1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngư dân Bình Định bớt thời gian đánh bắt để gom rác về bờ

Doãn Công

(Dân trí) - Thực hiện mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ, ngư dân Bình Định không chỉ dần bỏ thói quen xả rác xuống biển mà còn dành thời gian để vớt rác mang về bờ.

Ước tính mỗi tàu phát thải 10-15kg rác thải nhựa/chuyến biển

Người đưa ra sáng kiến về quản lý rác thải nhựa, chế tạo giỏ đựng rác trên tàu cá là TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định.

Theo TS Trần Văn Vinh, năm 2021, đơn vị mở đợt điều tra sơ bộ, nhận thấy đa số tàu cá ngư dân ra khơi đều có thói quen xả thẳng rác thải nhựa sinh hoạt xuống biển. Ước tính mỗi tàu phát thải 10-15kg rác thải nhựa/chuyến biển (15-20 ngày).

Ngư dân Bình Định bớt thời gian đánh bắt để gom rác về bờ - 1

Tàu cá của ngư dân Bình Định thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ (Ảnh: Doãn Công).

Với 3.200 tàu cá ngư dân Bình Định thì mỗi chuyến biển, đại dương hứng chịu gần 4 tấn rác. Nếu nhìn rộng ra cả nước thì lượng rác thải ra biển rất lớn.

Từ đó, ông Vinh lên ý tưởng mô hình tuần hoàn rác thải nhựa tàu cá. Ông Vinh sáng chế các túi lưới chuyên dụng hình phễu, kèm theo dụng cụ vớt rác trang bị cho tàu cá.

"Vật liệu này gần gũi với ngư dân, nếu hư hỏng, ngư dân tự sửa chữa, tạo ra túi mới từ ngư lưới cụ bỏ đi của tàu. Túi lưới thiết kế treo trên tàu cá nên không chiếm nhiều diện tích, rác không bị bung, bật ra ngoài khi sóng lớn", ông Vinh nói.

Ngư dân Bình Định bớt thời gian đánh bắt để gom rác về bờ - 2

Rác thải nhựa chủ yếu từ sinh hoạt của ngư dân được gom lại đem về bờ để tái chế sản phẩm hữu ích (Ảnh: Bình Định).

Ý tưởng trên được tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ghi nhận, tài trợ toàn bộ kinh phí để thí điểm mô hình, đầu tư nhà máy phân loại rác thải nhựa, máy ép rác thải nhựa để tái chế.

Cuối tháng 11/2023, trên 200 tàu cá tỉnh Bình Định được đưa vào thí điểm triển khai mô hình trên. Sau khi thí điểm thành công, ngành chức năng sẽ nhân rộng ra 3.200 tàu cá biển Bình Định.

Gom rác ngoài khơi đưa vào bờ

Tham gia mô hình, ngư dân Phan Thanh Trưởng (52 tuổi, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, Bình Định), chủ tàu cá BĐ-91052 TS, phấn khởi: "Chuyến biển này rất ý nghĩa với chúng tôi, bởi không chỉ đánh bắt cá đạt sản lượng mà còn mang về rất nhiều rác nhựa, vỏ chai để tái chế".

Ngư dân Bình Định bớt thời gian đánh bắt để gom rác về bờ - 3

Rác thải được đưa về nhà thu gom (Ảnh: Bình Định).

Theo ông Trưởng, chuyến biển này, tàu cá của ông mang về hơn 13kg rác thải nhựa và được thu mua 4.000 đồng/kg. Đây là rác thải chủ yếu từ sinh hoạt, nhu cầu mà ngư dân mang theo mỗi chuyến biển.

"Tôi dặn anh em trong quá trình đánh bắt ngoài khơi, không được xả rác xuống biển mà gom vào túi lưới để mang về bờ. Ngoài ra, quá trình đánh bắt nếu phát hiện rác thải nhựa trôi dạt, anh em thuyền viên cũng vớt để làm sạch biển", ông Trưởng nói thêm.

Tàu cá BĐ-99146 TS của Ngô Minh Châu (50 tuổi, ở xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) là một điển hình tiêu biểu khi mang về bờ lượng rác thải nhựa rất lớn trên 22kg.

Ông Châu cho biết, gia đình ông có 4 tàu cá, với khoảng 40 lao động, tham gia mô hình tuần hoàn rác nhựa trên biển do ngành chức năng Bình Định vừa phát động.

Ngư dân Bình Định bớt thời gian đánh bắt để gom rác về bờ - 4

Rác thải được các nhân viên phân loại (Ảnh: Bình Định).

"Khi tỉnh Bình Định phát động mô hình tuần hoàn rác nhựa tôi ủng hộ ngay vì nó quá ý nghĩa. Lâu nay, ngư dân đa số xả thải rác thải xuống biển, giờ nghĩ lại thấy áy náy và thấy lãng phí vì nguồn vật liệu nhựa có thể tái chế thành những sản phẩm hữu ích", ông Châu chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, cho biết: "Các tàu cá khi mang rác nhựa về cảng sẽ được phân loại rồi dùng máy ép lại, sau đó sẽ có đơn vị thu mua tái chế ra sản phẩm hữu ích. Ngoài ra, đơn vị đang vận động thêm một số doanh nghiệp khác để tổ chức các chương trình quà tặng, đổi rác lấy quà hay voucher (phiếu giảm giá) hoặc tặng nhiên liệu dầu, nhớt cho các chủ tàu tiên phong gom 100% rác nhựa về bờ".