1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Người 15 năm không ăn vẫn sống”: Các nhà chuyên môn nói gì?

(Dân trí) - Bác sĩ La Văn Phương - Phó GĐ Bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ thận trọng: Hiện tượng không ăn cơm, chỉ uống cà phê và trà đá sống trong 15 năm đó là chuyện lạ. Với sự hiểu biết của tôi hiện nay tôi chưa thể có câu trả lời nào chính thức.

Sau khi Dân trí đưa tin “người 15 năm không ăn” đã có nhiền bạn đọc gửi thư hỏi về hiện tuợng này. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với các bác sĩ đầu ngành có nhiều năm kinh nghiệm của Bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ.

Bác sĩ La Văn Phương - PGĐ bệnh viện nhận định: Con người không được nạp năng lượng không có dinh dưỡng thì làm sao sống được, chứ chưa nói sống đến 65 tuổi và đi làm ruộng bình thường như ông Nguyễn Tấn Lộc. 

Thưa bác sĩ, theo lời bệnh nhân thì ông ta vẫn uống trà đá, cà phê và không ăn được ngũ cốc, ngán sợ ngũ cốc?

Vậy thì câu chuyện lại ở góc độ khác. Ông ta không ăn ngũ cốc nhưng lại uống trà đá có đường thì chính đường cũng là một chất để duy trì sự sống. 

Tuy nhiên vấn đề ở đây là ông ta uống trà đá với lượng đường rất ít nhưng vẫn sống và làm việc như người bình thường? 

Quả thật khi tôi chưa trực tiếp kiểm tra bệnh nhân hoặc làm những xét nghiệm cần thiết theo quy trình của y học thì không thể võ đoán hay kết luận một điều gì. 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tòng - Phó Giám đốc Bệnh viện: "Vấn đề có thể liên quan đến vấn đề thần kinh"

Thưa ông, ông từng là bác sĩ  điều trị ở khoa thần kinh, vậy bác sĩ có thể lý giải về hiện tượng này? 

Qua bài báo thấy rằng việc ông Nguyễn Tấn Lộc ngán đến bỏ hẳn ăn ngũ cốc diễn biến có trình tự trong thời gian dài. Từ không thích ăn cơm dần dần ăn rất ít đến dùng cơm cháy để thay thế, rồi lại dùng những thức ăn khác như lạc, dừa và các chất có dầu… tôi cho rằng ở đây có vấn đề về tâm lý. 

Thưa bác sĩ ông Lộc vẫn rất muốn ăn cơm nhưng không thể nào ăn được? 

Vấn đề ở chỗ đó, có thể trong thời kỳ đi lính trong một bữa ăn nào đó có một cú “sốc” nào đó trong khi ăn làm cho ông ghê sợ và ám ảnh ông suốt đời. Nhưng đó là phỏng đoán của tôi chứ còn muốn kết luận vấn đề này không dễ dàng. Hiện tượng bệnh lý về thần kinh từng có những hiện tượng “kinh sợ” như thế trong cuộc sống. Tuy nhiên để lý giải vấn đề này có căn cứ, xin dành cho các nhà khoa học bậc thầy về chuyên môn nghiên cứu và trả lời. 

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hương phụ trách khoa u bướu bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ: "Trường hợp này hoàn toàn có thể xảy ra"

Thưa bác sĩ, ông có ý kiến gì về người nhiều năm không ăn vẫn sống? 

Hiện tượng không ăn mà sống hàng tháng thậm chí hàng năm đã từng có trên thế giới. Ở trường hợp này không phải là hoàn toàn không ăn gì mà chỉ không ăn ngũ cốc nhưng vẫn uống nước trà xanh và đường. Do vậy đường dù một lượng ít nạp vào cơ thể thì vẫn tạo ra năng lượng để sống.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là ông Lộc nạp vào cơ thể một lượng đường rất ít mỗi ngày qua các ly trà mà ông vẫn sinh hoạt bình thường hơn thế ông còn làm ruộng ? 

Điều này có thể lý giải đó là quá trình thích ứng của cơ thể bởi khi bỏ cơm ông cũng bỏ từ từ rồi đến bỏ hẳn và uống trà đá có đường trong thời gian dài, đó là cơ thể làm quen với sự ít dần. Đến lúc cơ thể thích ứng với một lượng dinh dưỡng tối thiểu từ những cốc cà phê, từ những ly trà. 

Tuy nhiên theo người nhà cho biết thì mỗi lúc mệt mỏi hoặc đuối sức lại truyền nước biển. Thì nước biển chính là nguồn bổ sung năng lượng phục hồi sức khỏe hữu hiệu nhất.

Thưa bác sĩ điều mong muốn của ông Lộc và gia đình là làm sao ông có thể trở lại thói quen ăn cơm như ban đầu? 

Ông Lộc từ chỗ sợ cơm, ăn ít cơm rồi bỏ hẳn và dùng nước thay cơm diễn ra theo chiều hướng nhiều, ít rồi bỏ hẳn. Vậy thì theo tôi bây giờ ông phải kiên nhẫn làm một quy trình ngược lại những ngày đầu tiên tập ăn một lượng ngũ cốc rất ít và mỗi ngày tăng dần đều để cơ thể thích ứng dần.

Cuối cùng là cơ thể của ông lộc đã quen dần với một lượng đường rất ít trong trà đá để duy trì sự sống. Vậy thì khi tập trở lại thói quen ăn cơm với một lượng tối thiểu cũng có thể giúp ông duy trì sự sống và sống bình thường. 

Phạm Tâm