1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Ngôi đền có gần 60 pho tượng dát vàng “kêu cứu”

(Dân trí) - Nằm trong cụm di tích đình đền Yên Phụ, đền An Thọ (ngõ 12 đường Thanh Niên) nổi tiếng với gần 60 pho tượng dát vàng đang bị “bóp nghẹt” bởi việc xây dựng trái phép của các hộ dân xung quanh.

Ngôi đền có gần 60 pho tượng dát vàng “kêu cứu” - 1
Đền An Thọ “nghẹt thở” bởi việc xây dựng không phép của một số hộ dân.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến (người trông coi đền) thì đền An Thọ nằm trong quần thể di tích đình đền Yên Phụ. Quần thể này đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa từ ngày 2/3/1990.

Đền An Thọ thờ Hàn Sơn công chúa (người được vua Đồng Khánh có sắc phong là mẫu nghi thiên hạ) và hoàng hậu Khâm Đức (mẹ đẻ hoàng tử đời Trần là Linh Lang đại vương). Hiện nay, các sắc phong của vua Đồng Khánh vẫn ngự trong đền.

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thì đền An Thọ nằm trong cụm di tích đình đền Yên Phụ, nơi thờ danh tướng Linh Lang Đại Vương, trong đó đền An Thọ là nơi thờ mẫu, vốn là tín ngưỡng bản địa rất được người dân coi trọng.

Đền An Thọ nằm gần mép hồ Tây, được ví như bông hoa sen nở bung nhìn ra mặt nước. Đáng chú ý, trong đền thờ gần 60 pho tượng được điêu khắc dát vàng hết sức công phu và có giá trị nghệ thuật cao.

Chưa hết, theo ông Tiến, đền An Thọ còn đang lưu giữ hai “bửu bối” là chuông vàng và khánh ngọc. Quả chuông vàng này có từ lâu đời và gắn liền với truyền thuyết trâu vàng hồ Tây.

Mặc dù có nhiều “bửu bối” như vậy nhưng không gian trong đền An Thọ và phía trước mặt luôn bị “bóp nghẹt” bởi các mái tôn, mái vẩy của những nhà xung quanh và các công trình xây dựng không phép.

Theo ông Trần Minh Đức, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, thì lịch sử đền An Thọ trước kia chỉ là một cái am nhỏ bên hồ Tây. Dần dần, người dân thập phương đóng góp tiền của nên mới xây dựng được khang trang như hiện nay.

Ông Đức cho biết, trước tết Nguyên đán 2009, UBND phường Yên Phụ đã cưỡng chế phần mái chắn ngang cửa đền của gia đình bà Nguyễn Phương Hoa. Theo tài liệu mà UBND phường Yên Phụ cung cấp thì trước khi bị cưỡng chế, gia đình bà Hoa đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi xây dựng không phép theo quyết định số 4637 của UBND phường Yên Phụ.

Theo ông Tiến, hiện một số hộ gia đình xung quanh đền (chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - PV) đang có ý định cải tạo xây dựng lại nhà và nếu chính quyền phường Yên Phụ cứ “phạt cho tồn tại” như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan của đền.

Trước nguy cơ 1 ngôi đền có giá trị văn hóa, lịch sử đang bị xâm hại nghiêm trọng, đề nghị các cấp chính quyền quận Tây Hồ cần phải có những biện pháp cứng rắn hơn nữa trước khi quá muộn, nhất là khi Hà Nội đang chuẩn bị hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long.

Hồng Ngân