Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi qua 36 năm, nhưng hậu quả tàn khốc thì vẫn còn đó. Những người lính năm xưa trở về thời bình nhưng vẫn phải đối mặt với nỗi đau chiến tranh: sinh ra những đứa con tật nguyền do di chứng chất độc da cam để lại.
Đoạn đường đất gập ghềnh khúc khuỷu dẫn chúng tôi đến nhà cựu chiến binh, bệnh binh 2/4 Lê Doãn Tiến - xóm 4 xã Lý Thành huyện Yên Thành, Nghệ An. Ngôi nhà ngói 3 gian bên ngoài cũng đơn sơ bình yên như bao ngôi nhà khác, nhưng bên trong là nghiệt ngã nỗi đau với 5 đứa con nhiễm chất độc hóa học màu da cam.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà gần như trống hoác, ông Tiến kể lại: Tháng 8/1973, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào F473 thuộc đoàn 559 bộ đội công binh, vừa chiến đấu, vừa tham gia mở đường ở chiến trường Quảng Trị, Đà Nẵng và làm đường mòn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Vợ chồng ông Lê Doãn Tiến với đứa cháu nội cũng bị di chứng da cam.
Chính những năm tháng khốc liệt đó, cơ thể ông đã bị nhiễm chất độc da cam mà không thể ngờ được hậu họa tàn khốc của nó. Đất nước thống nhất, năm 1977, ông xây dựng gia đình với bà Liên (vợ ông bây giờ), 5 năm sau ngày cưới vợ chồng ông mới sinh được một cháu trai đầu lòng, nhưng hạnh phúc không mỉm cười, đứa bé sinh ra bị bệnh vàng da và chỉ sống được 16 ngày.
Những năm tiếp theo, vợ chồng ông lần lượt sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái). Các con ông từ khi sinh ra đều mắc một căn bệnh giống nhau là trí nhớ kém, da sần sùi, vẩy nến... Riêng cháu Lê Doãn Dũng - đứa con trai thứ 2 - bị dị tật bẩm sinh hệ vận động; người con trai thứ 3 Lê Doãn Tuấn nay bước sang tuổi 22 thì mờ cả 2 mắt.
Những hôm trái gió trở trời, cả 3 người con trai ông miệng đều bị sùi bọt mép, lên từng cơn co giật, cơ thể đau đớn vật vã. Gia cảnh túng bấn nhưng vì thương con, ông bà đã cố vay mượn để đưa 2 đứa con đi chữa trị, song tất cả các bệnh viện mà ông bà đã đến đều bó tay. Hai cô con gái may mắn hơn 3 người anh là không bị dị tật nhưng gần đây bắt đầu xuất hiện căn bệnh đau đầu kinh niên, giảm dần trí nhớ và viêm da.
Về phần ông Tiến, cơ thể do phải vật lộn với thứ chất độc chết người, cộng thêm lao lực vất vả nên đau ốm quanh năm. Mọi công việc trong nhà đều dồn lên đôi vai người vợ.
Thương gia cảnh ngặt nghèo của ông, bà con chòm xóm luôn giúp đỡ chia sẻ. Chính những con người tốt bụng ấy đã giúp gia đình da cam ấy có được ngôi nhà ngói 3 gian như ngày hôm nay để có chỗ ở ổn định che nắng che mưa. Nhưng rồi tai ương lại tiếp tục đổ xuống đầu ông bà, năm 2008, Lê Doãn Lâm - đứa con trai đầu - sinh được một cháu trai vẻ ngoài kháu khỉnh, nhưng cũng bị nhiễm di chứng da cam. Cháu bé không có bộ phận sinh dục.
Nỗi đau 3 thế hệ của gia đình người cựu chiến binh ấy chỉ là một mảnh ghép trong số gần 1.600 trường hợp nạn nhân chất độc da cam ở huyện Yên Thành (Nghệ An) đang rất cần vòng tay nhân ái của cộng đồng.
Thái Dương - Nguyễn Duy