Ngư dân “xông biển” cầu may đầu năm
(Dân trí) - Những ngày đầu năm mới, nhiều ngư dân ở vùng biển huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa lại náo nức ra khơi “xông biển”. Tục đi biển ngày đầu năm của ngư dân là hy vọng một năm mới làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hòa…
Như một phong tục đẹp của ngư dân vùng biển từ bao đời nay, trong những ngày đầu năm mới, gia đình nào đi biển đều chọn một ngày đẹp nhất trong 3 ngày Tết Nguyên đán để thực hiện một chuyến ra khơi. Chuyến ra khơi đánh bắt cá đầu tiên trong năm mới này chủ yếu là để cầu may, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, thuận buồm xuôi gió, làm ăn phát đạt.
Khi không khí xuân đã chạm vào lòng người, khi mọi nhà, mọi người đang tưng bừng không khí xuân của một năm mới vừa đến. Đây cũng là lúc những ngư dân của xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa lại náo nức chuẩn bị ngư lưới cụ để chuẩn bị cho ngày ra khơi “xông biển” vào sáng sớm ngày đầu năm mới.
Năm nay gia đình nhà anh Lê Văn Quang, ở thôn Thành Xuân, xã Hoằng Trường chọn ngày mùng 1 Tết để thực hiện chuyến xuất hành ra khơi “xông biển”. Anh Quang cho biết, năm nay, với anh ngày mùng 1 đầu năm mới này là ngày đẹp nhất trong năm, chính vì thế anh chọn để ra khơi xông biển.
Thời tiết ngày mùng 1 Tết năm mới Ất Mùi cũng rất thuận lợi, không mưa, trời hửng nắng, biển rất bình yên. “Chuyến ra khơi “xông biển" đầu năm mà có thời tiết tốt như thế này báo hiệu một chuyến ra khơi sẽ có nhiều lộc cho cả năm”, anh Quang vui mừng chia sẻ.
Cũng theo anh Quang, tục ra khơi xông biển ngày đầu năm đã có từ lâu đời đối với những ngư dân quê biển. Không chỉ gia đình anh mà nhiều gia đình khác làm nghề đánh bắt cá trên biển cũng có tục “xông biển” trong ngày Tết.
Tùy từng năm mà chọn lấy một ngày đẹp để ra khơi xông biển, “việc chọn ngày xông biển cũng phải suy đo tính toán sao cho hợp ngày lành tháng tốt, hợp tuổi với gia chủ thì chuyến ra khơi đó mới có được kết quả và là dấu hiệu tốt cho một năm làm ăn mới”, anh Quang nói.
Việc được nhiều hay ít tôm cá trong chuyến đi vươn khơi ngày đầu năm mới thì những ngư dân đều gọi là phát lộc. Tức là điềm lành báo hiệu một năm mới ăn nên làm ra, tôm cá đầy thuyền...
Cũng vì đi biển để cầu may nên việc mua bán trong ngày này cũng diễn ra rất nhanh nhẹn. Khi được lộc biển mang về gia chủ để lại một ít ăn, còn lại đem bán lấy lộc. Khi mua “lộc biển” ngày đầu năm này, cả người bán lẫn người mua không chú trọng vào giá cả, ai cũng mong việc mua bán được diễn ra suôn sẻ, như vậy, năm mới làm ăn mới phát đạt.
Không khí ngày xuân tưng bừng đến từng ngõ xóm, từng gia đình ở quê biển. Trong niềm vui xuân mới đó, khi được hỏi về tục đi biển của người dân quê mình, ông Trần Văn Thiết, xã Hoằng Trường không dấu được niềm vui: “Đã là ngư dân đi biển thì hầu hết gia đình nào cũng ra khơi "xông biển" để lấy lộc đầu năm trong năm mới. Dù ngư lưới cụ đã được giặt sạch sẽ, cất cẩn thận để nghỉ Tết từ trước đó nhiều ngày, nhưng đến sáng mùng một Tết, sau khi cúng ông bà tổ tiên, chúc Tết ngày đầu năm xong, các ngư dân lại chuẩn bị đồ nghề đi “xông biển”. Đây được xem là việc làm không thể thiếu trong ngày đầu năm của ngư dân biển”.
Vừa chuẩn bị đồ nghề, ngư lưới cụ cho chuyến "xông biển" năm mới này, ông Thiết chia sẻ tiếp: “Tục xông biển đầu năm lấy may của ngư dân địa phương có từ bao đời nay. Khi xưa ông bà đi biển cũng có tục này và giờ lại truyền lại cho con cháu đến hôm nay”.
Cũng theo ông Thiết, cả một năm ngư dân biển lao động vất vả mưu sinh vì miếng cơm manh áo. Bám biển kiếm tôm cá, ngày Tết là ngày nghỉ ngơi nhưng đó cũng chính là những ngày dành thời gian cầu mong cho năm mới được mưa thuận gió hòa để làm ăn. “Người nông dân thì mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Còn ngư dân chúng tôi thì mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng mới làm ăn yên ổn được”, ông Thiết chia sẻ..
Thái Bá