1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gia Lai:

Ngôi làng “nhiều không”, nơi người dân không biết chữ và... không biết tuổi

(Dân trí) - Trên dãy núi Cheng Leng (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) tồn tại một ngôi làng không điện, không đường, không trường, không trạm… thậm chí là không có tương lai. Những đứa trẻ và người dân ở ngôi làng này đều không biết tuổi và biết con chữ, tương lai đến trường trở nên quá nỗi xa vời đối với người dân nơi đây.

Làng “nhiều không” trên đỉnh Cheng Leng

Băng qua gần 100km rừng, chúng tôi mới kịp đặt chân đến được ngôi làng Heg (xã Chư A Thai) giữa trưa nắng hè. Con đường rừng dẫn đến ngôi làng Heg có vô số lỗi rẽ, hiểm trở phải là những người bản địa mới có thể vào được.

Cuộc sống cơ cực của người dân ở làng nhiều không trên đỉnh Cheng Leng

Nhìn từ xa, ngôi làng Heg hiện ra trước mắt chúng tôi với một cảnh hoang tàn, thiếu thốn, nằm trơ trọi giữa “ốc đảo”. Dưới cái trưa hè của “chảo lửa” Cao Nguyên, những đứa trẻ làng Heg với thân hình còi cọc đang nhấm nháp quả xoài rừng một cách ngon lành.

Ngước khuôn mặt hốc hác, gầy gò, bé Đinh Thoanh sợ sệt nói: “Bố đi làm rẫy, em ở nhà trông nhà và chăn bò…”. Hỏi tuổi, không đứa trẻ nào trả lời được. Từ khi sinh ra, các em cũng chưa từng biết đến trường học. Chỉ có một số người lớn còn nhớ mình đã làm được bao nhiêu mùa rẫy để tính tuổi.

Cảnh hoang tàn của ngôi làng “nhiều không” trên đỉnh Cheng Leng
Cảnh hoang tàn của ngôi làng “nhiều không” trên đỉnh Cheng Leng

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Jăi - Trưởng làng Heg cho biết: “Làng Heg là nơi chôn nhau, cắt rốn của người dân. Trước đây, năm 2000 khi tỉnh Gia Lai có chủ trương xây dựng hồ thủy lợi Ayun Hạ thì làng Heg có nguy cơ ngập cao nên tỉnh đã tiến hành di dời toàn bộ làng theo diện tái định cư. Thế nhưng sau khi hồ thủy lợi Ayun Hạ hoàn thành, tôi cùng một số bà con quay lại làng cũ thấy ngôi làng không hề bị ngập. Cộng thêm việc không đủ đất sản xuất ở khu làng mới nên mọi người đã quyết định quay lại khu vực cũ và sinh sống cho đến bây giờ”.


Những đứa trẻ chưa từng biết đến trường học.

Những đứa trẻ chưa từng biết đến trường học.

“Làng Heg được bao bọc bởi 3 ngọn núi lớn là Cheng Leng, Lờ Pá và N’Nheng. Ngôi làng này nằm giữa lòng chảo nên sống tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Trong làng có tới 22 hộ và 75 nhân khẩu, thuộc người đồng bào Banar. Vì khoảng cách giữa làng ra xã Chư A Thai phải đến cả trăm cây số, còn nếu muốn đi tắt qua xã Ayun (huyện Chư Sê) thì băng qua cánh rừng khộp gần 50km. Chình vì khoảng cách xa cùng với đường đi hiểm trở nên mọi thứ ở đây đều không có: không điện, không đường, không trường, không trạm… Người lớn đi làm lúa rẫy, trẻ con như con thú hoang… có gì ăn đó… mà không được đến trường học hay con chữ”, ông Đinh Jăi cho biết thêm.

Cuộc sống thiếu thốn ở ngôi làng nhiều không
Cuộc sống thiếu thốn ở ngôi làng "nhiều không"

Mạch sống của cả làng chỉ nhờ vào một ống nước dẫn từ trên núi xuống. Giữa buổi trưa nắng hè, các hộ lại chen nhau hứng từng giọt nước về uống. Những đứa trẻ “đầu trần, chân đất” đang nô đùa dưới nắng hè.

