Nghệ An:
Ngược núi săn lá dong rừng cuối năm
(Dân trí) - "Đi bộ 10-15km. Mùa này rét lắm. Dong rừng năm nay đẹp hơn nhưng khổ lắm. Cũng vì cái Tết mà bà con ta phải băng rừng, vượt suối đó nhà báo nha...", chị Vi Thị May - một phu hái lá dong rừng cho biết.
Những ngày cận Tết Nhâm Thìn, tôi có dịp trở lại miền Tây xứ Nghệ để ghi lại những hình ảnh nhộn nhịp cuối năm người dân nơi biên cương chuẩn bị đón Tết. Trong tiết trời lạnh đến thấu thịt, vượt qua quãng đường hàng trăm km tôi có mặt tại xã Bình Chuẩn, huyện miền núi cao Con Cuông.
Miền tây xứ Nghệ mùa này trời nhanh tối lắm. Mới gần 5 giờ chiều nhưng đã nhá nhem, chỉ trong tíc tắc, xa xa nhìn không thấy mặt người. Lác đác từ những cánh rừng đi ra là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, trên đầu, trên vai gùi đầy lá dong rừng sau một ngày lội suối, vượt núi.
Những bước chân mệt mỏi, quần áo bị gai rừng cào rách tướp, vừa đặt gùi lá chị Vi Thị May ở bản Na Cọ bảo: "Mệt lắm nhà báo ơi. Đừng chụp ảnh ta làm gì xấu hổ lắm đó. Đấy, quần áo đây, gai rừng nó bấu rách hết rồi. Ta đi hái lá dong từ 4 giờ sáng đó, phải vượt qua hơn 10km đấy. Mỗi ngày bà con ta chỉ gùi được một gùi thôi. Để có tiền sắm Tết thì phải lăn lộn mà, phải vào rừng mà đi kiếm thôi...".
Chị bảo, để băng rừng vượt suối tìm lá dong, chị phải mang theo con dao thật bén, đi đôi giày vải và mang theo ít cơm vắt để ăn trưa. Mỗi ngày gùi một gùi với gần 1.000 lá dong nhưng chỉ bán được 80 ngàn đến 100 ngàn đồng/1.000 lá. Biết là mệt, khổ... nhưng vì cái Tết, vì con cái mà chị đành phải băng rừng tìm lá dong.
Họ đi từ sáng sớm khi tiếng gà chưa gáy. Và họ cũng về rất muộn khi những con gà đã lên ràn. Những bước chân mệt mỏi, nhưng trên khuôn mặt họ tỏa ra những nét vui vì sau một ngày vất vả băng rừng tìm lá dong cũng đong đầy cái gùi phía sau.
"Đi vào rừng mùa này những con vắt, con sên, cái gai... thậm chí gặp cả thú dữ nó sẵn sàng tấn công đấy. Để tránh những rủi ro có thể xảy ra, bà con ta đi theo từng nhóm để hỗ trợ lần nhau nếu gặp thú dữ tấn công. Năm nay lá dong rừng đẹp hơn năm trước, nên dù vất vả một tí những cũng vui mà", anh Kha Văn So, bản Na Cọ, tâm sự.
Theo anh So, nghề săn lá dong cũng cần đến nhiều kinh nghiệm, không cứ vung dao rọc từ trên xuống dưới mà được. Người đã quen, có thể nhìn cây mà chọn lá. Lấy lá vừa đủ độ, không non cũng không già. Lá già thì khi gói bánh sẽ rất khó bởi lá giòn, dễ gãy; lá quá non lại không thể ép được. Khi cắt lá, cần cầm lá cẩn thận không để lá rách, gãy, mũi dao sắc đưa gọn đứt rời cuống lá, không làm ảnh hưởng đến những lá khác. Công việc nhẹ nhàng, nhưng vẫn đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay để bảo vệ những lá dong cho đến tay người gói bánh.
Trời Na Cọ đã tối sầm. Tôi trở về thị trấn Quỳ Hợp giữa màn đêm cô quạnh nơi núi rừng hoang vu và chuẩn bị cho ngày mai ngược lên một cánh rừng khác để đi săn dong rừng tiếp cùng mọi người.
Vốn nổi tiếng có cánh rừng già Pù Hoạt - nằm ở khu vực giáp ranh nước bạn Lào. Mảnh đất Quế Phong - nơi biên cương miền Tây xứ Nghệ 12 giờ trưa nhưng vẫn bồng bềnh chìm trong sương bởi độ cao ở đây. Phía tít tắp kia là đỉnh Pù Hoạt - đỉnh núi cao gần 2.000m so với mặt nước biển. Đỉnh núi này theo người dân địa phương nếu ai mà nhìn thấy được nó sẽ gặp được may mắn trong năm. Ngọn núi này quanh năm suốt tháng bị bao phủ bởi những màn sương dày đặc. Nó dường như quanh năm suốt tháng bị sương bao vây bởi độ cao, nó trở nên đẹp và thơ mộng đến không ngờ.
Trong vai một người đi mua dong rừng, tôi ngược vào Nậm Giải - dưới đỉnh núi Pù Hoạt cao ngây ngất kia là những chiếc xe máy cũ rích đậu bìa rừng của những phu lá dong. Phía trong rừng sâu là những bước chân chậm chạp leo lên đỉnh đồi cao, rồi qua con suối sâu để săn lá dong.
Cái rét như cắt vào từng thớ thịt, nhưng chị Lê Thị Pày trên trán toát mồ hôi hột, nói đứt quãng bởi phải len dốc cao, chị bảo: "Khổ lắm thôi. Ta ở đây quen rồi, con sên, con vắt nó hút máu kinh lắm. Nhưng cái dáng dấp của chú thư sinh kia phải cẩn thận đấy, nó mà cắn thì ra máu nhiều lắm, có người không chịu được về ốm rồi sinh bệnh sốt rét đó".
Về đến bìa rừng đúng 7 giờ tối. Tôi chỉ kịp rửa qua loa đôi giày nhuốm đầy đất và trở ra thị trấn của huyện Quế Phong để ngày mai tiếp tục đi. Chỉ tay vào đống lá dong bên hiên nhà, chị Pay bảo: "Chú lấy một ít về xuôi mà gói bánh. Lá dong ở rừng chúng tôi nổi tiếng là gói bánh gạo nếp cứ xanh mãi mãi đấy. Lá dong ở rừng ta còn đi Hà Nội nữa đó...".
Chia tay chị Pay, anh So, hay chị May... tôi mang theo hy vọng Tết này tất cả họ được no đủ, sum vầy và sung túc hơn những Tết trước.
Một số hình ảnh hái lá dong rừng ngày cận Tết nơi biên cương xứ Nghệ do PV Dân trí ghi lại:
Từ trẻ em cũng đi rừng hái dong.
... đến người già cũng băng rừng...
... những bó lá dong của bà con dân bản về với phố thị ngày cận tết...
Những bước chân cuối cùng sau một ngày leo rừng, vượt suối ...
Nguyễn Duy