1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngược miền Tây đón Tết cùng người Mông

(Dân trí) - Người Mông ở xã Đoọc Mạy (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đón Tết riêng vào tháng 10 âm lịch. Trải qua một thời gian khá dài, văn hoá Mông đã chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá Việt và giờ đây đồng bào Mông ở Đoọc Mạy đón Tết chung với cả nước.

Ngược miền Tây đón Tết cùng người Mông   - 1

Gần 10 năm được cán bộ huyện, tỉnh và xã động viên khuyến khích đồng bào Mông ở miền Tây xứ Nghệ nay đã chuyển sang ăn Tết cổ truyền cùng dân tộc

Những ngày giáp Tết, PV Dân trí thực hiện một cuộc hành trình ngược lên miền Tây xứ Nghệ để chứng kiến đồng bào dân tộc Mông chuẩn bị đón Tết Canh Dần. Theo phong tục, tập quán truyền thống của người Mông miền Tây xứ Nghệ, hằng năm họ ăn Tết cổ truyền của tộc mình vào tháng 10 âm lịch. Điều đáng nói, người Mông ăn Tết cả tháng trời, ròng rã 30 ngày chỉ ăn chơi, uống rượu... Vì thế, đời sống sinh hoạt, cuộc sống của phần lớn người Mông thường sa sút về mặt vật chất, thiếu đói thường xuyên... Gần chục năm qua, cán bộ các cấp từ tỉnh đến huyện đều cố gắng vận động, thuyết phục đồng bào Mông nên chuyển sang đón Tết cổ truyền của cả dân tộc.

Sau gần 10 năm vận động, cuối cùng người Mông ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cũng chịu nghe cán bộ nên đã chuyển sang đón Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là năm thứ 3, đồng bào Mông ở huyện Kỳ Sơn đón Tết cổ truyền. Để được tận mắt chứng kiến cách đón Tết cổ truyền của người Mông ở vùng đất biên giới Việt - Lào này, PV Dân trí đã vào tận Đoọc Mạy, xã xa nhất của huyện Kỳ Sơn.

Đoọc Mạy là một trong 2 xã xa nhất của huyện Kỳ Sơn. Từ trung tâm thị trấn Mường Xén, vượt qua con đường rừng khoảng gần 80km với núi đá cheo leo, bên sông bên núi rồi chúng tôi cũng có mặt tại Đoọc Mạy. Đoọc Mạy có 362 hộ dân tộc Mông với 1.998 nhân khẩu sinh sống chủ yếu bằng làm lúa nương, chăn nuôi và đi rừng. 

Khi những sườn núi đỏ rực hoa đào, lúa trên nương vừa gieo hạt, khi cái lạnh cắt da cắt thịt ở miền núi cao lùi dần, người Mông ở Đoọc Mạy cũng là lúc nô nức chuẩn bị đón Tết. 

Ngược miền Tây đón Tết cùng người Mông   - 2
Thiếu nữ Mông đến tuổi 16 tự biết ném còn để tìm người yêu

Lá dong, lạt giang đã có sẵn trong rừng. Những hạt nếp nương tròn mẩy bảo quản trong các gùi treo ở giàn bếp được đưa ra giã sạch vỏ trấu. Đám trẻ con được giao nhiệm vụ rửa sạch lá dong. Cứ vài nhà chung nhau một con lợn cỡ 30kg. Nhiệm vụ mổ lợn được giao cho cánh đàn ông. Đám trai tráng thì chuẩn bị sân bãi tổ chức lễ ném còn mừng năm mới. Phụ nữ đem váy áo ra phơi chuẩn bị cho những ngày đi chơi Tết.

Và đến chiều 30 Tết cả bản làng mới nhộn nhịp sửa sang, quét dọn nhà cửa, chuẩn bị lễ cúng tiễn năm cũ đón năm mới. Nếp nương sau khi được đãi sạch cho vào chõ hấp chín. Sau khi chín, xôi được đưa ra giã. Những hạt nếp to, tròn quyện vào nhau thành một thứ bột dẻo trắng ngần. Bột sẽ được chia thành nhiều phần nhỏ gói lại trong những lá dong rừng. Dân bản gọi đó là bánh Mông. 