Chị Đinh Thây (làng Heg) có 3 người con, cả 3 đều không biết chữ. Chị Thây tâm sự. “Từ lâu rồi thì dân mình sống và làm ăn ở đây. Giờ chuyển cũng không biết đi đâu về đâu. Tuy cuộc sống đây thiếu thốn như vậy nhưng đất mình ở đây thì mình phải ở đây để làm ăn. Chỉ mong những đứa con được đi học biết cái chữ. Chứ sống trong rừng thế này không biết nó lớn nỗi, biết trồng cây lúa…”.

Ngôi làng “nhiều không”, nơi người dân không biết chữ và... không biết tuổi - 4

Dù trời nóng như đổ lửa, cụ Đinh Bê đầu trần nhặt từng mẫu phân bò nhét vội vào bao để bán kiếm tiền mua gạo, thức ăn. “Tôi đã sinh sống ở đây được 10 năm nay, hàng ngày tôi đi nhặt phân bò và mỗi bao như này tôi bán được khoảng 30.000 đồng. Ở đây bà con đa số chữa bệnh bằng các loại cây cỏ thôi, ít ai đến bệnh viện vì đường lại xa xôi... Đường đi lại khó khăn, điện không có nên mọi người chỉ biết tự cung tự cấp thôi…”, cụ Đinh Bê tâm sự.

Mơ ước nhỏ của làng Heg

Tìm khắp cả làng, cuối cùng chúng tôi cũng thấy một người biết chữ, đó là ông Mai Văn Ân. Ông Ân cho hay: “Trước đây, chúng tôi ở ngoài xã Chư A Thai cuộc sống cũng đầy đủ, có đường, có điện... nhưng lại thiếu đất sản xuất nên chúng tôi vào đây sinh sống. Nói thật cả làng cũng chẳng mấy ai biết chữ. Thu hoạch nông sản thì chở bằng xe máy băng rừng hay lấy thuyền chở qua hồ Ayun Hạ ra xã Ayun hoặc xã Đak Trôi bán lại cho người ta, rồi mua thêm thức ăn, vật dụng mang về”.

“Thực ra, ai mà chẳng muốn sống cuộc sống đầy đủ nhưng cũng vì điều kiện của mỗi người thôi. Ở ngoài kia có đầy đủ nhưng không có đất sản xuất thì cũng vậy, chỉ mong nhà nước cho chúng tôi được sinh sống ở đây, rồi có trường học cho những đứa trẻ được cắp sách đến trường. Sau này, tôi cũng phải cho con bé đi học chứ không thể để nó không biết chữ được...”, ông Ân tâm sự.


Bà con mong chính quyền sớm có những quyết sách giúp bà con

Bà con mong chính quyền sớm có những "quyết sách" giúp bà con

Ông Phùng Trung Toàn - Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết, sau khi nhận được phản ánh, các cơ quan chức năng của xã cũng như của huyện Phú Thiện đã trực tiếp đến các điểm làng trên núi để rà soát số hộ, số nhân khẩu, qua đó có phương án giải quyết tình trạng trên. Cũng theo ông Toàn, khi đưa đến các làng tái định cư, xã cũng đã cấp đất sản xuất cho người dân nên không có chuyện người dân thiếu đất sản xuất.

Cuộc sống ngôi làng bị cô lập, bao quanh là những dãy núi lớn
Cuộc sống ngôi làng bị cô lập, bao quanh là những dãy núi lớn

“Hiện nay, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo huyện Phú Thiện và xã Chư A Thai tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên theo hướng vận động nhân dân trở về làng tái định cư. Xã đã rà soát và dành quỹ đất riêng để cấp cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp trong trường hợp thiếu đất sản xuất. Dù vậy, xã cũng xác định đây là nhiệm vụ khó khăn bởi tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số là sinh sống tại các khu vực đồi núi đã quen. Tuy nhiên, chính quyền xã cũng quyết tâm để vận động bà con trở về, để người dân, đặc biệt là trẻ em ở hai ngôi làng này được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách xã hội”, ông Toàn nhấn mạnh.

Phạm Hoàng