Ngôi nhà không cần lắp điều hòa, điện mặt trời dư thừa để gia chủ bán
(Dân trí) - Cặp vợ chồng đã xây dựng căn nhà thân thiện với môi trường, tận dụng nước mưa và thu gom, tái chế rác thải.
Trước đây, anh Manju Nath (Ấn Độ) từng thấy căn nhà gạch đỏ mộc mạc, cửa sổ lớn và được bao quanh với những cây trồng có tuổi đời hàng trăm năm. Lúc đó, anh mong muốn có một ngày sẽ sở hữu một căn nhà được xây dựng bằng vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường.
Hiện, vợ chồng anh Manju Nath sống trong ngôi nhà làm bằng đá, dùng năng lượng mặt trời, tích trữ nước mưa, tái chế rác thải sinh hoạt làm phân bón.
Ngôi nhà được xây dựng năm 2007 và do vợ anh Manju Nath thiết kế nội thất. Theo anh Manju, ngôi nhà không có điều hòa dù mức nhiệt độ tăng cao vào mùa hè ở Bengaluru. Căn nhà dùng kiểu thông gió xuyên phòng ở các tầng, những ô lớn để đón ánh sáng tự nhiên, cắt giảm dùng ánh sáng nhân tạo. Nhờ kỹ thuật làm mát nên nhiệt độ trong nhà hiếm khi vượt qua mức 28 độ C và thấp hơn 2-3 độ C so với ngoài trời.
Gia đình còn lắp các tấm pin năng lượng mặt trời công suất 10kW đã thu về 1000 kWh điện mặt trời mỗi tháng, sau khi tiêu thụ hết 250 kWh, phần dư được bán cho cơ quan điện. Mức giá bán là 9 Rupee/kWh (2800 đồng). Hàng năm, gia đình anh Manju kiếm được 70.000 Rupee (22 triệu đồng) từ phần điện năng lượng mặt trời dư thừa và hợp đồng bán điện có hiệu lực trong 25 năm. Đến nay, anh Manju và vợ đã bù đắp được chi phí bỏ ra.
Bên cạnh đó, cặp vợ chồng này còn thu gom nước mưa. Ngôi nhà nằm trên địa hình dốc nên khu vườn được thiết kế để nước được gom về một chỗ dẫn vào hồ. Cát và sỏi sẽ lọc nước, sau đó được chuyển đến giếng khoan, giúp lượng nước trong giếng luôn đầy.
Gia chủ chuẩn bị 2 thùng lớn để gom chất thải, mỗi thùng có thể đựng 40kg. Nhờ quá trình gom này đã tạo ra phân bón hữu cơ, mỗi tháng thu 1 tạ phân giàu dinh dưỡng.
Nhờ áp dụng cách sống thân thiện với môi trường ở đô thị, vợ chồng anh Manju và vợ là Geeta tận hưởng lối sống với không khí trong lành, nước và thực phẩm an toàn.