Nghỉ hưu sớm, trở thành nông dân trồng mít kiếm bộn tiền

Quang Anh

(Dân trí) - Sau khi nghỉ hưu sớm, vợ chồng ông Pedroso đã tự trồng thực phẩm từ lúa, rau, trái cây, chăn nuôi để dùng làm thực phẩm và bán ra cho các khách hàng.

Trước khi làm nông nghiệp, ông Miguel 'Mike' Pedroso (sống ở Philippines) từng làm nhiều công việc khác nhau trong 14 năm. Năm 1999, ông quyết định xin nghỉ hưu sớm và theo đuổi con đường làm trang trại.

Khi chưa làm trang trại, ông Pedroso và vợ bận rộn đến mức thường ăn tại nhà hàng. Hai vợ chồng nhận ra đó là lối sống không lành mạnh nên quyết định tự trồng thực phẩm. Trang trại được lập ra sau khi ông nghỉ hưu sớm. "Còn di sản nào tốt hơn để lại sau khi trồng cây cung cấp bóng mát và đồ ăn cho con, cháu tôi", ông bày tỏ về quyết định làm trang trại.

Nghỉ hưu sớm, trở thành nông dân trồng mít kiếm bộn tiền - 1
Vợ chồng ông Pedroso đã tự trồng nhiều loại rau, trái và tự chăn nuôi để cung cấp thực phẩm.

Năm 2017, trang trại Mike Pedroso của ông đã được nhận giấy chứng nhận hữu cơ. Khu đất trang trại được chia thành 3 phân khu trong đó 2ha được dùng trồng mít, 1,2ha trồng lúa và 1,2ha còn lại được dùng làm vườn ươm cây, trồng rau...

Tại khu trồng mít, cặp vợ chồng này trồng giống EVIARC. Đây là loại mít vào hàng ngọt nhất thế giới. Ngoài mít, lúa, họ còn trồng chuối, dừa, tre, rau theo mùa, cây ăn quả...

Nghỉ hưu sớm, trở thành nông dân trồng mít kiếm bộn tiền - 2
Mít là loại quả đưa về nguồn thu lớn cho nông trại.

Để trồng mít đạt năng suất, chất lượng tốt, ông Pedroso khuyên, nên mua cây giống khỏe mạnh từ những vườn ươm đáng tin cậy. Người trồng cần đọc những thông tin mới nhất về cây mít, tiếp thu các ý tưởng, chia sẻ từ những người trồng mít có kinh nghiệm nhất là các khuyến cáo khi trồng.

Nghỉ hưu sớm, trở thành nông dân trồng mít kiếm bộn tiền - 3
Ngoài trồng rau, cây ăn trái, gia đình ông Pedroso còn tự trồng lúa.

Ngoài trồng cây, trang trại của ông Pedroso còn là nơi đào tạo về làm nông nghiệp. Các nông sản thu hoạch được đều được dùng cho gia đình ăn hoặc bán.

Trang trại của ông còn nuôi gà, 13 con dê và 2 con lợn bản địa. Cặp vợ chồng còn chuẩn bị cả vườn thức ăn cho các loại gia súc. Hiện nay, các loại vật nuôi này được dùng làm thực phẩm cho gia đình, nhưng vợ chồng ông Pedroso đang có kế hoạch chăn nuôi để bán ra thị trường.

Trang trại đưa về thu nhập hàng tháng là 50.000 Peso (22 triệu đồng), tiết kiệm chi phí 5000 Peso (2,2 triệu đồng) mua thực phẩm bên ngoài. Năm nay, ông Pedroso đã 65 tuổi, làm nông nghiệp được xem là nguồn vui, cung cấp thực phẩm bổ dưỡng và cuộc sống an toàn.