1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngư dân Việt Nam cần làm gì để tránh bị tàu nước ngoài bắt giữ?

(Dân trí) - Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, toàn quốc đã xảy ra 49 vụ với 84 tàu cá và 608 ngư dân Việt Nam bị tàu nước ngoài kiểm soát, bắt giữ trên vùng biển nước ngoài. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và ngư dân Việt Nam cần làm gì để tránh gặp phải vấn đề này?

Liên quan đến nội dung trên, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam (Tổng Cục thủy sản – Bộ NN&PTNT).

Ông Trần Xuân Thành (trái) trao đổi với PV Dân trí.
Ông Trần Xuân Thành (trái) trao đổi với PV Dân trí.

Phóng viên: Trước thực trạng thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, đã đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và ảnh hưởng lớn đến công việc mưu sinh trên biển, ông có thể cho biết, tính từ đầu năm 2016 đến nay đã xảy ra bao nhiêu vụ việc như vậy?

Ông Trần Xuân Thành: Thống kê của Cục Kiểm ngư, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra số lượng vụ, tàu cá và ngư dân Việt Nam bị tàu nước ngoài kiểm soát, bắt giữ như sau: Tại vùng biển của Việt Nam là 24 vụ với 32 tàu cá và 255 ngư dân (giảm 9 vụ, 10 tàu so với cùng kỳ năm 2015); tại vùng biển chồng lấn, tranh chấp giữa các nước xảy ra 47 vụ với 48 tàu cá và 501 ngư dân (tăng 14 vụ với 14 tàu và 134 ngư dân so với cùng kỳ năm 2015); tại vùng biển nước ngoài xảy ra 49 vụ với 84 tàu cá và 608 ngư dân (giảm 5 tàu, 90 ngư dân so với cùng kỳ năm 2015).

- Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, thưa ông?

- Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng chủ yếu tập trung vào 5 nguyên nhân chính sau đây: Các nước trong khu vực hiện nay đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển của mình; đồng thời các quốc gia này cũng đã ra tay rất mạnh xử lý những vụ việc ngư dân vi phạm, vì vậy số lượng các vụ bị xử lý đã tăng lên rất nhiều so với thời gian trước.

Ngư dân của chúng ta nắm về luật biển Việt Nam và luật biển của các quốc gia trong khu vực cũng chưa chắc, có khi còn chưa phân định rõ vùng biển chỗ nào của ta chỗ nào của nước khác nên đã vi phạm khi khai thác thủy hải sản.

Ngoài ra, do hiện tại 1 số ngư trường của ta đã cạn kiệt nguồn thủy hải sản, trong khi đó một số ngư trường giáp ranh lại dồi dào hơn nên nhiều khi ngư dân Việt Nam đã lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng nước bạn để cho tàu sang khu vực đó khai thác.

Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa cấp phép cho bất kỳ tàu cá nào sang các ngư trường nước ngoài khai thác thủy hải sản. Nhưng thực tế hiện nay đã xuất hiện một số cá nhân, tổ chức móc nối với nhau để đưa tàu cá của ngư dân Việt Nam sang các ngư trường nước ngoài khai thác trái phép, kiểu như “bảo kê” cho các tàu này. Tôi nói thêm, để cấp phép cho tàu cá nào đó được phép khai thác thủy hải sản ở ngư trường nước ngoài thì hai quốc gia đó cần phải có những thỏa thuận, ký cam kết với nhau rồi mới thực hiện được việc này.

Nguyên nhân nữa là do cơ quan chức năng hiện nay công tác quản lý, kiểm soát tàu cá đánh bắt xa bờ chưa chặt chẽ. Kiểm soát ngư trường đánh bắt cá của từng tàu còn lỏng lẻo, tàu được cấp phép khai thác ở ngư trường này lại sang ngư trường khác đánh bắt. Hoặc là tàu xuất cảng Đà Nẵng nhưng có khi lại cập cảng Quảng Ngãi, rồi lại xuất cảng từ Quảng Ngãi ra khơi,…

- Các tàu sẽ bị tước giấy phép đánh bắt nếu như vi phạm vùng biển lãnh hải quốc tế. Ông có những khuyến cáo gì với bà con ngư dân trong tình hình phức tạp như hiện nay?

