Hà Tĩnh:
Nghi ngờ lợn bị dịch bệnh, dân bao vây lò mổ
(Dân trí) - Phát hiện 2 con lợn đang khỏe mạnh sau khi được đưa vào lò mổ để giết thịt bỗng dưng có dấu hiệu của bệnh lở mồm long móng, hàng chục người dân vây kín lò mổ yêu cầu làm rõ.
Sáng 16/3, hàng chục người dân, tiểu thương ở 2 xã Hương Thủy và Gia Phố (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã kéo nhau đến vây kín lò mổ gia súc tập trung đóng trên địa bàn xã Gia Phố để yêu cầu làm rõ việc lợn đưa vào lò mổ có nghi vấn mắc bệnh.
Anh Lưu Tuấn Anh (40 tuổi, trú xã Hương Thủy) cho biết, vào ngày 14/3 anh đưa vào lò mổ 5 con lợn, trong 2 ngày anh làm hết 4 con. Đến sáng ngày 16/4, anh tới để làm thịt con lợn còn lại thì thấy lợn có những biểu hiện không bình thường.
“Bốn chân của con lợn bị đi cà nhắc không đứng vững, móng thì bị đen. Tôi nghi ngờ lợn đã mắc bệnh lở mồm long móng”, anh Anh cho biết.
Cũng theo anh Anh, lúc đưa vào lò mổ lợn vẫn bình thường, không có dấu hiệu mắc bệnh, được thú y đóng dấu kiểm dịch cho giết mổ.
Tương tự, anh Phạm Định Ánh (trú tại thị trấn Hương Khê) cũng phát hiện một con lợn sau khi đưa vào lò mổ Gia Phố thì có dấu hiệu mắc bệnh lở mồm long móng.
Một trong 2 con lợn nghi bị mắc bệnh lở mồm long móng
“Tôi mua 3 con lợn từ Công ty Chăn nuôi Cổ phần Việt Nam, đóng tại huyện Nam Đàn (Nghệ An). Tôi đưa vào lò mổ ngày 14/3. Mỗi ngày làm thịt một con. Đến ngày 16/3 thì phát hiện con lợn còn lại không đi được. Lúc mua lợn thì đều có giấy thông báo về việc tiêm phòng và có dấu kiểm dịch của thú y. Nhưng sau khi đưa vào lò mổ để chờ làm thịt thì lợn có dấu hiệu mắc bệnh”, anh Ánh cho biết thêm.
Còn ông Võ Tá Hà (trú tại xã Hương Thủy) cho biết, vào khoảng tháng 9/2017, lò giết mổ Gia Phố cũng từng xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng nhưng cán bộ thú y và chủ lò mổ dấu dịch bệnh. Khi người dân phát hiện mới mang đi tiêu hủy phía sau khu giết mổ.
Ông Lê Đình Nam, chủ lò giết mổ tập trung xã Gia Phố cho biết ngay khi người dân phản ánh việc tái phát dịch lở mồm long móng tôi đã báo cáo lên thú y huyện và chính quyền về kiểm tra.
“Hiện tại lò mổ có 23 con gia súc nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu gì khác lạ hay dịch bệnh. Chỉ có 2 con lợn mẹ trong chuồng không đi được là do vận chuyển”, ông Nam phân trần.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Kim Đồng, cán bộ thú y huyện Hương Khê cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh chúng tôi đã xuống đã lấy mẫu bệnh phẩm để đi kiểm tra và cặp nhiệt độ nhưng chưa phát hiện dấu hiệu bất thường. Một hai con không đi đứng bình thường có thể do trong quá trình vận chuyển bị ngã”.
Xuân Sinh