1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người cận trên 5 diop không được điều kiển xe khách, xe tải, container (?!)

(Dân trí) - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) sẽ vào cuộc xem xét tính hợp lý, hợp pháp trong dự thảo thông tư của liên bộ Y tế - Giao thông vận tải về việc cấm người cận thị trên 5 diop hoặc viễn thị trên 8 diop lái xe.

Trao đổi với Dân trí, TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết mới tiếp nhận thông tin dự thảo thông tư quy định về sức khỏe lái xe do Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải soạn thảo, đang đưa ra lấy ý kiến có quy định cá nhân không đủ điều kiện lái xe các hạng A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE nếu bị tật khúc xạ có số kính trên 5 diop (cận thị) hoặc trên 8 diop (viễn thị).

Theo ông Sơn, đây là quy định hết sức cảm tính, bởi khó có thể nói rằng người cận trên 5 diop thì không thể quan sát rõ ràng đường đi lối lại và điều khiển xe không an toàn. “Bây giờ rất nhiều người cận 5 - 7 diop, thậm chí còn cao hơn nhưng khi đeo kính vào thì khả năng quan sát của họ như bình thường, thậm chí có khi còn tốt hơn cả người không đeo kính thì tại sao lại không cho phép họ lái xe ?”- ông Sơn nói.

Người cận trên 5 diop không được điều kiển xe khách, xe tải, container (?!)
Lực lượng chức năng như CSGT, thanh tra giao thông dựa vào đâu để xác định tài xế cận mấy diop để xử lý?

Hơn nữa, TS. Lê Hồng Sơn cho rằng việc cấm người cận trên 5 diop lái xe nhiều hạng như trên sẽ khiến lực lượng CSGT thực thi công vụ trên đường gặp nhiều khó khăn. “CSGT tuần tra trên đường làm sao biết được ai cận 1-2 diop, ai cận trên 5 diop như dự thảo đưa ra đây ? Chả lẽ phải trang bị thêm cho CSGT thiết bị đo được ngay thị lực của tài xế à? Tôi cho rằng một người thực sự kém về khả năng nhìn ở mắt thì chắc chắn chả dại dột gì mà điều khiển xe để nguy hiểm tới sinh mạng của họ cả. Quy định thế nào cho phù hợp chứ như thế này thì dư luận lại liên tưởng tới quy định cấm bán bia vỉa hè, rồi phải bãi bỏ ngay thôi”- ông Sơn nói.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan soạn thảo lại cho biết quy định người cận thị trên 5 diop và viễn thị trên 8 diop không đủ điều kiện lái xe như trên chỉ áp dụng với những tài xế của xe ô tô kinh doanh vận chuyển hàng hóa và hành khách như xe tải, xe khách, container nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối khi lưu thông trên đường. Riêng trường hợp lái xe gia đình thì không áp dụng điều này. Quy định này đã được gửi tới nhiều cơ quan liên quan và đều nhận được ý kiến đồng thuận.

Cũng theo TS. Lê Hồng Sơn,  Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chỉ “hậu kiểm” những văn bản đã được các bộ ngành, địa phương ban hành; nếu vẫn còn ở dạng dự thảo thông tư như thế này sẽ do bộ phận pháp chế của Bộ Tư pháp góp ý kiến. “Nếu họ vẫn khăng khăng giữ quy định và ban hành thông tư thì chúng tôi sẽ vào cuộc”- ông Sơn nói.

Trước đó, dự thảo thông tư về sức khỏe người lái xe cũng đã bãi bỏ những quy định từng gây tranh cãi về tiêu chuẩn cân nặng, thể lực, chiều cao. Theo đó, các tiêu chuẩn như ngực lép, thấp lùn… không được lái xe nay được bãi bỏ. Tuy nhiên các tiêu chuẩn về sức khỏe còn lại được đưa ra rất chi tiết theo 9 chuyên khoa gồm: tâm thần, thần kinh, mắt, tai-mũi-họng, tim mạch, cơ xương khớp, hô hấp, nội tiết, thuốc và các chất hướng thần khác.

Lý giải về việc bãi bỏ các tiêu chuẩn về thể lực như các chỉ số chiều cao, cân nặng, vòng ngực đối với người lái xe, ông Lê Tuấn Đống (Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế) cho biết, hiện nay các phương tiện (ô tô, xe máy) hầu hết có thiết kế, chế tạo và trợ lực thuận lợi cho người sử dụng, người lái xe tùy vào thể trạng của mình có thể chủ động lựa chọn phương tiện lái xe phù hợp.

A Phùng