1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ngỡ ngàng kho báu tiền sử khổng lồ của người đào vàng

Say mê sưu tập, ông Thành đã có một bộ sưu tập đá cổ tư nhân lớn nhất Việt Nam, gồm hơn 5.000 hiện vật.

Ông không nhận mình là người có bộ sưu tập đá cổ lớn nhất Việt Nam, vì chưa so sánh với ai cả, nhưng tôi trộm nghĩ, trên thế giới này khó tìm ra người thứ hai có bộ sưu tập đồ đá cổ lớn như ông.
 
Ông gom được nhiều đồ đá cổ đến nỗi một số giáo sư, tiến sĩ ngành khảo cổ thường xuyên phải vào tận Tây Nguyên mượn những món đồ cổ của ông để làm công tác nghiên cứu.
 
Tôi tìm đến căn nhà khang trang phố Hoàng Văn Thụ (Kon Tum) vào lúc giữa trưa, nhưng ông Văn Đình Thành không có ở nhà. Chờ đến chiều tối mới thấy ông trong bộ dạng lem luốc bụi đất đỏ Tây Nguyên. Ông khiêng về một... bao đá.

Thận trọng xếp từng món đồ ra mặt bàn, ông lấy chiếc khăn mềm, xốp lau nhẹ từng thứ, rồi xuýt xoa, ngắm nghía vẻ đẹp độc đáo của thứ công cụ lao động mà tổ tiên thời ăn lông ở lỗ của chúng ta từng sáng tạo ra.

Ông Thành bảo: "Nghe tin mấy người Ba Na ở Sa Bình đào được mấy thứ này mình tìm đến ngay để mua. Trong bộ sưu tập lại có thêm mấy chiếc rìu đá, bôn đá tuyệt đẹp".

Ngỡ ngàng kho báu tiền sử khổng lồ của người đào vàng
Ông Thành bên một phần nhỏ bộ sưu tập đồ đá cổ của mình

Câu chuyện của ông cứ lan man theo từng món cổ vật, từ cách tạo ra chúng, cách dùng, công dụng. Bề dày lịch sử phát triển xã hội loài người hiện hữu dần qua những điều ông mô tả từ món cổ vật ấy...

Ông Thành tốt nghiệp khoa Cơ khí, Đại học Bách Khoa. Có bằng kỹ sư hẳn hoi, nhưng cuộc đời cứ bôn ba, trôi nổi. Cuối cùng, ông trở thành công nhân khai thác vàng ở Kon Tum.

Cuộc đời công nhân bãi vàng gắn với rừng rú hoang rậm, đào núi, móc sông. Ông đã trải qua thời kỳ gian khó ở bãi vàng Crông, Sê San 3, cánh rừng Đắc Lây.

Năm 1989, Văn Đình Thành về xã Sa Bình (Sa Thầy, Kon Tum) khai phá mỏ mới. Buôn Lung Leng biến thành một công trường khai thác vàng nhộn nhịp với cả ngàn người ngày đêm quật đất tìm vàng.

Một ngày, thợ đãi vàng khoe với ông Thành cục đá lạ hình tròn, có lỗ ở giữa, đã bị vỡ làm đôi mà anh ta đào được từ độ sâu gần chục mét. Nhìn thấy hòn đá ong lạ mắt, anh thợ này liền đập vỡ để... tìm vàng.

Ngắm nghía hòn đá một hồi, với tri thức vốn có, ông Thành khẳng định đây không phải đá tự nhiên mà chắc chắn do bàn tay con người tạo ra.

Không thể lý giải được vì sao vật này lại nằm ở độ sâu như vậy, và người ta dùng nó để làm gì, ông Thành liền mang cục đá đến bảo tàng tỉnh để hỏi.

Nghe các cán bộ chuyên môn giảng giải đó là công cụ lao động của người cổ xưa ông cứ vểnh tai nghe như bị thôi miên. Công cụ đó dùng để gieo hạt. Người xưa đã biết xiên chiếc gậy nhọn qua cục đá để dùi lỗ trên mặt đất gieo hạt cho đều.

Ngỡ ngàng kho báu tiền sử khổng lồ của người đào vàng
 
Văn Đình Thành mang cục đá đó đến buôn Lung Leng hỏi thì đồng bào Ba Na bảo nhà nào cũng có những "vật lạ" bằng đá như thế. Đồng bào cuốc nương, cuốc rẫy kiếm được liên tục, thấy ngộ nên nhặt về vứt đầy góc nhà, góc vườn, hoặc cho trẻ nhỏ làm đồ chơi.

Qua tìm hiểu ông thấy trong nhà đồng bào Ba Na có nhiều "vật lạ" còn đẹp hơn cái công cụ gieo hạt mà ông đang giữ rất nhiều. Một ý nghĩ nảy sinh trong đầu: "Người ta sưu tầm tem, đồ cổ, sinh vật lạ... thì mình cũng làm bộ sưu tập công cụ lao động bằng đá của người tiền sử chắc không đụng hàng...".

Từ đó, ông Thành vẫn làm công việc thợ vàng, nhưng tâm trí thì hướng cả vào... đá. Anh em bãi vàng thấy ông Thành vốn mê tìm vàng như điếu đổ nay lại say mấy cục đá lem nhem thì lấy làm buồn cười lắm. Vì thế mọi người đặt ngay cho ông cái tên mới, là Thành "đá cổ".

