1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gia Lai

Ngôi làng "thuần" Tây Nguyên chỉ có người già sống giữ hồn, giữ đất

(Dân trí) - Là ngôi làng với khoảng 50 ngôi nhà sàn, 1 nhà Rông được làm từ gỗ quý, nhưng làng Kon Sơ Lăl thanh bình chỉ còn có khoảng 10 người già sinh sống…

Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, Chư Păh, Gia Lai) là ngôi làng chưa bị “xâm nhập”, không điện, không một ngôi nhà xây bằng gạch, chỉ nhà sàn và nhà Rông - một nét đẹp mà hiếm có ngôi làng nào ở Tây Nguyên còn giữ được. Đường vào làng cũng đẹp như một bức tranh thủy mạc. Một con đường đất đỏ, 2 bên thơm ngát cỏ bông lau giữa cái nắng, cái gió của mùa khô Tây Nguyên, khiến cho khách cảm giác như lạc vào một thế giới khác.

Đã đi nhiều nơi ở Tây Nguyên, nhưng đây là lần đầu tôi được “lạc” vào một ngôi làng Bahnar đẹp đến thế. Làng vẫn giữ nguyên được nét hoang sơ đậm chất Tây Nguyên, một “kho báu” văn hóa của tộc người ngự trị trên mảnh đất này. Ấy vậy mà ngôi làng Bahnar được dựng cả trăm năm này, đến nay chỉ còn khoảng 10 người già sinh sống. Các cụ không phải là những người bị xã hội hay con cháu bỏ rơi, cô lập. Các cụ là những người đang nuối tiếc nền văn hóa của tổ tiên và quyết tâm giữ kỉ niệm nơi chôn nhau cắt rốn.

Ngôi làng nằm cách trung tâm hành chính xã khoảng 4km, đường đất đỏ đồi dố. Để tạo điều kiện đảm bảo hạ tầng điện- đường- trường- trạm… cho bà con, lãnh đạo xã đã quyết định xây dựng khu tái định cư mới cho làng, đưa người dân ra gần trung tâm xã sinh sống. Vậy là bắt đầu từ năm 2002, lần lượt những người ở làng Kon Sơ Lăl bỏ làng cũ để ra làng mới sinh sống. Ban đầu việc đưa hơn 400 con người từ làng này ra làng mới không phải là việc làm dễ dàng. Chính quyền xã phải vận động, thuyết phục mãi mới nhận được đồng ý. Việc “di dân” cũng phải thực hiện nhiều lần qua nhiều năm.

Những ngôi nhà sàn tuyệt đẹp tọa lạc bên núi rừng đang dần bị lãng quên.
Những ngôi nhà sàn tuyệt đẹp tọa lạc bên núi rừng đang dần bị lãng quên.

Vậy là ngôi làng cũ cách làng mới chỉ chừng 2km đã dần vắng bóng người. Hàng chục ngôi nhà sàn tuyệt đẹp, được dựng bởi các loại gỗ quý như trắc, hương… đã bị chủ nhân đóng cửa im ỉm. Ngôi làng trở nên “tâm trạng” hơn khi chỉ còn chưa đến 10 người già sinh sống. Người trẻ nhất trong số các cụ có lẽ cũng đã ngót nghét 80 tuổi. Vì tiếc nuối, vì muốn níu giữ văn hóa, kỉ niệm của người Bahnar mà các cụ chịu sống cô đơn nơi đây. Họ chỉ chịu ra làng mới khi quá nhớ con cháu và khi có lễ hội truyền thống của người Bahnar diễn ra. Kết thúc lễ hội, các cụ lại lầm lũi bỏ lại mọi ồn ào sau lưng để về lại nơi chôn nhau cắt rốn.

Những ngôi nhà sàn tuyệt đẹp tọa lạc bên núi rừng đang dần bị lãng quên.
Nhà Rông làng Kon Sơ Lăl- ngôi nhà cộng đồng của buôn làng Tây Nguyên đã lâu không còn ai bước chân vào

Năm nay đã 103 tuổi, đã phải nằm một chỗ nhưng cụ Hnhjh vẫn không chịu ra làng mới với con cháu. Cụ và vợ quyết tâm ở lại ngôi nhà sàn ở làng cũ. Anh Hyưuh (SN 1978), cháu nội của cụ Hnhjh cho biết, ông nội anh tuy không đi được nữa nhưng cái đầu vẫn còn minh mẫn. Cả ngày cụ ông nằm trong ngôi nhà sàn cửa đóng im ỉm vì sợ gió lùa, ánh sáng duy nhất lọt vào nhà từ một ô vuông nhỏ được khoét dưới sàn nhà rọi lên. Cả ngày không nghe một tiếng người nhưng cụ vẫn quyết giữ làng cho đến chết.

Góc làng Kon Sơ Lăl thanh bình không một tiếng người
Góc làng Kon Sơ Lăl thanh bình không một tiếng người

Đang loay hoay vác cây chuối về cho đàn heo ăn, cụ bà Hnhep (80 tuổi) cho biết, con cháu bà đã đi ra làng mới, chồng bà đã mất nên một mình bà sống lại ở làng. Dù trong làng không còn trẻ con, người trẻ tuổi nhưng bà vẫn vun trồng cây ăn trái, với mong muốn những thế hệ trẻ vẫn nhớ về làng. Bà cũng như những người già khác, quyết tâm giữ lại làng cho đến hơi thở cuối cùng.

Sống một mình nhưng bà Hnhep vẫn làm tất cả mọi việc như trước đây.
Sống một mình nhưng bà Hnhep vẫn làm tất cả mọi việc như trước đây.

Đi khắp làng, mặc nhiên chúng tôi không hề nghe một tiếng người, lâu lâu lại có tiếng xe máy cành cạch chạy qua làng để đi vào rẫy. Ông Đinh Sứk, Chủ tịch xã Hà Tây cho biết: "Các cụ còn tiếc làng cũ. Chúng tôi thuyết phục mãi không được, các cụ nói sống ở đây lâu năm rồi, phải giữ làng cũ thôi”. Do ruộng, rẫy vẫn ở gần làng cũ nên con, cháu vẫn về làng cũ để đi làm rẫy.

Họ sẽ giữ làng được bao lâu nữa?
Họ sẽ giữ làng được bao lâu nữa?

Được “thưởng thức” sự bình yên, sống những giây phút “không hiện đại” tại ngôi làng thuần Tây Nguyên hiếm hoi còn lại, ai cũng cảm thấy nuối tiếc. Chẳng biết, các cụ còn giữ lại làng được bao nhiêu năm nữa, càng xót xa khi anh Hyưuh cho biết, đã có 6 ngôi nhà được chủ nhân bán đi, bởi chúng được dựng bằng thứ gỗ quý là trắc.

Họ sẽ giữ làng được bao lâu nữa?
Ngôi nhà sàn đẹp được làm bằng gỗ trắc này cũng như chiếc cối giã gạo đã bị chủ nhân của nó bỏ rơi để về nhà gạch làng mới

Dẫu biết, sống ở thời này, ai ai cũng cần được hưởng những thành quả của nền công nghiệp hiện đại, nhưng tôi vẫn ước gì làng Kon Sơ Lăl sẽ không bị “giết” bởi những đổi thay, thế thời (?!).

Họ sẽ giữ làng được bao lâu nữa?
Ngôi nhà sàn được làm từ gỗ trắc này bị đổ sụp bởi chủ nhân đã bán với giá 180 triệu đồng cho phần gỗ và trụ nhà.

                                                                                                                                                                                                                                              Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm