Nghị lực phi thường của người đàn ông cao... 60cm
(Dân trí) - Chỉ cao 60cm, đôi mắt bị mù, chân tay teo tóp, hơn 30 năm nằm liệt giường, nhưng anh Trịnh Thanh Sơn vẫn làm trang trại chăn nuôi, mở lò ấp trứng. Nghị lực vượt lên số phận của người đàn ông “đặc biệt” này khiến nhiều người khâm phục.
Nỗi đau chồng nỗi đau
Về xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, hỏi anh Sơn làm trang trại gà không ai là không biết. Một người hàng xóm dẫn đường cho chúng tôi khoe: “Các chú mua gà hay đưa trứng đến ấp ở nhà chú Sơn thì yên tâm rồi, chú ấy làm chất lượng lắm. Không chỉ người dân ở đây mà có cả người ở huyện khác rồi ngoài tỉnh Ninh Bình cũng vào đây mua. Bị khuyết tật nhưng chú ấy làm kinh tế giỏi lắm”.
Trong căn nhà ba gian rộng rãi, mới đến, không ai có thể tin rằng đây là ngôi nhà của một người tật nguyền, quanh năm chỉ nằm một chỗ. Chủ căn nhà là anh Trịnh Thanh Sơn, năm nay đã 46 tuổi nhưng nhìn anh như đứa trẻ lên 7. Thân hình nhỏ, gầy còm, tay chân teo tóp, bị liệt, đôi mắt mù lòa, cả cơ thể cao chưa đầy 1m.
Số phận quá nghiệt ngã khiến anh trải qua những tháng ngày khổ cực. Nỗi đau này chưa qua thì nỗi đau khác lại tới, anh chưa được một ngày sống bình yên.
Khi mới sinh ra được hơn 1 tuổi thì mẹ đẻ bỏ đi, một gia đình trong làng thương xót đã nhận anh về nuôi. Đến khi lên 10 tuổi, bố nuôi anh vì mắc bệnh hiểm nghèo mà qua đời. Từ đây, cuộc đời anh bắt đầu với những ngày tháng khó khăn nhất khi anh gặp phải chứng bệnh lạ.
Anh Sơn kể: “Lúc bắt đầu bị bệnh, khi đó tôi mới 10 tuổi. Trong một buổi chiều đi làm đồng giúp mẹ thì tự nhiên thấy toàn thân bị đau nhức, người mệt mỏi, đau như cứ có kim châm. Bệnh dần thấy nặng nhiều hơn khi các khớp ở đầu gối, ngón chân, ngón tay sưng tấy lên khiến tôi không thể đi lại được rồi chỉ nằm một chỗ. Gia đình chỉ có hai mẹ con, nhà lại nghèo nên không có tiền đi bệnh viện. Đến lúc tôi chịu không nổi phải nằm gục thì mẹ và anh em họ hàng mới đưa đi bệnh viện. Bác sĩ nói tôi bị viêm đa khớp nặng không thể chữa khỏi nên sau này không thể đi lại được”.
Sau bao nhiêu ngày gia đình cố gắng đưa anh đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh không khỏi được. Căn bệnh ngày càng nặng làm tay chân anh teo tóp, co quắp lại. Chỉ trong một thời gian ngắn, cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn khỏe mạnh ngày nào giờ bỗng thành một đứa trẻ, không thể đi lại được và chỉ nằm bất động một chỗ. Cuộc sống thực vật khiến Sơn chỉ còn biết dựa vào tình thương yêu của mẹ nuôi.
Nằm liệt một chỗ, hàng ngày mẹ nuôi của anh là bà Đồng Thị Xuyên phải lo cơm nước, tắm rửa, vệ sinh... Thời gian cứ trôi qua, hai mẹ con sống với nhau bằng lòng thương yêu và sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Đến năm 1996 anh lại bị viêm giác mạc, không nhìn thấy gì và phải sống trong cảnh bóng tối cho đến nay.
Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2012, người thân duy nhất là mẹ nuôi của anh mắc bệnh ung thư phổi rồi cũng bỏ anh mà đi mãi. Trong căn nhà trống vắng, lạnh lẽo, chỉ còn lại một mình Sơn nằm im trên giường với nỗi tuyệt vọng. Cuộc sống của Sơn lúc này phải nhờ hoàn toàn vào sự giúp đỡ của bà con làng xóm.
