Hà Nội:
Ngừng thi công đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, vì sao?
(Dân trí) - Sau gần một tháng khởi công dự án đường vành đai I Kim Liên - Ô Chợ Dừa (từ ngày 11/10), người dân đi qua đầu đường Phạm Ngọc Thạch đã không khỏi thắc mắc khi thấy công trường im lìm không một bóng công nhân, chỉ có vài cái máy xúc nằm bất động giữa ngổn ngang đất cát.
Gần 800 tỷ đồng “nằm im” cả tháng
Tổng mức đầu tư của dự án xây dựng tuyến đường này trị giá 773,02 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành sau 12 tháng thi công. Trong tổng số tiền đầu tư, có hơn 100 tỷ đồng là tiền xây lắp được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản, chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí khác được đầu tư bằng nguồn vốn trong nước.
Mục tiêu của dự án nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông giữa khu Đông và khu Tây Thủ đô, góp phần cải thiện điều kiện môi trường khu vực và hình thành tuyến phố mới ở Hà Nội.
Điểm đầu của dự án là ngã ba Phạm Ngọc Thạch - Đào Duy Anh, điểm cuối giao với đường Nguyễn Lương Bằng.
Diện tích chiếm đất của dự án là hơn 56.000 m2, khoảng 1.200 hộ dân phải di chuyển. Tuyến đường có chiều dài 1.085m, đường có mặt cắt ngang 50m.
Các hạng mục chủ yếu của dự án gồm hệ thống thoát nước, xử lý nền đất yếu, hệ thống kỹ thuật, cây xanh chiếu sáng. Đơn vị chịu trách nhiệm thi công tuyến đường này là Tổng công ty xây dựng Trường Sơn. Tư vấn và giám sát là Viện cầu và kết cầu Nhật Bản liên doanh với tập đoàn Louis Berger (Mỹ) và Công ty tư vấn thiết kế cầu lớn - hầm.
Để dự án này được khởi công, thành phố Hà Nội đã phải hết sức nỗ lực giải quyết các vấn đề chế độ chính sách GPMB, nhà tái định cư… cho người dân quận Đống Đa. Cách đây một tháng (ngày 11/10) dự án đã khánh thành long trọng rồi... "nằm im".
Khảo sát chưa kỹ nên phải thay đổi thiết kế kỹ thuật
Mặc dù chủ đầu tư đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu là Tổng công ty xây dựng Trường Sơn nhưng việc thi công này đang gặp phải một số khó khăn. Nguyên nhân là trước đây khu vực này dân cư dày đặc, khoan khảo sát chỉ thực hiện được ở các mặt ngõ, nền đất ở đây lại yếu, nên hiện nay phải lập lại mặt bằng hố khoan để khảo sát.
Về biện pháp thi công chất thải (đổ nền cát) của nhà thầu cũng không được thành phố đồng ý nên phải nghiên cứu phương án khác.
Trong văn bản của Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng lưu ý “Hiện trạng cao độ các công trình đã xây dựng của khu dân cư hai bên đường thấp hơn so với cao độ thiết kế của đường. Vì vậy khi nghiên cứu, tính toán về lưu lượng, tiết diện, độ sâu đáy… của cống thoát nước trên đường cần khảo sát kỹ hiện trạng thoát nước để có giải pháp thích hợp, đảm bảo yêu cầu thoát nước cho khu vực dân cư để tránh gây úng ngập cho khu vực…”.
Với những lý do nêu trên, nhà thầu đang nghiên cứu lại bản vẽ thi công và làm các công tác chuẩn bị (xây dựng đường tạm, chiếu sáng tạm… để người dân có thể đi lại). Một lý do khác mà chủ đầu tư đưa ra là, đơn vị tư vấn và giám sát là Viện cầu và kết cầu Nhật Bản liên doanh với tập đoàn Louis Berger (Mỹ) là đơn vị tư vấn có những yêu cầu hết sức khắt khe.
Ông Khay lấy ví dụ: “Nếu so sánh chất lượng đường đê Hữu Hồng (tư vấn của dự án này) với đường Giải Phóng, Nguyễn Trãi thì có thể thấy ngay chất lượng tốt hay không. Vì vậy, đối với đơn vị tư vấn càng khắt khe thì chất lượng càng tốt, mặc dù thời gian có thể chậm đôi chút”.
Ban QLDA trọng điểm (chủ đầu tư) cũng hết sức sốt ruột về tiến độ thi công của dự án và đang đôn đốc nhà thầu nhanh chóng xúc tiến thi công sau khi đã nhận bàn giao mặt bằng, yêu cầu nhà thầu xây dựng một tiến độ thi công cho đến 30/6/2006. Tuy nhiên thời gian cho phép công tác chuẩn bị thi công của dự án là khoảng một tháng.
Mạnh Hùng