1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người 45 lần bay từ TPHCM ra Sa Pa săn ảnh “mây luồn”

(Dân trí) - Đó là nghệ sỹ Hoàng Thế Nhiệm, một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như trên cả nước mà nhiều anh em trong nghề gọi là “Ông vua phong cảnh Việt Nam”.

Người 45 lần bay từ TPHCM ra Sa Pa săn ảnh “mây luồn” - 1
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm săn cảnh “mây luồn” dưới chân núi Phan Si Păng.
Từ ngày mồng 4 Tết Tân Mão đến nay, tính ra đã hơn hai chục ngày, người dân phố Cầu Mây (Sa Pa, Lào Cai) luôn gặp một người đàn ông nhỏ thó, gương mặt hiền khô, đeo cặp kính cận, trên vai là túi máy ảnh to đùng, leo núi Hàm Rồng hay đèo Ô Quý Hồ để chụp ảnh “mây luồn” - một cảnh tượng thiên nhiên tuyệt đẹp chỉ xuất hiện dịp đầu xuân (mây bay là là sát mặt đất).

 

Người ấy là nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm - một “công dân danh dự của Sa Pa” như ai đó nói vui. Kể từ năm 1995 tới nay, năm nào ông cũng vài lần bay từ TPHCM ra vùng du lịch nổi tiếng của Tây Bắc này để chụp ảnh phong cảnh mây núi và đời sống thường ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

 

Hỏi ông có nhớ đã bao nhiêu lần bay từ TPHCM ra Sa Pa “săn” ảnh, nghệ sỹ Hoàng Thế Nhiệm nhẩm tính: khoảng 45 lần, nếu tính bình quân ít nhất mỗi năm 3 lần. Riêng năm 2010 do bận nhiều việc nên ông đành “lỡ hẹn” với Sa Pa.
 
Người 45 lần bay từ TPHCM ra Sa Pa săn ảnh “mây luồn” - 2

Thị trấn Sa Pa qua ống kính của Hoàng Thế Nhiệm.

Người 45 lần bay từ TPHCM ra Sa Pa săn ảnh “mây luồn” - 3

Để chụp được bức ảnh Phan Si Păng lúc bình minh, nghệ sĩ Hoàng Thế Nhiệm đã phải chờ đợi đến 8 ngày với có cơ hội bấm máy. (Ảnh: Hoàng Thế Nhiệm)

Người 45 lần bay từ TPHCM ra Sa Pa săn ảnh “mây luồn” - 4
Bản làng Hầu Thào (Sa Pa) trong mây. (Ảnh: Hoàng Thế Nhiệm)

Người 45 lần bay từ TPHCM ra Sa Pa săn ảnh “mây luồn” - 5
Dưới nắng chiều Tả Van (Sa Pa) - Ảnh: Hoàng Thế Nhiệm

 

Ông chia sẻ về niềm đam mê của mình: “Các bạn ở vùng núi Tây Bắc quá quen thuộc với cảnh mây núi nên coi là bình thường, còn với những nghệ sỹ nhiếp ảnh từ Sài Gòn như chúng tôi hay các du khách nước ngoài, mây Sa Pa như một món “đặc sản” không thể thiếu khi tới thăm vùng núi kỳ vỹ này.

 

Mây Sa Pa đã mê hoặc tôi từ lần đầu tôi được ngắm nhìn phong cảnh thơ mộng của Sa Pa 15 năm trước và nhất là khi tôi mới chập chững bước vào nghề chụp ảnh, tình cờ được xem những bức ảnh phong cảnh đẹp như tranh thuỷ mặc về mây núi Sa Pa của cố nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Thọ - một người cầm máy ảnh có danh tiếng ở vùng Tây Bắc và Sa Pa.

 

Ngày xưa mỗi khi ra miền Bắc tôi mang theo khoảng 50 cuộn phim chụp ảnh và dành riêng cho Sa Pa 20 cuộn. Gần đây có máy ảnh kỹ thuật số thì trong ổ cứng bao giờ cũng chứa nhiều ảnh về đất và người Sa Pa”.

 

Gặp nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm một chiều xuân trên khu vực vườn lan của khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng, nơi có vị trí ngắm cảnh Sa Pa đẹp nhất, chúng tôi nghe anh kể đầu xuân Tân Mão anh ra Sa Pa và ở tới 22 ngày liên tục mà vẫn chưa chụp được ảnh “mây luồn” ưng ý, trên đỉnh núi Phan Si Păng.

 

Qua câu chuyện của anh mới biết thêm nghệ sỹ Hoàng Thế Nhiệm đã 4 lần chinh phục đỉnh Phan Si Păng và đã có những bức ảnh tuyệt hảo về cảnh bình minh trên nóc nhà Đông Dương đẹp như tranh.  sơn dầu. Thế nhưng anh vẫn chưa hài lòng , anh tâm sự với tôi chụp mây núi mỗi lúc lại có những vẻ đẹp khác nhau, vì thế Sa Pa luôn hấp dẫn các nghệ sỹ nhiếp ảnh.
 
Người 45 lần bay từ TPHCM ra Sa Pa săn ảnh “mây luồn” - 6
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm đã trở thành một "công dân danh dự của Sa Pa" (Ảnh: Anh được bà con người dân tộc Giáy ở xã Tả Van (Sa Pa) quý mến “lưu niệm” vết son trên mặt trong ngày lễ hội Roóng Poọc đầu xuân 2011).

 

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm dù được phong danh “Ông vua phong cảnh Việt Nam” nhưng rất khiên tốn, không bao giờ giấu bí quyết nghề. Các nhiếp ảnh gia trẻ vẫn coi anh như người chú, người thầy, vẫn gọi đến anh nhờ “tư vấn” mỗi khi gặp một “ca” khó; đặc biệt là trong lĩnh vực mây núi Sa Pa, “đặc sản” mà anh đã trót say mê từ ngày mới khởi nghiệp.

 

Phạm Ngọc Triển