1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngư dân "bội thu" từ chuyến vươn khơi đầu tiên bằng tàu chụp mực, vỏ sắt

(Dân trí) - Chiếc tàu mẫu chụp mực, vỏ sắt của anh Nguyễn Quốc Trọng (xóm Tân Lập, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) vừa cập bến với một "mùa bội thu", sau chưa tròn mười ngày vươn khơi...

Niềm vui từ chuyến vươn khơi đầu tiên bằng tàu vỏ sắt của ngư dân
Chiếc tàu mang số hiệu 01 Quốc Trọng được bàn giao ngày 2/3/2015 cho ông Nguyễn Quốc Trọng, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
Sau gần 10 ngày vươn khơi, bám biển, những ngày cuối tháng tháng 3, tàu mẫu chụp mực vỏ sắt Quốc Trọng 01 mang số hiệu VN - 90037 - BTS của anh Nguyễn Quốc Trọng (xóm Tân Lập, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã về cập bến trong niềm vui hân hoan của đội tàu, gia đình cũng như bà con làng chài nơi đây.

Chuyến đi biển lần đầu mang tính thử nghiệm của tàu mẫu chụp mực này đã thắng lợi ngoài mong đợi của thuyền trưởng Nguyễn Quốc Trọng cũng như các thuyền viên trên tàu.

Anh Trọng chia sẻ: “Đây là chuyến đi lần đầu chỉ mang tính thử nghiệm thôi. Lúc khởi hành, ai cũng nghĩ chỉ được bảy đến tám tạ cá và mực là cùng. Không ngờ, sản lượng đánh bắt được lại gấp đôi so với dự kiến. Biển đã ban tặng cho tôi cùng mọi người hơn 1,5 tấn cá và mực. So với những tàu thông thường trước đó, thì tàu vỏ sắt này an toàn, và vững chãi hơn trong việc đánh bắt hải sản trên biển”.

Chuyến đi đầu tiên, tàu vỏ sắt Quốc Trọng 01 đã đánh bắt được chủ yếu là cá Hố và mực ống, loại dài 30-55cm/con, giành cho xuất khẩu. 

Tàu cập bến, thương lái đến thu mua tấp nập, rồi đưa đi các đầu mối tiêu thụ. Chuyến đi chưa đầy 10 ngày, trừ các chi phí anh và các thuyền viên thu nhập hơn 70 triệu đồng.

Đây là chiếc tàu chụp mực vỏ sắt đầu tiên của ngư dân Nghệ An vươn khơi.
Đây là chiếc tàu chụp mực vỏ sắt đầu tiên của ngư dân Nghệ An vươn khơi.

Theo anh Trọng, từ chuyến đi thử nghiệm này, anh cùng các thuyền viên còn rút ra một vài điểm chưa hợp lý và đã có kế hoạch khắc phục để quá trình khai thác mực cho những đợt vươn biển tiếp theo hiệu quả hơn. "Cụ thể, với tàu cỡ lớn thế này, sau chuyến đi thử nghiệm, chúng tôi cần phải sắm thêm một vầng lưới thưa để đánh bắt các loại cá to. Gia công lại hệ thống tời rọc, thay neo mới có trọng lượng lớn hơn và cải trang lại bộ tời để tăng tốc độ kéo lưới" - anh Trọng chia sẻ.

Cũng theo anh Trọng để tăng hiểu quả khai thác hải sản ở trên biển, cũng như vươn khơi xa hơn, anh đã lập dự án đóng mới thêm một chiếc tàu vỏ sắt tương tự để làm nghề lưới rê.

Dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận. Sau chuyến đi biển tới, anh sẽ tiếp cận cơ quan có thẩm quyền để đăng ký khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Anh hi vọng, sự có mặt con tàu vỏ thép của mình ở nơi đó sẽ là có thêm một cột mốc vững chãi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau gần 10 ngày vươn khơi, tàu chụp mực vỏ sắt đã thu lãi hơn 70 triệu đồng.
Sau gần 10 ngày vươn khơi, tàu chụp mực vỏ sắt đã thu lãi hơn 70 triệu đồng.

Như Dân trí đã đưa tin, trước đó vào ngày 2/3/2015, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) đã bàn giao chiếc tàu chụp mực vỏ thép Quốc Trọng 01 cho ông Nguyễn Quốc Trọng, xóm Tân Lập, xã Nghi Quang (Nghi Lộc).

Đây là chiếc tàu cá vỏ sắt đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An tính đến thời điểm hiện tại. Chiếc tàu nằm trong đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững do Chính phủ hỗ trợ.

Theo đó, Chính phủ hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu vỏ sắt được vay 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm, với lãi suất 3%/năm. Người đi vay thế chấp thân tàu và được bảo hiểm, khi có rủi ro xảy ra Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ ngư dân yên tâm tiếp tục ra khơi, bám biển.

Tàu đánh cá vỏ sắt 01 của ông Nguyễn Quốc Trọng được thiết kế V018 và trang bị gồm: máy chính công suất 650HP, 4 tổ máy phát điện, được lắp đặt hệ thống đèn gọi cá gồm 140 bóng đèn cao áp thủy ngân công suất 1.000 W/1 bóng, la bàn từ, hệ thống thiết bị GPS, máy đo sâu dò cá, nhiều thiết bị vô tuyến điện và cho 20 thuyền viên trên tàu dài ngày. Tàu cũng được thiết kế hệ thống tời thủy lực, hệ thống dàn và tay gông cần chụp mực.

Tàu cá 01 được thi công sau hơn 5 tháng, dưới sự giám sát của Trung tâm đăng kiểm nghề cá thuộc Tổng cục Thủy sản. Tàu do Công ty CP Kỹ thuật đóng tàu Việt Nam thiết kế theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm và có sự điều chỉnh một số hạng mục để phù hợp với tập quán khai thác của ngư dân vùng biển xứ Nghệ.

Vào ngày 11/3/2015, tàu Quốc Trọng 01 vươn khơi. Sau chưa đầy 10 ngày, tàu trở về đất liền trong niềm vui hân hoan của chính quyền địa phương, người dân và gia đình khi cá mực đầy ắp khoang và lãi hơn 70 triệu đồng.

Nguyễn Phê