Ngô biến đổi gen tạo “cú hích” cho nông nghiệp Sơn La
(Dân trí) - Với ưu thế có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, giảm số ngày công chăm sóc và cho năng suất cao, ngô biến đổi gen đã và đang dần thay thế giống ngô thường truyền thống trên địa bàn tỉnh Sơn La; hứa hẹn sẽ tạo “cú hích” cho nền nông nghiệp tỉnh này phát triển vững mạnh.
Những năm gần đây, cây ngô đã trở lên thân thuộc với bà con nông dân tỉnh Sơn La. Vì vậy, tỉnh này đang chuyển hướng hỗ trợ, mỗi năm giao cho hệ thống khuyến nông đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho bà con sử dụng những kỹ thuật canh tác mới, như canh tác bền vững trên đất dốc. Ngoài ra, còn đưa các giống mới vào sản xuất, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, Sơn La đã mạnh dạn đưa giống ngô biến đổi gen vào gieo trồng, thay thế dần cho giống ngô thường.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Dương Gia Định – Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La – cho biết: Năm 2015, diện tích ngô biến đổi gen đã lên đến hàng nghìn héc ta, giảm bớt gánh nặng chi phí và đầu tư công lao động. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La còn mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, tạo thành mối liên kết bền vững giữa nông dân và các đơn vị cung ứng sản xuất vật tư phân bón cùng với các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc; nhằm mục đích tạo ra được một chuỗi khép kín, góp phần hạn chế thiệt hại cho bà con nông dân.
“Sau 2 năm trồng, đánh giá bước đầu có thể khẳng định là ngô biến đổi gen là một trong những tiến bộ mới, một trong những thành quả của khoa học công nghệ, không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đó cũng là thành quả của nhiều nhà khoa học có tâm huyết, mong muốn đóng góp cho một nền nông nghiệp, mang hiệu quả cao cho nền kinh tế của đất nước” – ông Định cho biết.
Cũng theo ông Định, ngô biến đổi gen có nhiều ưu thế hơn ngô thường là có khả năng chống sâu bệnh rất tốt, cho năng xuất cao, giảm số ngày công chăm sóc.
Chị Lò Thị Uôn (38 tuổi, ở xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn) cho biết thêm: “Do ngô thường rất nhiều sâu bệnh, khó bán và giá thấp. Từ năm ngoái gia đình tôi đã chuyển sang trồng ngô biến đổi gen thích lắm, ít bị sâu bệnh và cho năng suất cao. Trước đây, 20 kg giống ngô thường thì chỉ được 6 tấn ngô, giờ 20 kg ngô biến đổi gen cho thu hoạch được hơn 10 tấn. Giá ngô thường và ngô biến đổi gen là như nhau, nhưng ngô biến đổi gen năng suất, mẫu mã đẹp nên bán được giá hơn, được nhiều tiền hơn”.
Giống ngô trước đây bị sâu rất nhiều.
Nói về áp lực sâu bệnh năm nay đối với giống ngô thường, chị Quàng Thị Thân (25 tuổi, ở bản Chặm Cẳng, xã Chiềng Sung, Mai Sơn – Sơn La) chia sẻ, giống ngô thường năm nay thường tại địa bàn xã Chiềng Sung bị sâu bệnh rất nhiều, năng suất thấp, chính vì vậy thu nhập của bà con nông dân từ trồng ngô không được là bao.
Theo chị Thân, với 20 kg giống ngô thường gieo trồng trên diện tích khoảng 7.000 m2 đất, sau 5 tháng chăm sóc cũng chỉ cho thu nhập được khoảng 10-15 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ hết các chi phí như giống, phân bón, thuốc trừ sâu thì chỉ còn 7-8 triệu, tính ra mỗi tháng bà con nông dân cũng chỉ được hơn 1 triệu đồng (chưa kể công lao động).
“Sau vụ này gia đình tôi cũng sẽ chuyển sang trồng ngô biến đổi gen, mặc dù mỗi kg giống đắt gần gấp đôi so với ngô thường, nhưng lại được hỗ trợ miến phí thuốc trừ cỏ. Hơn nữa, ngô biến đổi gen một số nhà đã trồng rồi, cho năng suất cao, không bị sâu bệnh, do đó sẽ giảm công chăm sóc hơn ngô thường” – chị Thân cho biết.
Ông Dương Gia Định - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La thông tin thêm: Nhằm khuyến khích các hộ nông dân chuyển sang trồng giống ngô biến đổi gen cũng như tạo niềm tin cho họ, các đơn vị cung cấp giống được tỉnh chỉ đạo thực hiện hỗ trợ bán chịu cho bà con. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp giống còn cử cán bộ kỹ thuật xuống tận ruộng hướng dẫn bà con nông dân gieo trồng giống ngô này.
Nguyễn Dương