Nghịch lý “bỏ nhà xuống phá”
(Dân trí) - Trong khi hàng nghìn hộ dân vạn chài Thừa Thiên - Huế đang mong mỏi một ngôi nhà để an cư trong mùa mưa lũ thì nhiều hộ dân làng chài Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Điền) lại bỏ nhà xuống phá Tam Giang trở lại với cuộc sống vạn đò.
Có nhà là mừng, nhưng…
Công trình cụm nhà định cư Làng chài xã Quảng Lợi được xây dựng năm 2003, với nguồn vốn tài trợ của tổ chức CRS (Luxembourg) và vốn đối ứng của người dân. Đầu năm 2004, 40 căn nhà với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng đã hoàn thành, mở ra một ngôi làng định cư ngay ven phá Tam Giang cho những người dân chài thủy diện.
Để có được căn nhà mơ ước, những người ngư dân nghèo thôn Ngư Mỹ Thạnh đã trút hết vốn liếng trong nhà và vay mượn thêm để tôn nền, xây nhà vệ sinh đúng quy cách, người ít cũng hết chục triệu đồng, người nhiều phải 20 triệu. Mới nhìn qua, ngôi làng rất đẹp với các dãy nhà được quy hoạch thẳng hàng ngang lối, với hệ thống giếng khoan tay cung cấp nước ngọt “tận răng”.
Hiểu tập quán của ngư dân, BQL dự án và chính quyền địa phương đã chọn mảnh đất ngay kề mặt nước phá Tam Giang để giúp họ duy trì nghề cá, vốn là nghiệp gia truyền và duy nhất của người dân nơi đây. Những tưởng cuộc sống sẽ đổi thay đối với 40 hộ nghèo của thôn Ngư Mỹ Thạnh, nhưng sống được một thời gian thì các vấn đề bắt đầu nảy sinh.
nhưng nước nhiễm phèn chỉ dùng để tắm rửa (Ảnh: H.K).
Hệ thống giếng khoan bơm tay 100% vốn ngân sách do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường đầu tư cho từng nhà hiện chỉ còn 2 cái hoạt động, một số ít khác người dân bỏ bơm tay, lắp mô-tơ bơm phục vụ giặt giũ, tắm rửa. Nước uống, nấu nướng vẫn phải mua bởi “nước sạch” từ giếng khoan nhiễm phèn nặng, vàng nhợt và bốc mùi hôi. Thậm chí, giặt quần áo vài lần thì bộ quần áo cũng ngả vàng. Nhiều hộ dân trong làng vẫn phải cắn răng uống nước này vì không có tiền mua nước uống đóng chai.
Nhưng nước chưa phải là nỗi lo lớn nhất. Do nằm ngay ven phá, nền nhà lại thấp nên cứ đến mùa mưa là nước ùa vào nhà. Anh X. chỉ lên tường nhà cho chúng tôi thấy từng đường lằn màu vàng chạy dọc thân tường, cho biết đó là mực nước của các năm. Mực thấp nhất cũng cách nền nhà 50-70 cm, còn mực cao nhất đến 1m, ngập đầu hai đứa con nhỏ của anh.
Một người hàng xóm của anh X. cho biết: “Chúng tôi không đủ điều kiện làm gác xép, nên mấy món đồ trong nhà cứ đến mùa mưa là vợ chồng lại phải bồng bế đi gửi, còn người thì phải xuống đò hoặc đi sống nhờ nhà bà con”. Cứ sau lũ là bùn đất bám đầy nhà, người dân lại lo dọn dẹp bùn đất, quay lại sống rồi lại… chạy khi đợt lũ khác về.
Đợt mưa cuối tháng 8 năm nay, tuy chỉ có 2 ngày nhưng những căn nhà sát bờ phá nước đã ngấp nghé ở hiên, khiến người dân lo nơm nớp.
Trở về với “mẹ” Tam Giang
“Hiện mới có 25/40 hộ được cấp “sổ đỏ”, số còn lại đã có rồi nhưng chưa nộp tiền đối ứng nên chưa thể giao cho họ được” - ông Lê Văn Thiên, cán bộ địa chính xã Quảng Lợi - cho biết. Nhưng thực tế, khoảng 10 hộ trong làng đã bỏ hoang nhà cửa trở lại sống trên đò vì gặp quá nhiều khó khăn cũng như không chịu được cảnh phải liên tục chạy lũ.
Những căn nhà đó hiện đã bỏ hoang, đóng cửa im ỉm hoặc thậm chí không có cửa ngõ, cỏ dại và rêu mốc đua nhau mọc ngay giữa nhà. Hầu hết các gia đình phải bỏ đi này đều có nhà nằm ngay mép nước, nên mức độ ngập nghiêm trọng hơn các hộ còn bám trụ.
Mùa lũ, những gia đình bám trụ trong làng cũng phải đi sơ tán
(Ảnh: H.K).
Ông Thiên cho biết: Xã có nắm được tình trạng người dân bỏ hoang nhà để xuống đò sống và làm ăn. Xã đã tích cực vận động và bắt họ làm biên bản cam kết trở lại nhà nhưng không thể, do các hộ này lấy lý do khó khăn và bất tiện.
“Quảng Điền là vùng thấp, làng Ngư Mỹ Thạnh lại nằm ngay ven phá nên mùa mưa lũ nước dâng lên rất nhanh. Chỉ có cách tôn nền thật cao mới hạn chế được tình trạng nước lũ vào nhà” - ông Thiên nói. Ông cũng cho rằng, thiết kế của Công ty xây lắp Thừa Thiên - Huế (đơn vị thi công) là bất hợp lý do nền nhà quá thấp (chỉ cách mặt đất chừng 20 cm - PV). Theo thống kê của xã, mùa lũ năm 2007 xã đã phải di dân 4 đợt, năm 2006 cũng 2 lần sơ tán và trong các đợt này làng chài bao giờ cũng “chạy” đầu tiên.
Trước thời điểm thi công, xã đã có góp ý nhưng công ty này không chấp nhận. Một số người dân cũng có ý góp tiền để tôn nền nhưng không thuyết phục được công ty do “thiết kế đồng bộ bắt buộc”!
Những người bỏ đi và những người ở lại đều có một đặc điểm chung: nợ. Số nợ này xuất phát từ khoản vay để làm nền, xây công trình phụ ban đầu. Khoản nợ chỉ dao động trên dưới 10 triệu đồng, nhưng đối với những người dân quanh năm theo đuôi con cá thì không dễ gì trả đủ. Theo quan sát của PV, nhiều gia đình hiện khu vệ sinh vẫn đang xây dở nhưng không thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Như vậy, sau gần 5 năm thành lập, ngôi làng định cư Ngư Mỹ Thạnh vẫn chưa được “phủ kín”. Người đi, người ở đều khổ khi mà cuộc sống bấp bênh chưa buông tha và món nợ định cư vẫn khiến họ ăn ngủ không yên.
Hồng Kỹ