1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngư dân trở về sau bão Chanchu bị nghi là giả

Câu chuyện ly kỳ mà ngư dân Nguyễn Văn Hương kể với báo chí về 13 ngày đêm chống chọi với tử thần trên biển sau thảm họa Chanchu đột nhiên rẽ sang một hướng mới: Có thể anh Hương không đi trên con tàu bị chìm và mất tích trong bão Chanchu.

Những nghi vấn

 

Ngay sau khi có thông tin về thuyền viên Nguyễn Văn Hương (thôn 3, xã Quế Ninh, Quế Sơn, Quảng Nam) thoát chết trở về sau thảm hoạ Chanchu, phóng viên các báo đã tìm đến nhà anh Hương và nghe kể về hành trình sống sót hy hữu của mình.

 

Ngay sau đó, một số tờ báo đã tỏ ý nghi ngờ về độ trung thực của câu chuyện. Chẳng hạn như việc anh Hương không còn nhớ rõ số tàu mình đã đi, chỉ biết số đuôi là 03, anh cũng không nhớ rõ tên chủ tàu, số hiệu tàu đã cứu mình thoát chết. Lý giải cho điều này, anh nói đó là theo tập tục đi biển ...

 

Ngày 15/8, trong cuộc gặp gỡ với một số phóng viên, chị Lê Thị Huệ - chủ tàu ĐNa 90053 - kể: “Tối 12/8 (tức là ngày các báo đồng loạt có bài về sự trở về của ngư dân Nguyễn Văn Hương - PV), tôi có nhận được điện thoại của một người đàn ông, tự xưng là Hương, ở Quế Sơn, nói: “Tui là người sống sót trở về sau bão Chanchu, định dẫn vợ ra thắp hương cho anh Thanh (anh Nguyễn Út Thanh - chồng chị Huệ, thuyền trưởng tàu ĐNa 90053 - PV) mà chưa được”.

 

Khi tôi hỏi một số thông tin về tàu ĐNa 90053 thì anh ta nói rằng do vật lộn 13 ngày trên biển nên không nhớ gì cả. Tôi nghĩ sáng Chủ nhật (13/8), anh ta có thể ra thăm nhà, nhưng cũng không thấy đâu cả”.

 

Vậy có hay không việc thuyền viên Hương lao động trên tàu ĐNa 90053 và gặp nạn trong bão Chanchu? Chị Huệ khẳng định: “Lúc tàu gia đình tôi (ĐNa 90053) xuất bến vào ngày 24/3 âm lịch (21/4 dương lịch) tại cảng cá Thuận Phước, tôi là người mua bảo hiểm cho các thuyền viên ra khơi, nhưng không có ai tên là Nguyễn Văn Hương trong danh sách”.

 

Chị Huệ cũng cho biết thêm, không có gương mặt thuyền viên nào giống như mặt của anh Hương trên các báo. Chị giải thích: “Tôi nhớ rất kỹ từng gương mặt các thuyền viên xấu số trên con tàu đó, bởi tôi trực tiếp bắt tay, chúc họ may mắn trước khi lên đường ra khơi”. 

 

Còn trong câu chuyện của mình, thuyền viên Nguyễn Văn Hương khẳng định anh là người “đi chui” (không đăng ký qua biên phòng) trên tàu ĐNa 90053 lúc xuất bến.

  

Trong câu chuyện tại nhà ngư dân Nguyễn Văn Hương trưa hôm 11/8, chúng tôi đã được vợ của anh Hương đọc cho số điện thoại bàn của bà Hai Thương, một người ở cùng làng, là số mà anh Hương kể rằng đã dùng điện thoại di động của người chủ tàu cứu mình, gọi về đó để báo cho gia đình rằng mình vẫn còn sống.

 

Chiều 16/8,  chúng tôi đã gọi điện cho bà Hai Thương để xác minh về cuộc gọi này. Bà Hai Thương khẳng định anh Nguyễn Văn Hương chỉ gọi 1 cuộc duy nhất vào điện thoại nhà bà vào ngày 5/7 âm lịch (29/7 dương lịch), và chị Huệ, chị dâu của anh Hương, đã chạy sang nghe điện thoại, chị em có khóc lóc với nhau qua điện thoại (điều này trùng khớp với những gì  anh Hương kể và báo chí đã đăng - PV).

