1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghiên cứu biển Đông sẽ tiến triển mạnh mẽ hơn

Ngày 31/8, Trung tâm Minh Triết (thuộc Liên hiệp Các hội KH-KT Việt Nam) đã khởi động chương trình “Minh triết làm chủ biển Đông”.

Trao đổi với Pháp Luật TPHCM, Giám đốc Trung tâm - GS Nguyễn Khắc Mai (nguyên Trưởng ban Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương) chia sẻ: “Minh triết làm chủ biển Đông” là một quan niệm làm chủ dựa trên tâm thức văn minh của thời đại, biết bảo vệ chủ quyền của mình và tôn trọng chủ quyền của các nước khác, hòa bình, thân thiện, biết chia sẻ trách nhiệm và lợi ích, hướng tới những chuẩn mực văn minh trong quan hệ quốc tế.

 

PV: Xuất phát từ đâu mà Trung tâm Minh Triết có ý tưởng về chương trình “Minh triết làm chủ biển Đông”, thưa ông?

 

Nhà nghiên cứuNguyễn Khắc Mai: Vấn đề biển Đông ngày càng trở thành một trong những vấn đề trung tâm của đời sống xã hội quốc nội và quốc tế. Đặc biệt là từ ba năm trở lại đây, khi Trung Quốc ngày càng leo thang, liên tiếp có những hành động xâm phạm thô bạo đến độc lập, chủ quyền và lãnh thổ của ta trên biển, đảo, liên tiếp đối xử thô bạo đối với ngư dân ta…

 

Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã lục tìm xem cha ông ta từ xưa đã nói gì về biển, đảo, mà lại nói dưới hình thức khôn sáng của minh triết. Và tôi thật sự xúc động khi đọc được bài thơ“Cự Ngao” của Nguyễn Bỉnh Khiêm cách đây hơn 500 năm. Chỉ xin trích hai câu: “Vạn lý Đông Minh quy bả ác/ Ức niên Nam cực điện long bình”, nghĩa là: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”.

 

Thật sự đó là môt dự báo chiến lược thiên tài không. 500 năm trước tiền nhân đã di chúc lại cho chúng ta hôm nay một sứ mệnh to lớn, cao quý, khó khăn. Làm được điều đó thì mãi mãi đất nước chúng ta, dân Việt ta sẽ được sống trong cảnh thanh bình thịnh trị.

 

Nghiên cứu biển Đông sẽ tiến triển mạnh mẽ hơn

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai (phải) - Giám đốc Trung tâm Minh Triết và TS Đinh Hoàng Thắng (giữa) - Tổng Thư ký chương trình “Minh triết làm chủ Biển Đông” tại buổi ra mắt chương trình ngày 31/8.

 

Chúng tôi không đơn độc

 

Việc nghiên cứu biển Đông ở Việt Nam hiện nay được đánh giá là còn mỏng và yếu, so với đòi hỏi trên thực tế. Chương trình của ông sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

 

Chúng tôi tin chắc chương trình này sẽ khơi mào cho một vận động mới và sẽ được tiếp sức để đi xa. Khi được hưởng ứng rộng rãi, nó sẽ trở thành chương trình hoạt động cuốn hút. Ở đây rất cần các nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành. Chúng tôi tự nguyện sẽ là một “nút” trong mạng lưới nghiên cứu. Đây là mô hình “kết nối theo kiểu mạng lưới” trong thế kỷ XXI. Không ai ngăn cản được hàng triệu con tim của đồng bào trong nước cùng hòa nhịp đập với chúng tôi, cũng như không ai ngăn cản được kiều bào ở nước ngoài cùng nhịp đập với quê hương trong vấn đề bảo vệ biển, đảo. Đó là chưa nói nhân loại yêu chuộng hòa bình chắc chắn sẽ ủng hộ chúng ta trong những nỗ lực sáng khôn này.

 

Thực ra, vấn đề biển Đông phải giải quyết theo ba hướng: nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo; xây dựng kinh tế biển, đảo và nghiên cứu về khoa học/văn hóa biển, đảo. Ba vấn đề này có mối liên hệ nhân quả với nhau. Chúng tôi sẽ tiến hành sớm những hội thảo để đánh giá thực trạng nghiên cứu trong cả ba vấn đề nói trên.