- Thủ tướng đã chỉ đạo UBND các tỉnh có tàu cá vi phạm thành lập tổ công tác liên ngành để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá Việt Nam bị tàu nước ngoài kiểm soát bắt giữ. Đồng thời cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao, các Bộ ngành có liên quan phối hợp đấu tranh ngoại giao với phía Trung Quốc dừng ngay việc bắt giữ người trái phép đối với tàu cá cũng như là hoạt động trên ngư trường truyền thống của chúng ta. Chúng ta cũng đã chỉ đạo thiết lập những đường dây nóng giữa Việt Nam với Trung Quốc, Philippines và chúng ta cũng đang tiếp tục đàm phán với các nước như là Thái Lan, Brunei,…

Bà con ngư dân khi đi khai thác cần theo mô hình tổ đội sản xuất trên biển, không sang các vùng biển các nước để đi khai thác 1 cách trái phép. Khi đánh bắt tại vùng biển giáp ranh với các vùng biển nước ngoài cần giữ khoảng cách an toàn, tránh trường hợp do ảnh hưởng của dòng hải lưu, thời tiết xấu khiến tàu cá của ngư dân sang các vùng biển của nước khác.

Tàu cá QNg 90497-TS bị tàu Trung Quốc tông chìm ngay trên ngư trường Hoàng Sa hôm 9/7 vừa qua.
Tàu cá QNg 90497-TS bị tàu Trung Quốc tông chìm ngay trên ngư trường Hoàng Sa hôm 9/7 vừa qua.

Tàu cá của ngư dân cần trang bị Movimar (thiết bị kết nối vệ tinh) và phải mở máy thường xuyên để cơ quan chức năng kiểm soát được vị trí tàu này đang khai thác ở ngư trường nào, có sai phạm không? Ngoài ra, nhờ thiết bị này cơ quan chức năng khi phát hiện những vấn đề nguy hiểm, đe dọa đến tàu cá của ngư dân còn phát tín hiệu cảnh báo, yêu cầu sơ tán,… Tuy nhiên, mặc dù có trang bị nhưng đa số ngư dân lại không mở thiết bị này, hoặc lúc mở lúc không để lén sang các ngư trường khác khai thác “chui”.

Ngoài thiết bị này, trên tàu của ngư dân cần trang bị đầy đủ các thiết bị hàng hải khác, đảm bảo thông tin liên lạc và có đầy đủ giấy tờ, giấy phép hoạt động,…

Trong quá trình khai thác, hoạt động trên biển nếu có sự cố xảy ra cần thông báo ngay với những tàu gần đó và thông báo về cho cơ quan chức năng để có phương án kịp thời ứng cứu, hỗ trợ. Ngư dân cần phải tìm hiểu về luật biển Việt Nam, quốc tế đã hiểu rõ tránh vi phạm khi đi khai thác. Cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ hơn nữa các tàu cá về các vấn đề như ngư trường khai thác được cấp phép, cập cảng và xuất cảng đúng nơi qui định,…từ đó sẽ hạn chế rất nhiều số lượng tàu cá Việt Nam vi phạm trên các ngư trường quốc tế.

Trong trường hợp tàu ngư dân tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới, hoặc xin cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp do diễn biến thời tiết xấu ở các vùng biển nước ngoài cần tuân thủ nghiêm các qui định pháp luật của các nước, các ngư cụ cần niêm phong, phát các tín hiệu cấp cứu cần thiết. Khi mà tránh trú bão là vi phạm vùng biển nước ngoài, cho nên cần lưu ý vấn đề này.

Các tàu cá của ngư dân tuyệt đối không được vận chuyển hoặc là mua bán các chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác, không sử dụng ngư cụ bị cấm. Đặc biệt là không khai thác các loài thủy hải sản bị cấm khai thác.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Dương (thực hiện)