1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Nghị lực của người vợ bệnh binh có 5 con nhiễm chất độc da cam

(Dân trí) - Một mình phải chăm sóc chồng bệnh binh, 5 người con bị nhiễm chất độc da cam - nỗi đau ấy tưởng chừng quật ngã bà. Nhưng bằng tình yêu của một người vợ, tình thương của người mẹ, một mình bà đã gồng gánh cả gia đình trên vai.

Trong căn nhà khang trang do chính bản thân bươn chải bằng đôi bàn tay cần mẫn, tảo tần luôn ẩn chứa nỗi buồn, vắng ngắt tiếng cười… Chiến tranh kết thúc bao nhiêu năm, nhưng bà vẫn không được hưởng niềm vui trọn vẹn hạnh phúc khi mà trớ trêu thay, những người con sinh ra đều bị nhiễm chất độc da cam, di chứng từ người cha sang. Một mình bà vừa phải chăm sóc chồng con, vừa phải xây dựng kinh tế để gia đình nhỏ ấy vượt qua gian truân của cuộc sống… Người phụ nữ ấy là Bùi Thị Cúc (SN 1954), ở thôn 2, xã Yên Phong, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Cuộc sống với bà Cúc chưa bao giờ bình lặng, nhưng cũng chưa bao giờ bà đầu hàng số phận.
Cuộc sống với bà Cúc chưa bao giờ bình lặng, nhưng cũng chưa bao giờ bà đầu hàng số phận.

Năm 1977, bà Cúc kết hôn cùng với ông Trịnh Xuân Nguyên (SN 1948). Bản thân ông Nguyên là bộ đội hơn 20 năm trong quân ngũ, từng vào sinh ra tử tại các chiến trường khốc liệt nhất. Xuất ngũ trở về quê, ông không ngờ bản thân đã nhiễm chất độc hóa học da cam - điôxin từ lúc nào không hay. Rồi nỗi đau ấy một ngày một hằn sâu khi những đứa con của ông bà cũng bị di chứng điôxin.

Ông Nguyên nhớ lại: “Ký ức về cuộc chiến tranh vẫn in hằn trong tâm trí tôi. Tôi đã nhiều lần “chết đi sống lại” sau những trận càn quét của địch. Nghĩ rằng, không có gì mất mát, đau thương hơn chiến tranh nhưng tôi đã nhầm vì… nỗi đau ấy còn gieo khổ đau cho cả thế hệ con cháu mình”.

Sinh được 5 người con, thì người nào cũng mắc hết bệnh này đến bệnh khác do di chứng chất độc da cam, từ đứa con gái đầu mắc bệnh tim bẩm sinh, hở van hai lá, đứa thứ 2 thị lực yếu. Con gái thứ 3 cũng mắc bệnh tim. Con thứ 4 bị thoái hóa sắc tố võng mạc. Niềm hi vọng mong manh cuối cùng là con út cũng tan thành mây khói vì bị thiểu năng trí tuệ và câm bẩm sinh.

Ông Nguyên là bệnh binh 2/3, nên không phụ giúp gì được cho vợ. Hầu hết mọi gánh nặng trong gia đình đều dồn lên đôi vai của bà Cúc. Từ công việc ruộng vườn, đồng áng, đến cơm nước, quần áo, chăm sóc con cái đều do đôi bàn tay bà gánh vác, lo toan.

Một mình bà gồng gánh cả gia đình bệnh tật trên vai.
Một mình bà gồng gánh cả gia đình "bệnh tật" trên vai.

Mặc dù cuộc sống với bà chưa bao giờ bình lặng, nhưng cũng không vì thế mà bà buông xuôi. Trong tâm niệm, bà Cúc luôn nghĩ rằng, từng thành viên trong gia đình là những nốt nhạc buồn, thăng trầm. Chiến tranh đã lấy đi những gì tốt đẹp nhất mà con người có quyền được hưởng là được ngắm nhìn những đứa con ngày một lớn khôn, trưởng thành.

Nhiều đêm bà Cúc không sao ngủ được, trằn trọc cả đêm dài lo lắng cho cuộc sống gia đình. Suy nghĩ phải làm sao để gia đình thoát khỏi cảnh nghèo, có tiền để thuốc thang cho con cái khi chúng ốm đau đã thôi thúc mạnh mẽ nghị lực trong bà.

Bà Cúc tâm sự trong nước mắt: “Các con sinh ra kém may mắn hơn bao đứa trẻ khác, nhìn chúng nằm quằn quại, gào thét khi những cơn đau bệnh tật tái phát khiến người làm mẹ như tôi đau xót vô cùng. Thương yêu và lo lắng cho sự sống của con từng ngày, từng giờ nên phải làm lụng, chăm chỉ hơn để con không phải đói khổ, bần hàn trong cơn đau bệnh tật…”.

Nghĩ là làm, hai vợ chồng bàn bạc với nhau rồi quyết định nhận thầu 1,5 ha đất thuộc bãi tha ma Cồn Trực để canh tác, tăng gia sản xuất. Nhà chỉ có hai vợ chồng là nhân lực chính trong gia đình mà diện tích đất canh tác lại lớn. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, nên việc thầu 1,5 ha đất vô cùng khó khăn vất vả. Không nản lòng, hai vợ chồng bà Cúc lại đi học hỏi kinh nghiệm ở một số nơi. Sau đấy hai vợ chồng quyết định nơi nào đất sâu thì cấy lúa, đất cao thì trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Từ những khó khăn vất vả, một mình bà Cúc đứng ra cáng đáng cả gia đình bệnh tật. Tuy cuộc sống hiện nay không phải là dư giả, giàu có gì nhưng với bà, lo được cho gia đình đủ ăn, nhìn thấy chồng và con khỏe mạnh là niềm hạnh phúc không gì bằng.

Cuộc đời của bà Cúc khổ đau nhiều hơn niềm hạnh phúc, ngày lễ tết, bà không mong những đứa con tặng mẹ bó hoa tươi, món quà lớn nhỏ gì mà chỉ cầu mong sao các con bà khỏe mạnh, không trở bệnh là bà vui lắm rồi.

Dương Tuấn