TPHCM:
Nghiên cứu nhà nước 10 năm không lai tạo nổi một loại giống mới
(Dân trí) - Suốt 10 năm qua, nghiên cứu nhà nước chỉ quanh quẩn với những loại giống cũ, các trường đại học không lai tạo được loại cây nào đưa vào sản xuất. Để tránh nguy cơ khủng hoảng nông nghiệp, Bí thư Thiện Nhân yêu cầu thành phố phải trở thành trung tâm cung cấp giống cây – con.
Ngày 14/9, GS Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy TPHCM đã có buổi làm việc với các ban ngành liên quan tại TPHCM và đại diện lĩnh vực nông nghiệp đến từ các tỉnh thành lân cận. Bí thư Thiện Nhân nvieec14157, xét về cơ cấu kinh tế, tổng sản phẩm nông nghiệp của thành phố chỉ chiếm khoảng 10%, công nghiệp, dịch vụ chiếm tới 90%.
Tuy nhiên có khoảng hơn 1 triệu người tại thành phố là lao động nghề nông. Làm thế nào để duy trì được nền nông nghiệp thành phố, giúp người nông dân sống được với công việc để tạo sự phát triển bền vững là vấn đề cần thiết. Quan trọng hơn, sự phát triển nông nghiệp của thành phố cũng sẽ giúp các khu vực lân cận phát triển ổn định.
Trên thực tế, nền nông nghiệp tại TPHCM nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ - Tây Nam Bộ nói chung đang còn nhiều hạn chế trong công tác ứng dụng công nghệ vào sản xuất tạo ra một nền nông nghiệp sạch đặc biệt là vấn đề cây giống – con giống. Mặc dù thành phố đã chủ trương bảo vệ nguồn gen quý, phát triển nguồn gen ngoại nhập để nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi tuy nhiên trên thực tế, nhiều nguồn giống tốt, năng suất cao đang phải phụ thuộc vào nước ngoài qua nhập khẩu hoặc mua bản quyền sở hữu trí tuệ...
Ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố thừa nhận, hiện chỉ có vài doanh nghiệp tại thành phố trực tiếp làm công tác nghiên cứu lai tạo giống mới, sản xuất giống, số còn lại tập trung vào công tác kinh doanh, nhập khẩu giống về đóng gói cung cấp cho sản xuất hoặc gia công hạt giống từ các giống nhập nội.
Cũng theo ông Xô trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác lai tạo giống mới của các đơn vị nghiên cứu nhà nước, Viện khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam chỉ tập trung chủ yếu vào lúa, bắp, cây công nghiệp như điều, khoai mì. Hầu như không có giống cây trồng mới nào được lai tạo từ các trường đại học trên địa bàn thành phố đưa vào sản xuất.
TPHCM sẽ tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu giống cho cả nước
Nông nghiệp khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nếu bị động trong việc cung ứng giống phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Để tránh nguy cơ trên, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu TPHCM phải thực hiện nhiệm vụ liên kết vùng với các tỉnh thành trong khu vực phía Nam và trên cả nước với mục tiêu đưa ứng dụng công nghệ vào phát triển nông nghiệp, đưa TPHCM trở thành Trung tâm cây giống – con giống đáp ứng nhu cầu của các địa phương khác.
Theo đó, thành phố phải huy động được nguồn lực từ đội ngũ cán bộ, tri thức có chuyên môn giỏi để phục vụ cho công tác nghiên cứu phát triển công nghệ mới và ứng dụng công nghệ sinh học vào công tác chọn, tạo giống. Các công nghệ tiên tiến như nuôi cấy tế bào thực vật, công nghệ gen, chỉ thị phân tử công nghệ chỉnh sửa gen cần phải đưa vào ứng dụng thực tiễn để nâng cao chất lượng giống, tăng năng suất, cải thiện nền nông nghiệp theo hướng tích cực.
Nhiệm vụ trên được Bí thư Nguyễn Thiện Nhân giao cho các đơn vị nghiên cứu thuộc thành phố như Trung tâm Công nghệ sinh học; Trung tâm giống cây trồng vật nuôi thủy sản; Trung tâm nghiên cứu ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao phối hợp với Viện – Trường Đại học thực hiện với mục tiêu thu thập, bảo tồn nguồn gen giống bản địa cũng như nhập nội; lai tạo giống bằng kỹ thuật hiện đại, đánh giá khảo nghiệm giống đảm bảo mang lại năng suất cao, thích ứng được với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu trước mắt của thành phố sẽ hướng tới cung ứng nguồn giống có chất lượng tốt cho khu vực các tỉnh Đông Nam Bộ - Tây Nam Bộ. Về lâu dài nông nghiệp thành phố sẽ trở thành trung tâm cung cấp giống cho cả nước và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Vân Sơn