, quê hương của chính mình.
“Mình gắn bó cả thời trẻ với vùng Tây Bắc nên yêu và coi đó như là chính quê hương thứ hai. Những năm sống trên đó, khó khăn gian nhiều nhưng đổi lại, tình người ấm áp lắm. Mình làm công tác tuyên truyền, vận động thông tin cho bà con, đi tới đâu cũng được mọi người quý như về nhà” - Thượng tá Thịnh cười.
Anh nói, những năm công tác dưới xuôi, cuộc sống có đầy đủ hơn nhưng nhiều lúc anh thèm nghe tiếng chim rừng, thèm cảm giác ngồi quây quần với người dân bên đống lửa đêm đông. Có lẽ, núi rừng Tây Bắc đã mang đến cho anh nhiều cảm xúc, để rồi anh dồn hết cảm xúc ấy vào văn, vào thơ.
“Anh đến với văn thơ tự nhiên như cái duyên cuộc đời mình. Thơ chính là cuộc sống của mình bên trong. Lúc đó chỉ viết làm kỷ niệm, vì đam mê chứ không nghĩ giải thưởng gì cả, nhưng anh em bạn bè khen hay, bảo mình gửi đi thi và thật may mắn, tác phẩm của mình được yêu thích và đoạt giải” - Thượng tá Thịnh chia sẻ.
Hơn 1.000 tác phẩm thơ, anh dồn vào đó tâm tư, tình cảm cuộc đời của một người lính cụ Hồ. Từ những ngày công tác vùng cao, gắn bó với bà con tới những đêm tuần tra vất vả, cái hồn của người lính tự bao giờ cứ lạc quan và yêu đời đến vậy.
Đến nay, người thương binh Nguyễn Đức Thịnh, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, đã có 5 tác phẩm được Hội nhà văn in ấn, phát hành. Năm 2010, anh đạt Giải thưởng văn học viết về Hà Nội đổi mới và phát triển nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhiều tác phẩm thơ của anh được các tòa soạn báo chọn in, có những bài thơ được phổ nhạc...
Đọc những dòng thơ anh viết, người ta có thể cảm nhận được sự trong trẻo, nhẹ nhàng, chân thật.
Tâm đắc nhất với tác phẩm “Trăng nghiêng”, anh nói, ánh trăng giống như cuộc đời một con người, khi tròn khi khuyết nhưng có lẽ trăng đẹp nhất khi nghiêng nghiêng giống cô gái mới lớn, đôi má hồng hào tràn đầy tình yêu và sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ.
“Qua cầu em ra suối tắm
Váy em quấn chặt lên đầu
Trăng giờ... sao nghiêng nghiêng thế
Không như lúc ở trên cầu!”
Viết về lực lượng CSGT, anh như muốn mọi người thấu hiểu, cảm thông cho những vất vả của mỗi người chiến sĩ.
“Đêm đông gió rét căm căm
Xe tuần tra vẫn băng băng trên đường
Trăng khuya cũng rủ lòng thương
Hạt sương lấp lánh còn vương quân hàm.”
Nhẩm đọc những dòng thơ trong bài “Trên đường tuần tra”, Thượng tá Thịnh bùi ngùi tâm sự, dù đã nghỉ công tác chuyên môn, nhưng tâm trí anh luôn hướng về anh em chiến sĩ CSGT. Anh sẽ dành cho lực lượng CSGT nhiều hơn nữa dưới ngòi bút một người từng “trong cuộc”, hiểu và chia sẻ chân thành với từng chiến sĩ...
Tiến Nguyên