 

Về chủ quyền biển, đảo thì phải xây dựng bộ hồ sơ đầy đủ và mang tính hệ thống cả về các vấn đề lịch sử, pháp lý lẫn thực tế tranh chấp và cả những gì mà các nước ASEAN từng đề xuất để giải quyết tranh chấp. Bộ hồ sơ về thực trạng nền kinh tế biển, những kiến nghị cần thiết của lĩnh vực này cũng cần gấp rút xây dựng. Một hồ sơ về nền khoa học và văn hóa biển, đảo cũng là một việc làm cấp bách.

 

Chúng tôi không hành động đơn độc! Chúng tôi nghĩ rằng thiên thời, địa lợi, nhân hòa đang ở về phía của chúng ta. Vấn đề là chúng ta phải chủ động “dang tay nắm giữ” để bảo vệ, phát triển biển, đảo như cụ Trạng Trình đã mách bảo!

 

Cơ hội của tinh thần đại đoàn kết dân tộc

 

Chương trình có các hình thức kết nối với các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài hay không?

 

Bảo vệ chủ quyền biển Đông là một cơ hội hun đúc thêm tinh thần đại đoàn kết dân tộc, phối hợp hành động giữa người Việt trong và ngoài nước. Việc tận dụng vị thế của các nhà khoa học Việt thường xuyên cọ xát với các giới học thuật quốc tế là cần thiết. Gần đây chúng ta đã thành công trong việc thuyết phục Google điều chỉnh đường biên giới Việt-Trung, ghi Hoàng Sa-Trường Sa theo tên quốc tế, ngăn chặn hành động phi pháp chèn đường lưỡi bò trên biển Đông mà các nhà khoa học Trung Quốc bị chính quyền ép buộc khi công bố trên các ấn bản quốc tế. Đông đảo trí thức Việt kiều đã trực tiếp góp ý, chung tay thúc đẩy các hoạt động liên quan đến chương trình, đặc biệt giúp công bố các văn bản, tài liệu trên báo chí quốc tế.

 

Ngoài hoạt động nghiên cứu, chương trình còn có các hoạt động nào khác?

 

Bên cạnh các hoạt động nói trên, chúng tôi cũng đang tập hợp những công trình nghiên cứu về biển, đảo đã xuất bản nhằm quảng bá, tôn vinh bằng những giai thưởng danh dự. Chương trình cũng sẽ phối hợp với những tổ chức, đoàn thể, với các trường đại học để cổ vũ cho các hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ thế hệ trẻ tiếp cận các đề tài về biển, đảo. Tôi hy vọng rằng với những việc làm tâm huyết ban đầu, chương trình sẽ được sự đồng tình, sự tiếp sức của mọi người tâm huyết khác trong xã hội.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Hoạt động nghiên cứu biển Đông ở Việt Nam có khó khăn về kinh phí. Chương trình “Minh triết làm chủ biển Đông” giải quyết vấn đề này như thế nào?

 

Tại cuộc họp chuyên gia tư vấn cho chương trình vừa qua, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của nhiều nhà trí thức tình nguyện làm “nhân cốt” cho từng lĩnh vực. Nhiều nhà trí thức đang làm việc trong những chương trình khác nhau ở trong nước cũng đã đóng góp nhiều ý kiến, đã sơ bộ gợi lên những cách làm hiệu quả và thiết thực. Ai cũng nghĩ rằng phải vượt qua dị biệt để tập hợp nhau làm mọi việc có ích cho dân, cho nước.

 

Các nhà trí thức của ta ở nước ngoài có vị thế và ảnh hưởng rất quan trọng đối với dư luận quốc tế. Nhiều vị trong số đó đã hứa đóng góp vào việc dịch thuật những văn bản, tư liệu, công trình nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo để đăng tải trên những tờ báo lớn ở nước ngoài. Bằng nhiều hình thức khác nhau, bước đầu chúng tôi đã nhận được “cú hích” kinh phí. Chúng tôi tin tưởng chương trình của chúng tôi sẽ được hưởng ứng rộng rãi!

 

Theo Hữu Long
 Pháp luật TPHCM