1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Ngốn hàng nghỉn tỷ đồng/năm, khoa học nông nghiệp vẫn “dậm chân”?

(Dân trí) - Trước chất vấn, hiện có cả chục nghìn cán bộ khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, tiền đầu tư mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng mà thành tựu chưa đáng kể, Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân giải thích, 30-40% số tiền đó phải dùng chi thường xuyên, chỉ 60% dành cho hoạt động nghiên cứu.

Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân là người đăng đàn trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” trên truyền hình quốc gia tối 15/12.

Một người nông dân chất vấn Bộ trưởng Quân: “Báo cáo của Bộ KH-CN cho biết, Việt Nam hiện có khoảng trên 10.000 cán bộ khoa học đang trực tiếp nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp. Tiền đầu tư theo báo cáo của Bộ cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm. Tôi là nông dân nên thấy số tiền đó rất lớn. Tại sao khoa học công nghệ phục vụ cho nông nghiệp của chúng ta đến thời điểm này vẫn chưa thấy có thành tựu gì đáng kể, cảm giác như vẫn giậm chân tại chỗ? Tôi vẫn cày ruộng bằng trâu, mua giống và phân bón của nước ngoài, vẫn phải đối mặt với chuyện mất mùa, mất giá vì không có cách bảo quản sau thu hoạch hoặc không có đầu ra ổn định”.

Câu hỏi này cũng từng được đặt ra với Bộ trưởng KH-CN khi thực tế, lĩnh vực khoa học công nghệ luôn được dành cho khoản đầu tư bằng 2% GDP (GDP Việt Nam hiện khoảng 200 tỷ USD/năm) và nhiều ý kiến cho rằng tiền tiêu không hết, kết dư lớn.
Ngốn hàng nghỉn tỷ đồng/năm, khoa học nông nghiệp vẫn “dậm chân”?

Bộ trưởng Nguyễn Quân “đính chính” số liệu hơn 10.000 người làm công tác khoa học công nghệ người nông dân này nêu, khẳng định đó là đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ của Bộ NN&PTNT.

Về kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu, Bộ trưởng KH-CN cũng “bác” con số hàng nghìn tỷ đồng nêu ra. Lý do, khoản tiền dành cho ngành bao gồm cả khoản chi thường xuyên (chiếm 30-40%) nên chỉ còn trên dưới 60% dành cho hoạt động nghiên cứu, bao gồm hoạt động cấp Bộ và cấp Nhà nước.

“Nếu tính trên 10.000 cán bộ nghiên cứu hay trên 100 Viện, Trung tâm nghiên cứu của Bộ NN&PTNT thì lượng kinh phí này là rất nhỏ” – Bộ trưởng Nguyễn Quân phân trần.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quân cũng không tán thành với nhận định khoa học nông nghiệp vẫn “dậm chân”. Ông Quân phân tích: “Tuy còn nhiều bất cập trong hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, nhưng nếu nói ngành nông nghiệp của ta chưa phát triển gì đáng kể thì chưa thật khách quan. Bởi vì từ chỗ phải nhập khẩu lương thực, hiện nay nước ta đã có thứ hạng trong xuất khẩu gạo”.

Người đứng đầu ngành KH-CN cũng dẫn nhiều con số chứng minh, một năm Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thủy sản đạt khoảng 30 tỷ USD, chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Nếu hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam không đạt tiêu chuẩn quốc tế thì không thể xuất khẩu được số lượng lớn như vậy.

Việt Nam có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp lớn như Công ty Bảo vệ thực vật An Giang có 2 viện nghiên cứu. Ở phía Bắc có các đơn vị khoa học công nghệ ở Thái Bình, Nghệ An. Những đơn vị này đã làm rất tốt việc đầu tư khoa học công nghệ cho nông nghiệp và có hiệu quả lớn.

Thông tin thêm về kết quả 1 năm triển khai công nghệ bảo quản nông sản tiên tiến nhất của Nhật Bản, Israel để nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân, chống hiện tượng được mùa mất giá, Bộ trưởng Nguyễn Quân khái quát: “thời gian 1 năm đúng là dài nhưng để làm chủ 1 công nghệ và đưa vào ứng dụng sản xuất trên quy mô công nghiệp thì cũng không phải là dài”.

Bộ trưởng KH-CN điểm lại mốc thời gian đầu năm 2013, Bộ KH-CN đã tiếp cận công nghệ CAS của Nhật Bản và công nghệ của hãng Juran (Israel) trong bảo quản thực phẩm và đã làm chủ được công nghệ CAS và đã thí nghiệm thành công trên cá ngừ, tôm sú và quả vải thiều.

Ông Quân cho biết, vụ vải vừa qua, một container vải thiều được bảo quản theo công nghệ CAS đã đến thị trường Nhật Bản và được đánh giá cao. Kết quả với cá ngừ cũng tương tự.

“Hiện chúng tôi đang chuẩn bị đầu tư nhà máy bảo quản cá ngừ theo công nghệ CAS ở Phú Yên. Chúng tôi hy vọng việc tự sản xuất được thiết bị câu cá ngừ đại dương cùng với nhà máy sử dụng công nghệ CAS, sắp tới cá ngừ của Phú Yên và Bình Định sẽ được bán sang Nhật Bản với số lượng nhiều và chất lượng tốt hơn” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
 

Sẽ nghiên cứu ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen

Ở Việt Nam trong nhiều năm qua đã trồng khảo nghiệm 3 loại cây là bông, đỗ tương và ngô. Đối với cây ngô, đỗ tương thì có nhiều ý kiến trái chiều. Cho tới thời điểm này chưa có nghiên cứu nào cho thấy cây ngô và đỗ tương biến đổi gen có ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Thực tế trong nhiều thập kỷ qua, Hoa Kỳ và Nhật Bản và một số nước khác cho canh tác cây trồng biến đổi gen trên diện tích rất lớn.

Tuy nhiên, lo ngại là đúng vì Việt Nam bị phụ thuộc về giống bởi chưa làm chủ công nghệ về giống đối với cây trồng biến đổi gen. Vì thế, song song với việc cho phép trồng cây trồng biến đổi gen, lực lượng làm công tác nghiên cứu khoa học của chúng ta phải nhanh chóng làm chủ được khoa học công nghệ để tự túc được giống, đồng thời vẫn phải nghiên cứu những ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen đối với sức khỏe con người.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm