Khánh Hòa:
14.000 tỷ đồng cho vay để phát triển đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền
(Dân trí) - Sáng 22/8, tại Nha Trang diễn ra Hội nghị “Triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản” có hiệu lực vào ngày 25/8 tới, do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì.
Địa phương “băn khoăn” số lượng tàu được phân bổ
Báo cáo với Phó Thủ tướng, lãnh đạo các tỉnh ven biển cho biết đã thực hiện đầy đủ việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định đến ngư dân như: các điều kiện đóng mới và cải hoán tàu cá có công suất trên 400CV, phổ biến các điều kiện vay vốn, lãi suất hàng năm, thời gian trả vốn vay; các chính sách hỗ trợ về tài chính hàng năm, bảo hiểm thân tàu, thuyền viên; các chính sách miễn thuế đối với hoạt động khai thác và dịch vụ hậu cần…
Song, trong việc tổ chức thực hiện tất các nội dung, chính sách được quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP, lãnh đạo các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi, Nam Định… đã kiến nghị về số lượng được phân bổ tàu cá đóng mới ít so với nhu cầu đăng ký của ngư dân; ngư dân chưa biết phải ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng nào; băn khoăn về phương án quản lý tàu dịch vụ; kiến nghị cơ chế hỗ trợ, bảo vệ ngư dân làm các nghề trên vùng biển Hoàng Sa…
Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, cho biết trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, địa phương có 2 tàu vỏ thép lưới rê công suất 650CV và bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực. Thấy được hiệu quả từ tàu cá vỏ thép nên ngư dân trong tỉnh đã đăng ký đóng tàu vỏ thép với số lượng lên đến hàng trăm tàu, nhưng tỉnh chỉ được Bộ NN&PTNT phân bổ 30 tàu đóng mới và 4 tàu dịch vụ. “Với số lượng đăng ký rất lớn mà số lượng phân bổ có hạn nên chúng tôi đề nghị với Bộ NN&PTNT hướng dẫn cho chúng tôi tiêu chí cụ thể để xác định cho công khai, minh bạch, khách quan”, ông Hưng nói.
Trong khi đó, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết từ khi có Nghị định 67/2014/NĐ-CP, bà con ngư dân trên địa bàn rất phấn khởi. Hiện Đà Nẵng được Bộ NN&PTNT phân bổ 47 chiếc, trong đó 39 chiếc tàu khai thác và 8 chiếc tàu dịch vụ, trong khi số lượng địa phương tiếp nhận là hơn 150 trường hợp nên gặp nhiều khó khăn trong xét duyệt. Riêng đối với tàu hậu cần, dịch vụ nghề cá, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết nêu băn khoăn đối tượng được đóng tàu dịch vụ, là ngư dân hay tổ chức nào và đề nghị được tăng số tàu dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của địa phương.
Liên quan đến tàu dịch vụ, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng kiến nghị cần tăng số lượng tàu dịch vụ để việc vận chuyển thuỷ sản từ biển về bờ hiệu quả. “Như vừa rồi, yêu cầu đưa cá ngừ đại dương chất lượng cao vào thị trường Nhật đấu giá là 8 ngày. Trong khi tàu cá của chúng tôi đi từ Bình Định ra vùng đánh bắt đã mất tới 6 ngày cả đi và về. Cho nên yêu cầu là phải có tàu dịch vụ…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói.
Còn ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi dẫn câu chuyện nghề lặn của ngư dân huyện đảo Lý Sơn đã tồn tại hàng trăm năm nay và quần đảo Hoàng Sa với nhiều thủy hải sản giá trị như tôm hùm, hải sâm… là ngư trường đánh bắt truyền thống của nghề này. Song, khi ngư dân ra đây đánh bắt thì bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắt bớ, đánh đập. Tuy nhiên, sau khi bị tàu Trung Quốc phá tài sản, đánh đập trên biển, ngư dân Lý Sơn vẫn kiên quyết bám trụ Hoàng Sa để đánh bắt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích cho rằng nên xem xét cho ngư dân Lý Sơn làm nghề này được “tham gia chương trình” nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Phát triển đánh bắt xa bờ gắn liền với bảo vệ chủ quyền
Tại Hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, cho biết bước đầu nên “làm trong khuôn khổ” để tránh phát sinh những vấn đề nằm ngoài ý muốn. Cho nên Bộ trưởng lưu ý trong số các ngư dân đăng ký cần ưu tiên ngư dân đang đánh bắt, đảm bảo năng lực tài chính và có phương án sản xuất hiệu quả.
“Đối với ngư dân vay vốn đóng tàu, nhất là tàu vỏ thép, Nghị định quy định dải mức lãi suất hết sức ưu đãi, cụ thể là từ 1- 3%/năm, thời gian vay dài là 11 năm. Hạn mức cho vay cũng hết sức cao, từ 70-95% giá trị đóng mới tàu”. |
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài Chính trong năm 2015 phải đặc biệt ưu tiên cân đối nguồn lực cho lĩnh vực này, năm sau phải cao hơn năm trước. Đề nghị các địa phương rà soát ưu tiên những vấn đề cần thiết, mấu chốt làm trước, xác định đúng đối tượng. Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý cần triển khai đồng bộ các nội dung của Nghị định nhưng không làm ồ ạt theo phong trào, không để lợi dụng chính sách, không để xảy ra tiêu cực. Còn về tàu dịch vụ, Phó Thủ tướng khẳng định đối tượng có thể là cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã… nhưng đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu như trong Nghị định đã nêu.
Phó Thủ tướng đề nghị sau hội nghị này, các bộ, ngành sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, các thông tư thi hành Nghị định, ngân hàng cần chủ động nguồn vốn để triển khai đúng kế hoạch.
Viết Hảo