1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người bệnh phải trả tiền gấp 4-5 lần khi mua thuốc

Một bác sĩ nội khoa ở TPHCM từng được trình dược viên chào mời một loại thuốc với mức hoa hồng cực hấp dẫn: Kê toa cho bệnh nhân thuốc này với giá 8.000 đồng/viên, bác sĩ được tới 6.000 đồng.

Trả gấp 4 lần giá trị thật của thuốc

 

Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phát hiện một số nhà thuốc gần khu vực Bệnh viện Da liễu bán thuốc cao hơn giá trị thực đến mấy trăm phần trăm! Ở "tiểu thị trường" dược phẩm tại các phòng mạch, tình trạng này cũng cực kỳ phổ biến. Gọi là "tiểu thị trường" nhưng đây là nơi lượng thuốc được đưa đến người bệnh hằng ngày rất lớn, mà thuốc ở phòng mạch thì người bệnh không bao giờ biết giá (bởi bác sĩ có tính rõ ràng đâu mà biết).

 

Cùng một loại thuốc, nhưng mỗi phòng mạch bán cho người bệnh với mức giá rất khác nhau; bác sĩ nào có "giá" thì thuốc cũng sẽ có giá cao hơn. Nhiều khi bỏ tiền mua thuốc đắt hơn nhiều lần so với thị trường bên ngoài nhưng người bệnh vẫn không biết được tên thuốc để so sánh, bởi bác sĩ đã bóc hết vỏ thuốc.

 

Một nữ bác sĩ nội khoa tiết lộ, trình dược viên từng đến phòng mạch của chị chào một loại thuốc Ấn Độ với mức hoa hồng rất cao. Với mỗi viên thuốc giá 8.000 đồng được kê cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ lấy 6.000 đồng, phía công ty chỉ "xin lại" 2.000 đồng. Điều này nghĩa là nếu có sự "tiếp tay" của bác sĩ, người bệnh sẽ phải trả số tiền gấp 4 lần giá trị thật của viên thuốc.

 

Một dược sĩ phát biểu: "Phần lớn thuốc bán lãi trên 30% là thuốc ngoài luồng. Số đông bác sĩ ghi toa là những người đã tiếp tay để thuốc được bán giá trên trời".

 

Hệ thống phân phối dược phẩm ở Việt Nam quá tệ!

 

Trong buổi làm việc cuối tuần qua giữa Sở Y tế, Hội Dược học TPHCM và các đơn vị dược phẩm, nhà thuốc, dược sĩ Nguyễn Xuân Lập, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, nói: "Không nơi đâu mà việc mua bán, phân phối thuốc lộn xộn, bầy hầy như trong nước".

 

Ông Lập cho biết, mới đây, Liên đoàn Dược thế giới sang Việt Nam quan sát tình hình bán buôn dược phẩm ở các nhà thuốc, "chợ trời" dược phẩm. Họ nhận xét rằng việc mua bán, phân phối dược phẩm của Việt Nam quá tệ.

 

Phần lớn các nhà thuốc hiện nay đều chật hẹp, nóng bức, không đảm bảo cho chất lượng thuốc. Tại các trung tâm bán sỉ, thuốc được chất đống, quăng lăn lóc dưới sàn nhà như hàng tạp hóa.

 

Hiện Việt Nam vẫn chưa triển khai thực hiện tiêu chuẩn GPP và GDP (thực hành tốt nhà thuốc và thực hành tốt phân phối thuốc). Dược sĩ Nguyễn Xuân Cẩm, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, sẽ có nhiều nhà thuốc, đơn vị dược bị đóng cửa khi thực hiện hai tiêu chuẩn này.

 

Theo dược sĩ Trần Việt Trung, Trưởng phòng Quản lý dược của Sở Y tế, khi triển khai GPP, nhà thuốc phải có nơi tư vấn cho người mua, có mặt dược sĩ thường xuyên. Với yêu cầu này, nhiều nhà thuốc sẽ phải dẹp tiệm, nhưng ông Trung cho rằng đó là điều tất yếu để cải thiện thực trạng hiện nay.

 

Điểm quan trọng trong việc thực hiện nhà thuốc đạt GPP là đặt nặng trách nhiệm của dược sĩ đối với người sử dụng thuốc. Dược sĩ phải có mặt thường xuyên khi nhà thuốc mở cửa. Do vậy, chỉ có dược sĩ về hưu, dược sĩ hoạt động tư mới được đứng tên mở nhà thuốc; chấm dứt chuyện "cho thuê mướn bằng" để mở nhà thuốc như số đông hiện nay.

  

Theo Vnexpress/Thanh Niên