1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bạc Liêu:

Ngư dân đánh bắt được vật lạ nghi là ngọc ốc quý hiếm

(Dân trí) - Một chủ tàu cá ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) trong lúc khai thác hải sản ở vùng biển đã đánh bắt được một vật rắn được cho là loại ngọc ốc quý hiếm.

Anh Nguyễn Văn Nam (35 tuổi, ngụ thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, tuần trước, tàu cá của anh đánh bắt tại vùng biển cách vùng biển Thái Lan khoảng 20 hải lý, thu được nhiều ốc vỏ vàng (còn gọi là ốc bù giác), mỗi con nặng từ 3kg đến 5kg.

Sau đó, anh Nam chia một số ốc cho các ngư phủ, còn chừa lại 4 con ốc lớn nhất anh đem tặng cho người quen họ hàng. Một người thân của anh Nam sau khi làm thịt ốc bất ngờ phát hiện bên trong thân ốc có một vật rắn màu vàng khá lạ nên đưa lại cho anh Nam.

Qua tìm hiểu, gia đình anh Nam biết được đây là một loại ngọc ốc quý hiếm. Ngay sau đó, anh Nam mang viên ngọc đến tiệm vàng giám định thì có trọng lượng hơn 2 chỉ.

Vật rắn được cho là loại ngọc ốc mà tiệm vàng cân trọng lượng hơn 2 chỉ.
Vật rắn được cho là loại ngọc ốc mà tiệm vàng cân trọng lượng hơn 2 chỉ.

Qua quan sát, vật rắn được cho là ngọc ốc có hình dạng hơi tròn, toàn thân nhẵn bóng, một mặt màu vàng đậm, mặt khác màu hồng nhạt. Anh Nam cho biết khi cầm viên ngọc trên tay có cảm giác mát lạnh.

Sau khi hay tin gia đình anh Nam có được viên ngọc ốc hiếm có, nhiều người đã đến xem và hỏi mua nhưng gia đình anh chưa bán.


Anh Nam (trái) đang cho khách xem vật lạ được cho là ngọc ốc quý hiếm. (Ảnh: CTV)

Anh Nam (trái) đang cho khách xem vật lạ được cho là ngọc ốc quý hiếm. (Ảnh: CTV)

Được biết, đây là viên ngọc thứ 3 mà ngư dân ở thị trấn Gành Hào đánh bắt được ngoài vùng biển. Trong đó, từng có một viên ngọc đã được bán với giá hơn 400 triệu đồng.

Theo Wikipedia, ốc giác hay còn gọi là ốc Hoàng Đế (danh pháp khoa học: Melo melo) là một loài ốc trong họ Volutidae. Đây là một loài ốc cỡ lớn và rất có giá trị kinh tế với việc khai thác ốc để lấy thịt và một số cá thể có thể tạo ngọc. Chúng phân bố ở châu Á, có ở các vùng Hong Kong, dọc bờ biển Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Philippines, xuống đến Indonesia.

Ngọc thường có màu đỏ, vàng cam, vàng lợt và trắng. Các đường vân đan xen nhau, cầm viên ngọc lắc qua lắc lại dưới ánh sáng, những tia màu như chạy qua chạy lại rất ấn tượng và đẹp mắt. Tuổi ốc càng lớn, ngọc càng to, vân càng đẹp và đậm màu. Ngọc có trọng lượng dưới 2 chỉ thường non tuổi, cầm màu không tốt, để lâu không bảo quản kỹ sẽ xuống màu, mất giá.

Ngọc từ vàng lợt mất màu chuyển trắng là coi như bỏ. Ngọc có trong con ốc giác, nhưng nghìn con ốc mới ra được một viên và nhiều viên mới được một viên đẹp. Nhìn miệng con ốc, nếu thấy cồm cộm là nghi ngờ có ngọc. Phải tách vỏ ốc sống, dùng dao xẻ ngay phần thịt cộm lên lấy ngọc ra, chứ đã luộc lên thì viên ngọc bị mất màu bạc phếch, chỉ còn như một hòn đá vôi.

Ngọc ốc tính theo đơn vị như "chỉ", giống như vàng.

Huỳnh Hải