1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngôi làng “độc nhất” miền Trung

(Dân trí) - Ai đã từng về Ðại Bình (Nông Sơn, Quảng Nam) đều cảm nhận thấy cảnh quan yên bình, trù phú, giàu bản sắc nơi đây. Ngoài vẻ đẹp tự nhiên hiếm có, Đại Bình còn được xem là ngôi làng “độc nhất vô nhị” của miền Trung.

Buổi sáng, đường về làng Đại Bình trong lành, mát mẻ. Những làn gió nhẹ phảng phất mang hơi nước từ triền sông thổi vào làm mát dịu không khí ngày hè. Du khách đến đây thưởng ngoạn sững sờ với quang cảnh của một làng quê Việt tưởng chỉ còn thấy trong văn thơ xưa: cây đa, bến nước, con đò, những phiên chợ quê với các bà, các mẹ vai mang quai gánh đơn sơ, mộc mạc; nghèo mà bình yên đến lạ…

 

Tựa bức tranh quê!

 

Con đò nhỏ rẽ nước tiến sang bờ bên kia, Ðại Bình nằm gối đầu vào Hòn Ngạn. Nơi mảnh đất tròn như cái nong tằm, một nửa giáp sông, nửa giáp núi. Làng có chiều dài khoảng 3.000m, chiều ngang 1.000m, diện tích không lớn là bao. Dọc hai bên làng, cạnh bờ sông Thu Bồn bãi cát bồi nhiều hơn lở, sau bãi cát là luỹ tre nằm lọt thỏm giữa những đống đất. Người dân địa phương thường gọi là “đường ngọn nước” - một khoảng đất màu mỡ và khô ráo, nơi người dân lập vườn, dựng nhà và là con đường ngang “độc đạo” nối liền Ðại Bình trong mùa mưa lũ.

 

Đại Bình có khoảng 103 ha đất canh tác, trong đó có 28 ha đất vườn thích hợp cho các loại cây ăn quả. Cây trái nơi đây giống như Nam Bộ: nào là sầu riêng, măng cụt xen canh với bòn bon (Nam Trân, đặc sản của địa phương mà trong cuốn Ðại Nam Nhất Thống Chí có nhắc đến), cam, quýt, trụ, thanh trà, thơm... Mùa cây trái Ðại Bình thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9.

 

Trong thế tựa lưng vào núi, ở Ðại Bình còn có một khu rừng Cấm. Con đường đến Cấm (theo tiếng địa phương) hai bên mọc đầy hoa dũ dẽ màu vàng, hoa sim, hoa mua tím. Gần bìa rừng là đình làng Nghĩa Trũng (nơi yên nghỉ của những âm linh). Hiện đình chỉ còn lại dấu tích ít ỏi vì đã bị hủy hoại trong trong lũ lịch sử năm 1964.

 

Ngôi làng “độc nhất” miền Trung - 1

Đại Bình yên bình và thơ mộng.

 

Các bô lão trong làng kể lại rằng: Đại Bình còn có tên gọi khác là làng “Đại Bường”, là tên một làng cũ có cùng thời với những làng cũ nhất của Quảng Nam kể từ năm 1602, sau khi Nguyễn Hoàng thiết lập dinh trấn Quảng Nam và phân định hệ thống làng xã, phủ huyện. Làng có tên chữ chính xác là Đại Bình nhưng vì có sự “húy kỵ” với tên một vị tiền bối khả kính nào đó nên dân gian gọi chệch “Bình” thành “Bường”.

 

Ở Đại Bình, ngoài các loại cây ăn quả truyền thống của địa phương, nơi đây còn trồng thêm được hầu hết các loại cây ăn quả của Nam Bộ.

 

“Nam Bộ” trong lòng miền Trung

 

Những khu vườn ngổn ngang mít, xoài, ổi, nhãn, cam, quýt, bưởi, trụ, thanh trà… chất vị ngon hơn nhiều nơi khác. Ngoài ra còn có sầu riêng, măng cụt, vú sữa, lêkima, sapôchê; có cả loại tre chỉ để ăn măng... Các loại trái miền Nam trên đất Đại Bình bao đời nay đều rất sai quả, to và ngon.

