Nghi vấn “lùm xùm” tuyển phi công: Cục Hàng không nói gì?

(Dân trí) - Cục Hàng không Việt Nam khẳng định độc lập với hoạt động của các hãng hàng không khi tuyển chọn và huấn luyện phi công. Cơ quan này phê chuẩn chất lượng đào tạo của phi công trên cơ sở phê chuẩn đầu ra của nhà chức trách quốc gia công nhận bằng chứng chỉ đào tạo.

Thông tin nói trên được Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT), để trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.

Không có chuyện phê chuẩn bừa bãi?

Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, kể từ khi thực hiện xã hội hoá (năm 2013), bất kỳ đối tượng nào đủ tiền đóng theo danh sách các trường do Vietnam Airlines chọn, Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn là có thể đi học.

Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, đa số các trường dạy bay là các trường nhỏ lẻ, ít tên tuổi tại Mỹ, với chi phí học thấp nên chất lượng giảng dạy cũng thấp theo. Trường học viên phi công rất kém chỉ cần đóng tiền là có thể thi qua môn học và được ghi là đã đủ giờ bay. Thậm chí, có hiện tượng ra giá 20.000 - 25.000 USD cho 1 lần phỏng vấn tuyển dụng đầu vào của Vietnam Airlines.

Lên tiếng về vấn đề nói trên, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - khẳng định, Cục xem xét đầu ra của các ứng viên dựa trên hồ sơ bằng cấp, huấn luyện trong quá trình học ở nước ngoài và các bằng cấp, chứng chỉ được nhà chức trách nơi các học viên làm cơ sở để công nhận bằng lái tàu bay.

“Cục Hàng không tổ chức đánh giá, công nhận các trường đào tạo người lái tàu bay đã được các Cục Hàng không của các quốc gia phê chuẩn (Hoa Kỳ, Newzealand, Úc và châu Âu). Cục tập trung vào phê chuẩn chất lượng đào tạo của phi công và trên cơ sở phê chuẩn đầu ra của các nhà chức trách quốc gia Hoa Kỳ, Newzealand, Úc và châu Âu công nhận bằng chứng chỉ đào tạo.” - ông Cường cho biết.

Theo Phó cục trưởng Cục Hàng không, bất kể đầu vào huấn luyện như thế nào, đầu ra huấn luyện của phi công dựa trên 2 điều kiện chính: Thứ nhất, tổ chức huấn luyện được phê chuẩn bởi quốc gia thành viên Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) và được Cục Hàng không Việt Nam đánh giá tuân thủ các quy định của Việt Nam về tổ chức huấn luyện phi công. Thứ hai, cá nhân người lái tàu bay phải được Cục Hàng không của quốc gia tổ chức huấn luyện như Cục Hàng không Liên bang Mỹ, Cục Hàng không Úc… tổ chức kiểm tra, đánh giá để cấp Bằng người lái tàu bay.

Một trong những nội dung của hoạt động đào tạo, huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện bay của Vietnam Airlines
Một trong những nội dung của hoạt động đào tạo, huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện bay của Vietnam Airlines

“Việc huấn luyện, đào tạo và công nhận bằng phi công do các quốc gia thành viên ICAO là thực tiễn đang áp dụng hiện nay và đã đảm bảo nguồn đầu vào của các phi công về Việt Nam sau khi học tại nước ngoài. Sau khi được đào tạo và có Bằng lái tàu bay, các phi công cơ bản được huấn luyện chuyển loại các loại tàu bay.” - Phó cục trưởng Cục Hàng không thông tin.

Cục Hàng không đảm bảo chất lượng phi công

Lãnh đạo Cục Hàng không cũng cho biết, để đảm bảo chất lượng, các tổ chức huấn luyện loại tàu bay đều được Cục Hàng không phê chuẩn theo tiêu chuẩn của ICAO, các nhà sản xuất tàu bay và Bộ Quy chuẩn an toàn hàng không.

“Việc hoàn thành các nội dung huấn luyện là bắt buộc và do đó tùy vào nỗ lực của các học viên có thể có thời gian huấn luyện khác nhau. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam có các tiêu chuẩn và đánh giá để đảm bảo đầu ra của các phi công đáp ứng theo yêu cầu của ICAO, Bộ Quy chuẩn an toàn hàng không.” - ông Cường nói.

Đối với những tồn tại trong quá trình huấn luyện phi công, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng cần có thời gian để xác minh, đánh giá do đây là hoạt động của các hãng hàng không. Tuy nhiên, Cục Hàng không khẳng định cơ quan này hoàn toàn độc lập với hoạt động của các hãng hàng không khi tuyển chọn, lựa chọn và huấn luyện người lái tàu bay. Cục Hàng không có hệ thống quy trình đánh giá hoàn toàn độc lập và khách quan,

Thiết bị mô phỏng buồng lái cho dòng máy bay A320/321 đang được Vietnam Airlines sử dụng để đào tạo chuyển loại phi công
Thiết bị mô phỏng buồng lái cho dòng máy bay A320/321 đang được Vietnam Airlines sử dụng để đào tạo chuyển loại phi công

“Cục Hàng không đảm bảo tất cả phi công được cấp bằng phải chịu đánh giá của Cục Hàng không trước khi được cấp bằng và cho phép hoạt động khai thác. Các tồn tại do Đại biểu nêu ra không ảnh hưởng tới quá trình đánh giá độc lập, khách quan và chất lượng của Cục Hàng không Việt Nam đối với các phi công trước khi được cấp bằng và cho phép hoạt động khai thác.” - Phó cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường cho biết.

Châu Như Quỳnh