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Mông tiến hành cúng mừng năm mới. Trên mâm cỗ cúng Phà (cúng trời), cúng tổ tiên của người Mông có một con gà trống luộc, một đĩa thịt lợn, một đĩa muối, một đĩa rau rừng và đặc biệt là không thể thiếu bánh Mông. Lễ cúng năm mới được giao cho người đàn ông trụ cột trong gia đình. Cũng giống như người Kinh, người Mông cũng cầu Phà và tổ tiên phù hộ cho con cháu nhiều sức khoẻ, lúa nương tươi tốt, mùa màng bội thu, chăn nuôi thuận lợi. 

Ngược miền Tây đón Tết cùng người Mông   - 3

Trang phục thiếu nữ Mông.


Sau khi lễ cúng năm mới xong, mâm cỗ sẽ được hạ xuống. Cả gia đình quây quần bên mâm cỗ cùng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.

Sáng mùng một Tết, già làng và các chức sắc khác trong bản đến từng nhà chúc Tết, uống rượu mừng. Người Mông ở  Đoọc Mạy quan niệm nhà nào có nhiều người đến chúc tết thì nhà đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Trẻ con trong bản không được mừng tuổi bằng những bao lì xì mà thay vào đó là những chiếc kẹo người lớn đã chuẩn bị từ khi xuống phố sắm Tết. 

Xúng xính trong những bộ váy áo sặc sỡ, trai gái trong bản kéo nhau ra bãi đất trống đầu làng tổ chức chơi ném còn. Lễ ném còn đầu năm còn được xem là nơi để trai gái trong bản, trong xã tìm hiểu nhau. “Khi con gái tròn 16 tuổi, mẹ sẽ phải chuẩn bị quả còn để con gái đi tìm người yêu. Bây giờ người Mông ta không làm những quả còn bằng túi hạt giống có những tua xanh tua đỏ nữa. Thay vào đó quả còn là những quả bóng nỉ, bóng tennis được mua từ dưới phố về”, chị Hờ Y Chọ (bản Pha Lếch Phay) cho biết.

Bên cạnh ném còn, các trò chơi như kéo co, đẩy gậy… cũng được tổ chức; trai gái trong làng còn tổ chức hát giao duyên ca ngợi cuộc sống lao động, ca ngợi tình yêu trai gái, tình yêu bản làng… 

Trên mảnh đất đầu làng, đám con gái được chia thành 2 hàng ném còn cho nhau. Đám con trai sẽ đứng ngoài quan sát, khi cảm thấy “ưng” cô nào sẽ tiến vào sân đón bắt quả còn của cô gái tung lên. Giồng Bá Lỳ cũng tham gia chơi ném còn cho biết: “Ta chơi ném còn cho vui thôi, không phải để chọn vợ đâu. Lấy vợ phải chọn cô nào xinh, học được nhiều cái chữ thì càng tốt”.

Ngược miền Tây đón Tết cùng người Mông   - 4
Chơi ném còn trước cổng UBND xã để mừng người dưới miền xuôi lên

Khi đám thanh niên chơi còn thì những người lớn tuổi đến nhà thăm nhà nhau với những lời chúc tốt đẹp rồi lại kéo sang các bản xung quanh chơi tết.  

 
Tết của người Mông ở Đoọc Mạy kéo dài cho đến 15 tháng Giêng. Trong suốt thời gian đó mọi công việc sẽ được gác lại. Sau ngày 15, mọi người lại trở về với những sinh hoạt hàng ngày nhưng dư âm của những ngày xuân còn theo tiếng hát vang vọng núi rừng của những cô gái Mông lên nương.
Nguyễn Duy - Hoàng Lam