 

Bà Hai Thương cho biết thêm nhà bà bán quán ở ngoài đường, cách nhà anh Hương cả 3 cánh đồng, cũng không phải họ hàng bà con với nhau, bản thân bà cũng ít gặp anh Hương. Theo bà, khu vực này chỉ mình nhà bà có điện thoại.   

 

“13 ngày lênh đênh trên biển là quá kỳ diệu”

 

Anh Phạm Văn Xinh - một thuyền trưởng thoát nạn trở về sau bão Chanchu - cho rằng: “Lao động ra khơi chỉ có thể “qua mặt” sự kiểm tra của biên phòng nhờ các anh này thương bà con ngư dân mà bỏ qua. Khi ra khơi, cũng có thể luân chuyển từ tàu này sang tàu khác nhưng đó chỉ là trường hợp hy hữu giữa các tàu anh em ruột thịt với nhau”.

 

Với dự cảm của một ngư dân trên 20 năm đi biển, anh Xinh cho biết: “13 ngày đêm lênh đênh trên biển là một điều quá kỳ diệu, sống được chỉ là nhờ ông trời thương xót. Khi đọc báo, tôi thấy vô lý ở chỗ là anh ta sau khi thoát chết trở về, không nhớ số tàu mình đi làm công, cũng không nhớ anh em bạn bè thuyền viên trên tàu.

 

Trong số 32 thuyền viên trên tàu ĐNa 90053, anh ta phải biết tối thiểu tên  5 - 6 anh em. Ngoài ra, việc anh ta không nhớ số tàu cứu mình là phi thực tế. Thông thường, dù tàu nhỏ đến đâu cũng phải có máy Icom hoặc bộ đàm, khi vớt được người bị nạn giữa biển, điều đầu tiên là chủ con tàu đó phải liên lạc ngay với người thân hoặc cơ quan chức năng ở đất liền để báo cáo”.

 

Anh Xinh cũng kể thêm rằng trên 20 năm đi biển, anh chưa bao giờ nghe tới tập tục phải sơn số tàu khi ra khơi làm ăn không hiệu quả. 

 

Sẽ đối chất với “người trở về sau bão Chanchu”

 

Bước đầu nhận thấy, việc khai báo của anh Hương có nhiều mâu thuẫn, bởi trong danh sách 32/32 thuyền viên tử nạn trên tàu 90053 không có tên Nguyễn Văn Hương hoặc Phương, như anh kể với báo giới. Ngay danh sách người bị nạn, gồm chết, mất tích, người trở về... đều không có tên anh. (Anh Hương có tên trong danh sách người chết, mất tích của Quảng Nam từ sau khai báo của gia đình). Bản thân chủ tàu không thừa nhận.

 

Trao đổi với chúng tôi vào hôm qua (16/8), Trung tá Nguyễn Đình Liên - Đồn trưởng Đồn biên phòng 248 (Đà Nẵng) - cho biết: “Khi đọc các báo, tôi cũng đã nghi ngờ tính xác thực của vấn đề này. Nhưng để kết luận chính xác, chúng tôi còn phải điều tra.

 

Cũng không loại trừ khả năng anh ta lên tàu này từ một tàu cá khác ở ngoài khơi. Khi thu thập đủ chứng cứ, chúng tôi sẽ cho đối chất trực tiếp với thuyền viên Nguyễn Văn Hương. Lúc đó sự việc sẽ sáng tỏ ...”.

 

Ông Nguyễn Đình Liên cho biết thêm: “Có nhiều ngư phủ đi chui bằng cách nấp dưới hầm tàu, hoặc sang tàu ở ngoài khơi. Điều này thì ngoài tầm giám sát của lực lượng biên phòng và ngay cả chủ tàu ở đất liền. Tàu 90053 không còn người nào sống sót. Vì thế cần có sự xác minh chính xác về trường hợp anh Hương để thông tin đúng sự thật, tránh nghi oan nếu việc sống sót từ bão Chanchu trở về của anh Hương là sự thật...”.

 

Theo Tiền Phong - Lao Động