Kỷ niệm 61 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7:
Nghĩa trang Trường Sơn và ký ức tháng bảy
(Dân trí) - Tháng bảy - đường về nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị) nhộn nhịp và đông đúc hơn bao giờ hết. Người người về đây, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh những người đã khuất, những liệt sĩ đã yên nghỉ vì Tổ quốc.
Mặt trời bắt đầu nhô cao, nghĩa trang Trường Sơn như những chùm “hoa nắng” rực rỡ toả rạng giữa bạt ngàn nắng gió. Phía trước mặt, hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, thẳng hàng trải dài trên đồi núi mênh mông. Nhìn từ xa, nghĩa trang Trường Sơn trông giống như tấm thảm trắng ngời in trên đồi nóng bỏng, nên không ít du khách về đây thường hay ví von “hoa nắng Trường Sơn” là vậy.
Hoa nắng Trường Sơn
Chiếc xe ca chở đoàn khách hơn 30 người của trường Đại học Y Hà Nội đến thăm nghĩa trang Trường Sơn trong một ngày tháng 7 đầy ký ức sôi nổi. Xe dừng lại ngay dưới chân nghĩa trang, tất cả mọi người xuống xe, tay cầm túi hoa quả và nén nhang thơm, từ từ tiến vào khu mộ mà từ lâu họ vẫn hằng ước ao được một lần về thăm.
Mới hơn bảy giờ sáng, cái nắng tháng 7 miền Trung đã nóng ran bỏng cả gan bàn chân. Ông Đặng Minh Thành, quê Thái Bình, một cán bộ Cục đo lường Việt Nam, vẫn thả bộ trên đồi sỏi của nghĩa trang Trường Sơn, như chờ được gặp lại bao gương mặt, nghe lại bao giọng nói thân thương của các anh, những đồng đội của ông đã ra đi mãi mãi.
Ông Thành tâm sự: “Tôi là lính của Sư đoàn 320 nổi tiếng một thời chống Mỹ. Năm 1970 là cựu sinh viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó khi chiến tranh leo thang ác liệt ra miền Bắc, cũng như bao sinh viên khác, tôi tình nguyện tham gia xung phong nhập ngũ và được đi B”. Cũng chính tại nơi này không biết bao nhiêu trận đánh ác liệt giữa ta và địch đã diễn ra, bao nhiêu chiến sĩ, đồng đội của ông đã ngã xuống. “Nào là Vĩnh Linh những bông hoa trên tuyến lửa, rồi Khe Sanh, cho đến đường 9 Nam Lào... Nơi đây không ngày nào mà không diễn ra những trận đánh ác liệt”, ông Thành nghẹn ngào nhớ lại quá khứ.
Men theo đường mòn, chúng tôi cùng đoàn khách thập phương tiến vào khu B nghĩa trang Trường Sơn. Tại đây, mới sáng sớm nhưng đã rất đông du khách, thân nhân liệt sỹ về đây thăm viếng, dâng hương cho các liệt sĩ.
Ông Thành Trung, quê Thừa Thiên Huế, một nhiếp ảnh gia nghiệp dư thường chụp ảnh cho khách, buột miệng nói như khẳng định: “Đến nghĩa trang Trường Sơn, tôi thấy như được gặp lại hình ảnh những Kinh Kha một đi… chẳng trở về. Hình ảnh đó không phải nơi nào cũng có…”.
“Xin gửi về anh, một nén hương lòng”
Anh Phong nhân viên quản trang cho biết: “Phần đông du khách đến đây mong tìm lại những ký ức của mình, của người thân - ký ức về một thời oanh liệt. Đối với họ đó như là một nghi lễ không thể thiếu trong cuộc đời của mình được. Ngoài ra, con cháu của các liệt sĩ cũng thường xuyên về đây thắp nén nhang thơm cho cha, ông họ”.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết anh Phong đã tốt nghiệp đại học loại khá, vì lòng thành kính với những người đã hy sinh cho Tổ quốc, anh tình nguyện xin về Ban quản lý nghĩa trang Trường Sơn công tác.
Ở lại nghĩa trang hôm ấy, chúng tôi được thấy những cháu nhỏ theo cha mẹ tới đây, tung tăng đi thắp hương cho từng hàng mộ; gặp những người đã già, trầm ngâm hàng giờ tưởng nhớ người đã khuất… Một vị khách trung niên trầm ngâm trên ghế đá, ánh mắt như hướng về cõi hư vô. Ông kể: “Tôi là cán bộ quân y, năm nào cũng dành chút thời gian ít ỏi về thăm lại chiến trường xưa, thăm lại những đồng đội đã ngã xuống cho đất nước thanh bình, như để tự nhắc nhở mình phải biết ơn các anh, những người đã đóng góp những chiến công oanh liệt và thầm lặng”.
Chúng tôi còn gặp hai người phụ nữ trẻ, là giáo viên trường Đại học Y Hà Nội, đưa cả con nhỏ vào thăm nghĩa trang. Các chị tâm sự: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao lớp con cháu sau này không được phép lãng quên lịch sử, lãng quên các anh hùng liệt sĩ và hướng cho các cháu biết công ơn công sức của cha ông”.
Anh Nguyễn Bá Anh có thâm niên hơn 27 năm công tác tại Ban quản lý nghĩa trang Trường Sơn kể: “Cứ đến tháng 7 hàng năm, nghĩa trang lại tất bật đón tiếp du khách và thân nhân liệt sĩ về đây thăm viếng”.
Ban quản lý nghĩa trang đã chứng kiến bao nỗi lòng, tâm sự và cả sự chia sẻ biết ơn của khách, vì thế, dù khó nhọc nhưng tất cả hơn 20 cán bộ nhân viên ở đây đều rất đỗi tự hào về công việc của mình. Đáng mừng hơn, nghĩa trang Trường Sơn không chỉ còn là điểm đến của các du khách trong nước mà còn đón rất đông du khách nước ngoài.
Anh Phong kể, năm ngoái có đoàn du khách người Mỹ đến đây thăm viếng, họ đi khắp khu nghĩa trang liệt sĩ, có người còn ngồi bên mộ chí liệt sĩ cả ngày mà như không muốn về…
Minh San - Hoài Lương