1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghị lực của người cựu chiến binh "4 con thì 3 đứa dị tật"

(Dân trí) - “Sinh 4 đứa con thì đến 3 đứa bị tật, 2 đứa chỉ biết cười với phá, tôi nào có biết đó là do mình bị nhiễm chất độc da cam hồi ở chiến trường. Khổ cực thì không nói hết, khổ về kinh tế, khổ vì tinh thần nhưng mình phải tự đứng lên thôi”, người cựu binh mắt loang loáng nước.

Mô hình phát triển kinh tế của ông Phạm Bá Cảnh

Tiếng cưa máy, đục đẽo vẫn vang lên đều đặn trước căn nhà hai tầng vào loại khang trang nhất vùng. Cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh (SN 1953, trú xóm 2A, xã Hưng Yên Bắc, Hưng Nguyên, Nghệ An) đi lại như con thoi, chỉ đạo tốp thợ này, hướng dẫn người thợ kia hoàn thiện các sản phẩm để kịp giao cho khách hàng.

“Mấy năm nay làm không hết việc, khách ở trong huyện, ở Nghi Lộc, Nam Đàn, ở thành phố Vinh đặt hàng nhiều”, ông Cảnh nói không dấu được vẻ tự hào. Không tự hào sao được khi ngày xưa, nhà ông nghèo nhất nhì làng…

Nỗi đau người lính

Cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh - người đang mang trong mình chất độc dioxin bị nhiễm trong quá trình tham gia chiến đấu ở miền Nam
Cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh - người đang mang trong mình chất độc dioxin bị nhiễm trong quá trình tham gia chiến đấu ở miền Nam

19 tuổi, ông lên đường nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341, chinh chiến khắp các chiến trường miền Đông, Tây Ninh rồi tiến về giải phóng Sài Gòn. Năm 1976 ông ra quân, về quê lấy vợ. Khi đứa con thứ 2 đang ở trong bụng mẹ thì ông tái ngũ tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, chiến đấu ở Lạng Sơn. Năm 1980, ông Cảnh xuất ngũ.

Trong 4 người con, chỉ có Phạm Thị Xuân (SN 1977) bình thường, khỏe mạnh. 3 người con còn lại Phạm Thị Thúy (SN 1979), Phạm Bá Long (SN 1982) và Phạm Bá Phương (SN 1985) đều bị dị tật.

“Thằng Long còn đỡ, con Thúy với thằng Phương thì chỉ ăn rồi ngồi 1 chỗ, ăn uống, vệ sinh bố mẹ cũng phải phục vụ hết. Lúc đầu tôi nghĩ là vợ chồng mình không may thôi, không nghĩ là cái chất độc da cam từ hồi đi bộ đội lại làm khổ con, khổ vợ”, người cựu binh ngậm ngùi.

Vợ chồng ông Cảnh sinh 4 người con thì 3 người con bị di chứng chất độc hóa học từ bố, trong đó có 2 người không thể tự chăm sóc bản thân
Vợ chồng ông Cảnh sinh 4 người con thì 3 người con bị di chứng chất độc hóa học từ bố, trong đó có 2 người không thể tự chăm sóc bản thân

Anh Phạm Bá Long hai chân cao thấp khác nhau, sức khỏe yếu nhưng dẫu sao vẫn đi lại, học tập bình thường như các bạn cùng trang lứa. Hai chị em Phạm Thị Thúy và Phạm Bá Phương cứ mãi như hai đứa trẻ không bao giờ chịu lớn.

Chất độc da cam tàn phá cơ thể khiến hai chị em vận động khó khăn, hầu như chỉ ngồi một chỗ. Việc duy nhất chị em Thúy làm đó là cười và chửi đổng, hôm nào trở trời thì cái sự chửi càng khủng khiếp hơn, chửi vậy thôi chứ hoàn toàn không biết mình đang nói gì.

Bà Nguyễn Thị Vân (SN 1957) kéo tà áo lên quệt nước mắt hòa lẫn với mồ hôi, kể: “Hai đứa yếu lắm, không chịu ăn uống chi cả. Nó điên lên chửi suốt ngày, suốt đêm. Bố mẹ cho uống thuốc, tắm rửa, vệ sinh… có khi còn bị chúng đánh. Nhiều khi nhìn con mà thương, mà tủi cho mình.

Đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Hưng Nguyên và xã Hưng Yên Bắc thăm chị Phạm Thị Thúy - con gái ông Cảnh
Đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Hưng Nguyên và xã Hưng Yên Bắc thăm chị Phạm Thị Thúy - con gái ông Cảnh

Hồi đầu năm, thằng Phương “bỏ” bố mẹ mà đi. Thúy thì dở điên dở dại thế này... Giờ bố mẹ còn có sức mà chăm lo, nhỡ mai mốt chết đi rồi, anh chị có chịu được tính khí của nó không?”.

Phải tự mình đứng lên!

Hai vợ chồng, 4 đứa con nheo nhóc bệnh tật, nghèo đói cứ bám riết lấy gia đình ông Cảnh. Có những đêm ông không thể chợp mắt. Sao mình cứ mãi nghèo, mãi khổ thế này? Thằng Mỹ như thế mình còn đánh đuổi được không lẽ cứ phải sống chung với cái đói, cái nghèo mãi? “Phải tự mình đứng lên!”, ông nói mà như ra lệnh cho chính mình.

Ông Cảnh cùng người con trai thứ 3 bị tàn tật ở chân là lao động chính trong xưởng gỗ của gia đình
Ông Cảnh cùng người con trai thứ 3 bị tàn tật ở chân là lao động chính trong xưởng gỗ của gia đình

Ông quyết định thử sức với nghề mộc. Gọi là thử sức chứ thực sự đã biết làm đâu. Lúc đầu là sửa cái cày, cái bừa hay các vật dụng sinh hoạt đơn giản cho bà con trong xóm. Cứ vừa làm, vừa học, vừa cải tiến, dần dần những sản phẩm mộc dân dụng, nông cụ của ông Cảnh được bà con quanh vùng ưa chuộng, đặt hàng.

Từ sản xuất bằng dụng cụ cầm tay đơn giản, ông đầu tư máy móc, học thêm kỹ thuật, chịu khó nghiên cứu cải tiến mẫu mã đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Đến nay, cơ sở mộc của ông Cảnh đã cung cấp đồ gỗ cho hầu hết các công trình xây dựng ở các xã lân cận và vươn sang các huyện bạn.

Mô hình kinh tế nghề mộc kết hợp chăn nuôi, làm vườn của vợ chồng ông Cảnh cho lãi mỗi năm 100 triệu đồng
Mô hình kinh tế nghề mộc kết hợp chăn nuôi, làm vườn của vợ chồng ông Cảnh cho lãi mỗi năm 100 triệu đồng

“Thị trường ngày càng rộng, khách hàng cũng khó tính hơn nhưng mình đảm bảo bằng chất lượng và giá cả hợp lý thì có chỗ đứng thôi”, người cựu binh đúc kết.

Xưởng mộc của cựu binh Phạm Bá Cảnh không chỉ giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, nhờ sự giúp đỡ của Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Hưng Nguyên, Hội cựu chiến binh… vợ chồng ông mạnh dạn mở thêm hướng phát triển kinh tế từ chăn nuôi, trồng trọt. Hiện vợ chồng ông Cảnh có 5 con trâu bò, hơn 100 con gà thịt và 50 gốc chanh cho thu nhập.

Ngoài làm mộc, chăn nuôi, vợ chồng ông Cảnh trồng hơn 50 gốc chanh, cho thu nhập thường xuyên
Ngoài làm mộc, chăn nuôi, vợ chồng ông Cảnh trồng hơn 50 gốc chanh, cho thu nhập thường xuyên

Tính ra, với khoản thu từ nghề mộc, chăn nuôi, trừ các chi phí, mỗi năm gia đình cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh lãi ròng khoảng 100 triệu đồng. Đó thực sự là số tiền không hề nhỏ đối với nhiều gia đình bình thường ở đây chứ chưa nói đến đối với người lính trở về từ chiến trường với cơ thể nhiễm chất độc da cam và những đứa con tàn tật.

Ông Phạm Xuân Sâm – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Hưng Nguyên cho biết: “Toàn huyện Hưng Nguyên có 1.527 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có 417 nạn nhân gián tiếp, 326 người ốm đau thường xuyên và 76 người không tự phục vụ được. Toàn hội có 15 mô hình kinh tế có hiệu quả, trong đó mô hình nghề mộc kết hợp chăn nuôi, làm vườn của ông Phạm Bá Cảnh có hiệu quả nhất”.

Hoàng Lam