Ngọc “lọ” và chiếc độc bình phá vỡ kỷ lục Việt Nam

(Dân trí) - Nghệ nhân Lê Minh Ngọc ở làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội), người từng lập kỷ lục Việt Nam với cặp độc bình cao 3m, vừa cho ra lò một chiếc độc bình cao 3,4 mét, phá vỡ kỷ lục cũ của chính mình.

Cuối năm 2002, chàng trai trẻ sinh năm 1972 đã khiến không ít người sửng sốt và nể phục khi làm thành công cặp độc bình cao tới 3m, đường kính 0,94m, nặng 174kg. Khi ấy, Lê Minh Ngọc là nghệ nhân trẻ nhất làng gốm Bát Tràng và là người duy nhất trong làng nắm giữ bí quyết sản xuất loại lộc bình ngoại cỡ cao từ 2m trở lên. Song cặp độc bình cao tới 3m thực sự là một bất ngờ với nhiều người vì để tăng kích cỡ một chiếc bình ngoại cỡ là việc vô cùng khó khăn, phức tạp.
 
Ngọc “lọ” và chiếc độc bình phá vỡ kỷ lục Việt Nam - 1
Cặp bình gốm cao 3m được chứng nhận là cao nhất Việt Nam, in trong cuốn Niên giám kỷ lục Việt Nam 2008.

Sau khi báo chí liên tục đăng tải những bài viết về anh và cặp độc bình ấy, đầu năm 2005, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã đến kiểm nghiệm và xác lập kỷ lục cặp độc bình bằng gốm cao nhất Việt Nam. Hiện hình ảnh của anh Ngọc và cặp độc bình ấy vẫn được in trong cuốn Niên giám kỷ lục Việt Nam 2008.

Đạt được kỷ lục đó nhưng Ngọc “lọ” - tên nhiều người vẫn gọi anh - không nguôi ước mơ làm được cặp lộc bình cao tới 5m. Năm 2008, sau khi bán cặp độc bình đạt kỷ lục Việt Nam kia cho Tỉnh ủy Ninh Bình với giá 800 triệu đồng, anh lại bắt đầu lao vào chinh phục đỉnh cao mới.

Công việc đầu tiên của anh là... đập cái lò nung cũ đi, xây một cái mới to hơn, cao hơn cho vừa với những chiếc bình lớn hơn. Lần này anh xây lò theo công nghệ mới, tiết kiệm đến hơn 60% nhiên liệu, song vốn đầu tư cũng vượt lên rất nhiều. Riêng việc xây lò đã ngốn hết số tiền bán cặp độc bình đạt kỷ lục của anh.
 
Ngọc “lọ” và chiếc độc bình phá vỡ kỷ lục Việt Nam - 2
Chiếc bình mới ra lò cao 3,4m phá vỡ kỷ lục của chính Lê Minh Ngọc. Trong góc là chiếc bình cao 2m.

Suốt hai năm ròng, anh cùng nhóm thợ miệt mài với những công việc tiện cốt mẫu, đổ khuôn, rồi tạo “phơ” mộc... Một tay anh Ngọc phải làm tất cả các công việc ấy với kinh nghiệm của mình, những người thợ khác chỉ có thể trợ giúp phần nào.

“Khó khăn nhất là khi tạo “phơ”, tạo hình cho bình. Vì bình có kích cỡ lớn nên nguyên liệu trong khuôn khi tạo hình rất dễ chảy xuống, làm hỏng bình ngay” - anh Lê Minh Ngọc cho hay - “Rồi khi nung phải làm sao cho lửa đều vì lò cao, bên dưới thường bị non lửa hơn”.

Rút kinh nghiệm những lần trước, để khỏi bị hẫng, lần này nghệ nhân trẻ Lê Minh Ngọc chỉ dám nâng chiều cao chiếc bình lên một chút. Những ngày cuối cùng của năm Kỷ Sửu, 4 chiếc “phơ” cao hơn 3m được đưa vào cái lò nung cao tới 6m. Sau 4 ngày đêm chờ đợi, cửa lò mở ra trong sự háo hức của anh, song chỉ một chiếc còn nguyên vẹn, 3 chiếc còn lại cái thì cái méo, cái nứt vỡ.
 
Ngọc “lọ” và chiếc độc bình phá vỡ kỷ lục Việt Nam - 3
Anh Lê Minh Ngọc bên cặp độc bình cao 3m (ảnh trái, chụp năm 2002) và chiếc bình cao 3,4m mới thành công của anh.

Không hề buồn rầu, trái lại anh Ngọc rất vui sướng vì đây là lần đầu tiên Ngọc thành công ngay lần nung đầu khi làm một chiếc bình ngoại cỡ lớn như vây. Anh hò mọi người ngả chiếc bình ra đo chiều cao. Con số 3,4m khiến anh nhảy cẫng lên sung sướng vì đã phá vỡ kỷ lục của chính mình.

Đến thăm nhà anh Lê Minh Ngọc, nhìn quanh từ nhà đến sân, đâu đâu cũng thấy những chiếc bình, chiếc lọ “khủng”, cái nhỏ nhất cũng cao quá nửa mét. Trong khu lò nung vẫn còn ngổn ngang “xác” của 3 chiếc bình bị hỏng kia.

Trong góc nhà, chiếc bình cao 3,4m nổi bật khi đứng cạnh cặp chóe và một chiếc bình cao 2m khác. Vợ chồng anh Ngọc vui mừng “khoe”: “Mình muốn được xác lập kỷ lục này trong năm nay, nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thì sẽ rất có ý nghĩa. Hôm qua, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã thông báo lại, bảo mình gửi thông tin và hình ảnh kèm theo đơn đề nghị để họ xem xét rồi”.

Ngoài chiếc bình này, vợ chồng anh Ngọc còn đang sở hữu một chiếc chóe cao tới 2,4m mà theo anh là cao nhất Việt Nam hiện nay. “Sắp tới mình sẽ làm tiếp đề nghị xác nhận chiếc chóe này đạt kỷ lục Việt Nam” - anh tự hào nói.

Tiến Nguyên