Ngư dân Khánh Hòa vay trên 800 tỷ đồng đóng tàu đánh bắt xa bờ
(Dân trí) - Theo Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, ngư dân tỉnh này đã đăng ký vay vốn đóng mới tàu đánh bắt xa bờ tăng gấp đôi với hơn 822 tỷ đồng sau khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực.
Cụ thể, trước khi Nghị định có hiệu lực (25/8), ngư dân Khánh Hòa mới chỉ đăng ký vay trên 400 tỷ đồng để đóng mới tàu đánh bắt xa bờ, thì nay đã tăng gấp đôi, đạt mức trên 822 tỷ đồng.
Theo đó, ngư dân đăng ký vay để đóng mới 51 tàu công suất lớn bằng nhiều vật liệu khác nhau; trong đó có 4 tàu vỏ thép, 21 tàu vỏ gỗ, còn lại là tàu vỏ composite. Trong số 4 tàu vỏ thép có 2 tàu dịch vụ công suất 1.500CV, 2 chiếc còn lại là tàu làm nghề vây đuôi. Việc ngư dân đăng ký vay vốn tăng đột biến đã thể hiện sự tin tưởng vào gói tín dụng hỗ trợ đánh bắt hải sản xa bờ của Chính phủ.
Được biết, để tinh thần của Nghị định 67 đến với ngư dân, Sở NN&PTNT Khánh Hòa đã tổ chức tập huấn cho trên 1.200 chủ tàu, thuyền trưởng ở 20 xã, phường có tàu cá công suất trên 90CV.
Các lớp tập huấn tập trung vào các nội dung như: các điều kiện đóng mới và cải hoán tàu cá có công suất trên 400CV, phổ biến các điều kiện vay vốn, lãi suất hàng năm, thời gian trả vốn vay; các chính sách hỗ trợ về tài chính hàng năm, bảo hiểm thân tàu, thuyền viên; các chính sách miễn thuế đối với hoạt động khai thác và dịch vụ hậu cần… Đi cùng với đó, các công ty, viện nghiên cứu, chế tạo và đóng tàu tại Khánh Hòa cũng đã giới thiệu nhiều mẫu tàu cá đóng bằng vật liệu mới đến với ngư dân.
Trước đó, ngày 22/8, trong buổi làm việc tại Nha Trang để “Triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Việc ban hành Nghị định 67 là thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước để tạo ra một bước đột phá nhằm thúc đẩy ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững. Thông qua đó tạo điều kiện để ngư dân tham gia bám biển, đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, và quyết tâm thực hiện không để thất bại.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài Chính trong năm 2015 phải đặc biệt ưu tiên cân đối nguồn lực cho lĩnh vực này, năm sau phải cao hơn năm trước. Đề nghị các địa phương rà soát ưu tiên những vấn đề cần thiết, mấu chốt làm trước, xác định đúng đối tượng cho vay.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý cần triển khai đồng bộ các nội dung của Nghị định nhưng không làm ồ ạt theo phong trào, không để lợi dụng chính sách, không để xảy ra tiêu cực khi thực hiện.
Viết Hảo