Nghị lực phi thường của người đàn ông tật nguyền
Mặc dù bị bệnh, phải nằm liệt một chỗ nhưng anh Sơn rất thông minh và có một trí nhớ hơn người. Không đầu hàng trước số phận, anh luôn tìm mọi cách để làm sao không phải sống phụ thuộc vào người khác.
Năm 2002, khi mẹ nuôi còn sống, anh bàn với mẹ đi vay mượn anh em, họ hàng, bà con làng xóm ít tiền để anh kinh doanh. Có được số tiền ít ỏi, hai mẹ con mở một quán bán nước nhỏ trong xóm ngay trên mảnh đất nhà mình. Tất cả vốn liếng chỉ có hơn 3 trăm nghìn nên chỉ bán nước, bánh kẹo, chè khô thuốc lào…
Nằm bán hàng nghe đài thường xuyên nên anh Sơn biết được nhiều về những tấm gương làm trang trại chăn nuôi giỏi. Đến năm 2006, anh quyết định chuyển qua làm trang trại chăn nuôi gia cầm. Không chỉ mẹ nuôi mà anh em bạn bè, hàng xóm đều can ngăn. Nhưng anh vẫn quyết tâm phải làm trang trại cho bằng được.
Chưa biết quyết định này của anh rồi sẽ đi đến đâu, nhưng vì thấy con quyết tâm nên mẹ anh cũng đành chấp thuận chiều theo con. Những ngày sau đó, anh nhờ mẹ bế sang nhà bác họ để học cách chăn nuôi gà và cách ấp trứng gia cầm bằng công nghệ lò ấp. Hơn 3 tháng ròng rã, chàng trai tật nguyền chỉ nằm trên giường để nghe bác giảng giải kỹ thuật chăn nuôi gà và vận hành lò ấp trứng.
Anh Sơn nhớ từng chi tiết và từng công đoạn, sau thời gian được học cách làm lò ấp và chăn nuôi, về nhà anh động viên anh em, họ hàng cùng chung vốn để góp tiền mua lò ấp trứng và chăn nuôi gà, ngan. Trứng gà đẻ ra, anh cho ấp ra gà con để bán.
Đến nay, trang trại của anh Sơn có 110 gà mái đẻ, 40 con gà gô, hàng trăm con gà thịt cho năng suất cao, một lò ấp trứng hiện đại. Bên canh đó anh Sơn còn đầu tư nuôi thêm chó. Một lò ấp trứng hoạt động thường xuyên, mỗi lần ấp được trên 5.000 quả trứng, không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn ấp thuê cho bà con nhân dân trong làng ngoài xã. Từ mô hình này, mỗi năm anh Sơn thu nhập trên 50 triệu đồng tiền lãi.
“Tôi thì có thể làm được gì, tất cả công việc đều nhờ người làm hết. Mang tiếng là chủ trang trại nhưng đã khi nào được nhìn thấy vật nuôi của mình, được tận tay chăm sóc chúng đâu. Tôi nằm một chỗ rồi hướng dẫn cho mẹ, người làm cách chăm sóc gà đẻ, gà thịt, cách phòng chống bệnh gia cầm rồi lượng thức ăn pha chế. Điều hành lò ấp làm sao cho nhiệt độ đúng thì gà mới nở được. Cứ làm theo như thế thì có kết quả thôi”, anh Sơn cho biết.
Ông Ngô Đăng Khoa, Phó chủ tịch UBND xã Nga Lĩnh cho biết: “Hoàn cảnh anh Sơn vô cùng đặc biệt, sớm mồ côi cha mẹ, cơ thể tàn tật. Chính quyền cũng thường cử người tới động viên anh ấy, giúp chăm lo việc nhà. Bị tật nguyền nhưng anh có một nghị lực phi thường mà ít ai có được. Nằm một chỗ làm chủ cả trang trại lớn mỗi năm cho thu nhập cao, còn tạo điều kiện cho nhân công làm thuê kiếm thêm thu nhập nữa”.
“Cái khó mà anh Sơn gặp phải bây giờ là về nguồn vốn để mở rộng trang trại chăn nuôi. Địa phương đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ nhưng ngân hàng không giải ngân vốn vì cho rằng anh bị bệnh tật nên không đủ hành vi năng lực dân sự, và những điều kiện để vay vốn”, ông Khoa cho biết thêm.
Thái Bá - Duy Tuyên