Hà Nội:

Nghi vấn “bảo kê” lò gạch: Sẽ phá toàn bộ lò gạch ở Sóc Sơn

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, toàn bộ 57 lò gạch đang hoạt động trên địa bàn huyện đều là công trình xây dựng không phép. Theo kế hoạch đến tháng 10/2016, huyện Sóc Sơn sẽ xóa bỏ toàn bộ lò gạch này.

Ngày 15/3, theo khảo sát của phóng viên Dân trí, tại các xã của huyện Sóc Sơn (Hà Nội) giáp với tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh có hàng chục lò gạch đang nhả khói nghi ngút lên trời. Một số lò gạch gần khu dân cư, thậm chí chỉ cách trường học vài trăm mét.

Ông Nguyễn Quang Huy, Thường trực HĐND huyện Sóc Sơn cho biết, cử tri trên địa bàn đã nhiều lần kiến nghị xóa bỏ triệt để các lò gạch làm theo công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường. “Phải nói thật, qua mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ lò gạch kêu rất nhiều. Khói lò gạch có khi còn chết cả cây cối, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”, ông Huy cho hay.

Huyện Sóc Sơn sẽ xóa bộ toàn bộ lò gạch úp vung trong tháng 10/2016
Huyện Sóc Sơn sẽ xóa bộ toàn bộ lò gạch úp vung trong tháng 10/2016

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn cho biết, lò gạch trên địa bàn huyện chủ yếu ở các xã vùng sâu như Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Tân Minh, Bắc Phú. “Các lò gạch hoạt động trên địa bàn là do lịch sử để lại. Người dân ở những vùng này làm lò gạch để tận dụng đất và nhân lực của địa phương”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng đến năm 2013, khi có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, huyện Sóc Sơn đã xóa bỏ 524 lò gạch thủ công. Tuy nhiên, trong quá hành xóa bỏ các lò gạch thủ công, một số trường hợp người dân lại tự chuyển đổi, tự ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp dây truyền công nghệ lò gạch úp vung có cột khói cao trên 20m.

“Lò gạch úp vung đưa khói lên cao không nằm trong danh mục bị phá dỡ. Vì vậy, thời điểm đó chúng tôi không phá dỡ được”, ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn giải thích.

Du vậy, ông Thắng cho biết, lãnh đạo huyện Sóc Sơn vẫn đặt quyết tâm tâm xóa bỏ tất cả các lò gạch theo công nghệ lạc hậu, chuyển sang sản xuất gạch ép, hấp theo lộ trình. Dựa trên hướng dẫn của Sở Xây dựng, cho phép lò gạch úp vung tồn tại đến hết năm 2016, UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo cho phép tồn tại đến hết tháng 10/2016.

Theo ông Thắng tất cả 57 lò gạch hoạt động trên địa bàn huyện Sóc Sơn đều là công trình xây dựng không phép. “Lò gạch là loại hình kinh doanh có điều kiện vừa phải cấp phép xây dựng vừa phải có giấy kinh doanh. Lò gạch úp vung có cột khói cao trên 20m, nên thẩm quyền cấp phép xây dựng những lò gạch này thuộc Sở Xây dựng”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho biết, trên địa bàn vẫn còn một số cá nhân manh nha xây dựng lò gạch mới. Cuối năm 2015, lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã phát hiện các đối tượng có ý định xây dựng 2 lò gạch mới. Theo ông Thắng khi nắm bắt được tình hình, lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã xuống địa bàn ngăn chặn kịp thời.

Ngày 14/3, Sở Xây dựng Hà Nội tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Đinh Hoàng Minh (chuyên viên thanh tra) do nghi dính líu tiêu cực trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Cùng ngày, ông Võ Nguyên Phong – Phó Giám đố Sở Xây dựng cũng có văn bản yêu cầu đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, làm rõ vụ việc và kiên quyết xử lý cán bộ nếu có vi phạm.

Quang Phong