Người chiến sĩ của “Đại lộ Hồ Chí Minh trên làn sóng điện”
Với nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, làn sóng phát thanh đã chảy vào huyết quản; ông chăm chút từng trang tư liệu, nâng niu từng sự kiện lịch sử, từng chi tiết cuộc sống.
Từ ngày tiễn biệt người vợ yêu quý, người đồng chí, đồng ngiệp về nơi an nghỉ cuối cùng, giọng ông chầm chậm, nước mắt rân rấn khi nhớ về miền hoài niệm.
Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (ảnh chụp năm 2008) |
Tiếng nói đỉnh đạc vang lên giữa khoảng không lịch sử, đánh dấu sự ra đời của Đài phát thanh Tiếng nói Nam Bộ, đài phát thanh thứ hai của nước Việt nam dân chủ cộng hòa non trẻ, theo sau người “anh Cả” là Đài Tiếng nói Việt Nam, con đẻ của Cách mạng Tháng Tám.
Có mặt từ những ngày đầu, nhà báo Lý Văn Sáu làm biên tập viên, bình luận viên và sau này là Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Miền Nam.
Ông đi suốt hai cuộc kháng chiến, khi ở chiến trường miền Nam nồng nặc khói súng, lúc giữa phòng họp tráng lệ ở Paris, nước Pháp, với trọng trách là người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Nhà báo Lý Văn Sáu luôn luôn là chiến sỹ.
Với ông, làn sóng phát thanh đã chảy vào huyết quản. Ông chăm chút từng trang tư liệu, nâng niu từng sự kiện lịch sử, chăm chút từng chi tiết cuộc sống. Ông thường khuyên các nhà báo trẻ hãy biết thêm một ngoại ngữ, vì mỗi thứ tiếng mở ra cho nhà báo một chân trời mới.
Ông say mê tìm kiếm đến mức, có lần một nhà báo nữ của Đài Tiếng nói Việt Nam, được tiếng là sắc sảo trong ứng xử, đến xin ý kiến thủ trưởng. Ông vừa chui vào tủ lục tài liệu vừa trả lời, hồi lâu ông hỏi: “Cô đã hết ý kiến chưa?”. Nữ nhà báo nhấn từng tiếng: “Dạ thưa, em đã nói chuyện với cái lưng của thủ trưởng xong rồi ạ!”. Ông cười lành: “Xin lỗi nhé. Tôi mải quá mà”.
Tính ông vẫn thế, suốt thời gian làm Phó Tổng biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam có bao nhiêu chuyện dí dỏm về ông, luôn luôn nhớ đại sự mà quên tiểu tiết cuộc sống. Một lần kể lại để nhớ về ông nhiều hơn.
Nhưng có một điều mà nhà báo lão thành, nhà ngoại giao không bao giờ quên, không chút nguôi ngoai là tình dân trong những năm tháng gian truân. 40 năm sau trở lại An Lão, Bình Định, một trong những nơi trú chân của Đài Tiếng nói Miền Nam, ông dốc bầu tâm sự thành thơ: “Chúng tôi xưa uống nước nguồn này/Nay trở lại xin nghiêng mình kính viếng/Những đồng bào đã ra đi vĩnh viễn/Tuy mất rồi, nhưng sống mãi với non sông/Những đồng chí, anh em vai sắt mình đồng/Từng đùm bọc, chở che bát cơm, củ sắn/Cho Đài được ngày ngày phát sóng…/An Lão ơi, xin cho những đứa con/Hôn mảnh đất xưa kia từng qua lại”.
Thương lắm. Nhớ lắm.
Nhớ da diết hơn khi hay tin ông đã qua đời, cũng giữa một ngày đầu hè nắng chát chúa, nhưng giữa lòng Hà Nội./.
Theo Vĩnh Trà
VOV Online