Ông Thành dặn anh em công nhân rằng, hễ ai kiếm được đá cổ thì bán cho ông. Kiếm được bao nhiêu vàng, ông Thành đem đổi hết lấy đá.

Từ đó, trong lúc đào vàng, đám công nhân kiếm được hòn đá nào lạ mắt, giống như đã được mài giũa là họ gọi Thành "đá cổ" đến ngã giá. Cứ vật nào đẹp, lạ, tinh xảo thì ông sẵn sàng trả giá tiền trăm, tiền triệu, vật nào xấu xí, thô sơ, sứt mẻ thì giá vài ngàn đồng là cùng.

Đồng bào Ba Na nghe tin ấy sướng nhất, đem hết những cục đá lạ mắt lượm được vứt xó trong nhà bán cho Thành "đá cổ". Một cục đá to bằng quả bưởi có khi bán cho ông Thành được vài ngàn, nhưng mẩu đá bằng hạt ngô lại được ông trả cho mấy trăm ngàn.

Đau khổ nhất là vợ ông Thành. Trước đây ông chồng mang vàng về cho bà bán, giờ vàng không thấy đâu lại suốt ngày thấy khuân đá về chất đầy góc nhà, bày biện kín bàn, ngập trong các tủ.

Khuyên chồng, mắng chồng, dọa bỏ chồng vẫn không ăn thua, cáu tiết, chờ lúc chồng đi vắng, vợ ông đem mấy cục đá cho đám công nhân đang làm đường hỏi: "Mấy anh có dùng loại đá này làm đường không đến nhà tôi mà lấy". Xem xét mấy cục đá một hồi, họ bảo đá này làm đường không được vì độ chịu lực hơi kém.

Bực quá, vợ ông Thành khuân hết đống đá quẳng ra chỗ đặt thùng rác bên đường để lấy chỗ chứa quần áo.

Ông Thành về, không thấy "của quý" đâu, chạy quáng quàng ra đường, may mắn vẫn thấy mấy bao tải đá vứt ở đó. Mấy ông hàng xóm bảo, chị vệ sinh đường phố đẩy xe rác qua, nhưng mấy bao đá nặng quá không bê nổi lên xe rác đành để lại. Lúc đó, ông Văn Đình Thành đã có hơn 2.000 công cụ lao động bằng đá.

Ngỡ ngàng kho báu tiền sử khổng lồ của người đào vàng
 
Ngỡ ngàng kho báu tiền sử khổng lồ của người đào vàng
Một số công cụ đá trong bộ sưu tập của ông Thành 

Năm 2001, PGS-TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cùng một đoàn các nhà khảo cổ đầu ngành vào Kon Tum tiến hành điều tra, thám sát để tổ chức khai quật các di chỉ khảo cổ học ở dọc sông Krông Pôkô trong địa bàn huyện Sa Thầy trước khi hồ thủy điện Sê San ngập nước. Trong quá trình thám sát, tìm kiếm di vật khảo cổ, người dân quanh vùng mách tiến sĩ Sử đến nhà Văn Đình Thành.

Nhìn những đống đồ đá thời tiền sử chất đầy trong nhà Văn Đình Thành, ông Sử đã không kìm được xúc động. Ông tuyên bố rằng đống đá đó là vô giá, không thứ vật chất gì có thể sánh được.

Nghe tiến sĩ Sử nói vậy, vợ ông Thành rạng rỡ mặt mày. Thậm chí lại còn cấp thêm tiền cho ông mua đá tha về. Chồng mình được toàn giáo sư, tiến sĩ mãi Hà Nội vào thăm, lại còn khen lấy khen để thì còn gì mát mặt hơn.

Xót lòng trước cảnh ông Thành đem búi rác bằng lưới đánh rửa cổ vật, rồi dùng dao, búa gọt giũa thêm cho đẹp, tiến sĩ Sử đã bỏ cả tuần ở nhà ông Thành để hướng dẫn ông cách bảo quản, xắp xếp các cổ vật đồ đá cho hợp lý, khoa học.

Miệt mài từ sáng đến tối, ông Thành và ông Sử tỉ mẩn lau chùi từng món đồ, rồi nhận diện chủng loại, phân loại theo thứ tự thời gian, theo công dụng. Phân loại xong thì tiến hành đánh số theo nhóm công cụ và trưng bày lên những chiếc bảng lớn được ốp kính bảo vệ.

Đêm xuống, rỗi rãi, tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử lại giảng giải tỉ mẩn cho ông Thành nghe về lịch sử tiến hóa loài người. Nghe ông tiến sĩ nói, nhìn vào hệ thống công cụ lao động bằng đá mình có, ông hình dung ra cả một thế giới người tiền sử đang sống và sinh hoạt ra sao.

Nhiều đêm, ông Thành "đá cổ" mơ thấy mình đóng khố bằng vỏ cây, tóc dài ngang lưng, sống trong hang động. Ngày ngày vợ ông cùng chị em phụ nữ vào rừng hái lượm, ông cùng đám đàn ông vác ngọn lao sắc bén bằng đá lần vào rừng sâu săn... voi ma mút.
 
Theo Diêm Giang
VTC