1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Nghịch lý người dân có tiền không dám sửa nhà, làm đường

Hạnh Linh

(Dân trí) - Mặc dù nhà cửa xuống cấp, đường sá đi lại khó khăn nhưng 15 năm qua, 119 hộ dân ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa phải "cắn răng" chịu đựng vì thuộc diện tái định cư của công trình thủy lợi bản Mồng.

15 năm cả thôn không dám xây nhà, làm đường

Nhìn ngôi nhà xập xệ, anh Kim Văn Sơn (28 tuổi, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) rầu rĩ: "Cả nhà 7 nhân khẩu, 2 thế hệ phải sống khổ sở trong căn nhà xuống cấp. Dù đã gom góp được một khoản tiền đủ để sửa nhà nhưng tôi không dám sửa vì nằm trong vùng dự án, thuộc diện tái định cư của công trình thủy lợi Bản Mồng".

Theo anh Sơn, cách đây 15 năm, khi biết nhà nước thực hiện dự án hồ chứa nước Bản Mồng, người dân đồng tình ủng hộ, tất cả đều chuẩn bị di dời đến nơi ở mới. Mặc dù ngành chức năng đã kiểm kê tài sản, song đến nay gia đình anh Sơn vẫn chưa được nhận tiền đền bù, nhận đất tái định cư.

Nghịch lý người dân có tiền không dám sửa nhà, làm đường - 1

Người dân thôn Thanh Sơn mòn mỏi chờ tái định cư (Ảnh: Hạnh Linh).

Cũng giống như gia đình anh Sơn, gia đình chị Bùi Thị Thanh (41 tuổi) đang sống trong cảnh khổ sở.

"Chúng tôi đi không được, ở lại thì lay lắt, vất vả. Nhiều lần phản ánh lên UBND xã, huyện, mong sớm được di dời để ổn định cuộc sống nhưng cứ chờ hết năm này qua năm khác, nay đã 15 năm rồi", chị Thanh bức xúc.

Ông Hà Văn Giới, Bí thư kiêm Trưởng thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, cho biết công trình Hồ thủy lợi Bản Mồng xây dựng tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của 119 hộ dân với 430 nhân khẩu trên địa bàn.

Theo ông Giới, khi dự án tích nước lên cao trình +76.0m, cả thôn Thanh Sơn với diện tích hơn 200ha chìm trong nước, không có đường đi lại, buộc phải di dời tái định cư.

Nghịch lý người dân có tiền không dám sửa nhà, làm đường - 2

Nhà anh Sơn đã xuống cấp nhiều năm nhưng không dám sửa sang (Ảnh: Hạnh Linh).

"Do nằm trong vùng dự án, phải thực hiện tái định cư nên 15 năm nay, người dân trong thôn không dám tu sửa, xây mới nhà cửa. Cả thôn chỉ lác đác vài nhà kiên cố, còn lại người dân ở đây đang phải sống trong những ngôi nhà hư hỏng, tạm bợ", ông Giới thông tin.

Không chỉ vậy, từ trung tâm xã về thôn Thanh Sơn chỉ có con đường duy nhất dài hơn 20km đã có nhiều điểm xuống cấp, hư hỏng. Ngoài ra, trên đường dẫn vào thôn có tới 7 điểm suối tràn chảy qua. Năm 2018, thôn Thanh Sơn được đầu tư làm đường bê tông nhưng mới làm được 1km đường lại nghe tin dự án sắp triển khai nên các ngành chức năng lại "rút" về.

"Để có đường đi, chúng tôi làm cầu tạm bằng tre nứa, mảnh ván. Mỗi đợt mưa lũ lên đều bị nước cuốn trôi, thôn bị cô lập với bên ngoài. Có đợt trong thôn có người bị ốm, người dân phải làm bè, vượt suối đưa đi cấp cứu", ông Giới nói.

Theo ông Giới, vì đường xa, đi lại khó khăn, những ngày mưa, nước lũ đổ về học sinh cấp 2 phải nghỉ học. Học sinh khối mầm non, tiểu học thì học tại thôn, trường học cũng đã xuống cấp mà không được đầu tư, cải tạo.

Tỉnh, huyện không dám "tiêu tiền"

Bà Đỗ Thị Chung, Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa, cho biết thôn Thanh Sơn là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã. Do ảnh hưởng của dự án Công trình Hồ thủy lợi Bản Mồng nên 119 hộ, 430 nhân khẩu của thôn phải di dời tái định cư.

Tuy vậy, 15 năm qua, bà con vẫn chưa thể thực hiện di dời, tái định cư. Nhiều hộ gia đình có đến 3 thế hệ sinh sống trong ngôi nhà nhỏ, ẩm thấp, chật hẹp, rất vất vả.

Nghịch lý người dân có tiền không dám sửa nhà, làm đường - 3

Nhà chật hẹp, ẩm thấp được xây dựng cách đây gần 20 năm, nhưng người dân thôn Thanh Sơn không dám sửa sang lại (Ảnh: Hạnh Linh).

"Dù không có văn bản nào cấm bà con không được làm nhà nhưng việc thống kê hiện trạng đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Bây giờ bà con sửa, sau này cũng không được đền bù, sẽ gây lãng phí", bà Chung cho hay.

Theo bà Chung, do không được đầu tư nên các công trình khác như đường, trường học, nhà văn hóa thôn đã xuống cấp. "Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện, tỉnh tại các kỳ tiếp xúc cử tri, với mong muốn sớm được di dời về nơi tái định cư, ổn định đời sống, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo", bà Chung bày tỏ.

Nghịch lý người dân có tiền không dám sửa nhà, làm đường - 4

Đường vào thôn Thanh Sơn xuống cấp nhưng UBND huyện cũng chẳng dám đầu tư (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho biết UBND huyện đã bố trí khu tái định cư tại thôn Đồng Trình (xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân) cho 119 hộ dân thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa. Do vướng mắc một số khó khăn nên việc tái định cư của các hộ dân vẫn chưa được thực hiện.

"Nhiều năm qua, dù có ngân sách của tỉnh, huyện nhưng không thể đầu tư cơ sở hạ tầng cho thôn Thanh Sơn được vì sợ lãng phí", ông Tuất nói.

Nghịch lý người dân có tiền không dám sửa nhà, làm đường - 5

Mỗi lần trời mưa thôn Thanh Sơn bị cô lập với bên ngoài (Ảnh: Hà Văn Giới).

Ông Tuất cho biết, ngày 31/5 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa có tờ trình gửi Sở Xây dựng tỉnh này về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án Hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân thuộc dự án hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1, tỉnh Nghệ An.

Theo đó, tổng diện tích thực hiện tái định cư tại thôn Đồng Trình (xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân) cho 119 hộ dân thôn Thanh Sơn là hơn 14ha. Với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng (chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 191 tỷ đồng).

Nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Thời gian thực hiện trong 2 năm (2024-2025).

Công trình Hồ thủy lợi Bản Mồng (xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt năm 2009 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tổng mức đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh là 5.318 tỉ đồng.

Đây là công trình thủy nông lớn nhất Nghệ An, sức chứa 225 triệu m3 nước. Khi đi vào hoạt động, công trình sẽ phục vụ tưới tiêu cho gần 20.000ha đất nông nghiệp ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa và 3 xã của huyện Anh Sơn; cấp nước về sông Cả vào mùa hạn với lưu lượng 23m3/s; cắt giảm lũ vào mùa mưa.

Dự án được xây dựng trên dòng sông Hiếu, lòng hồ rộng 25km2, chủ yếu nằm tại địa bàn huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn (Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân (Thanh Hóa).