 

Ngày nay, với cách chăm bón khoa học cùng với sự ưu ái của tự nhiên, các loại quả nói chung ở Đại Bình càng tăng cả về thể trọng và chất lượng. “Ăn quả nhớ người trồng cây”, bà con ở Đại Bình thường nhắc đến công lao khó nhọc của cụ Huỳnh Châu (thường gọi là cụ Hương Hân) - người đã sưu tầm, đưa các giống cây từ Nam Bộ về trồng.

 

Chuyện kể rằng, cụ là người đi miền Nam nhiều nhất xã. Cụ vừa là nhà tu hành, vừa là một lương y cổ truyền nổi tiếng khắp tỉnh, chuyên trị rất giỏi các bệnh ngộ độc, mụn nhọt, tiêu hóa, hóc xương. Khoảng năm 1936-1937, cụ Hương Hân vào Sài Gòn, Tây Ninh và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tìm tòi, thu thập kiến thức y học cổ truyền. Thấy cây trái ở miền Nam quanh năm trĩu trịt, cụ bèn tìm cách đem về một ít cây giống để trồng thử trong vườn nhà.

 

Không ngờ, các loại cây này đều sống tốt và lớn nhanh, chứng tỏ rất hợp với thổ nhưỡng của Đại Bình. Từ đó, cứ mỗi lần đi miền Nam thăm con, cụ Hương Hân lại mang về khá nhiều cây giống, đưa về quê tự trồng hoặc cho bà con nhân rộng. Các loại cây trái miền Nam nhờ thế không chỉ có ở Đại Bình mà còn ở các làng lân cận. Nhưng các giống cây cho quả của miền Nam chỉ “chịu” mỗi đất Đại Bình, còn những nơi khác thì kết quả chẳng mấy khả quan. Những vườn cây Nam Bộ tại Đại Bình hiện đều là “hậu duệ” của vườn cụ Hương Hân.

 

Ngôi làng “độc nhất” miền Trung - 2

“Làng Nam Bộ” ở miền Trung.

 

Ngoài những loại trái cây của miền Nam, chủ lực của Đại Bình từ bao đời nay vẫn là cam mật, quýt đường, trụ lông và bòn bon... Qua nhiều năm chắt lọc kinh nghiệm, người dân nơi đây nhận thấy trụ lông trồng trên đất Đại Bình còn ngon hơn tất cả các loại bưởi đang được thịnh hành ở miền Nam như bưởi Biên Hòa, bưởi Năm Roi, bưởi Da xanh.

 

Mặc dù chưa chính vụ nhưng khi được thưởng thức hương vị đầu mùa của quả trụ lông ở đây, chúng tôi phải công nhận niềm tự hào của người dân ở đây về món đặc sản này quả là không ngoa.

 

Anh Nguyễn Nở cho biết thêm, mấy năm trước đây, làng Đại Bình còn có một thứ mà không ở đâu trên đất nước này có được, đó là hạt mít nài rang. Đây là loại mít chỉ có ở vùng  rừng Cấm; cây mít nài mọc chen lẫn giữa hàng nghìn cây cỏ hoang sơ. Mỗi năm mít nài cho một lần trái; trái mít tròn, to bằng trái mít tố nữ, múi mít nhỏ như đầu ngón tay, vị ngọt khay khay, hạt tròn hoặc dài.

 

Mít nài chín không ai ăn vì dễ say, chỉ chà nó ra để lấy hạt, phơi khô, rang ăn như đậu phộng rang. Ai  đã từng ăn hạt mít nài rang rồi, một lần thôi là nhớ mãi cái hương vị kỳ lạ ấy…

 

Buồn một nỗi, cơn bão số 6 lịch sử tàn phá miền Trung cách đây chưa lâu đã trở thành “thảm họa miệt vườn” làng Đại Bình. Theo tính toán của người dân, cơn bão đã gây thiệt hại cho làng quê nhỏ này hàng trăm tỷ đồng; nhiều cây sầu riêng trăm tuổi đã bị quật ngã và gần như bị xóa sổ…

 

Nhưng Đại Bình đang hồi sinh trở lại…

 

Bài và ảnh: Minh San