1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghị định xử phạt làm “khó” cả… cảnh sát giao thông!

(Dân trí) - “Là người trực tiếp làm công tác xử phạt, chúng tôi thấy phức tạp và rườm rà. Cho đến nay Nghị định 171 dù đã được sửa đổi nhưng vẫn khó khăn khi thực hiện. Nếu không cầm quyển nghị định thì 100% cán bộ Cảnh sát giao thông (CSGT) rất khó thực hiện”.

Đại diện Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình đã thẳng thắn trao đổi tại Hội nghị Tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt diễn ra ngày 23/6.

Vị đại diện này đề nghị, xây dựng nghị định bố cục phải dễ nhìn, dễ hiểu, phù hợp với thực tế. Ngoài ra, một số quy định cũng nên sửa đổi vì hiện tại Nghị định đang tạo kẽ hở cho lái xe trốn tránh lỗi tước giấy phép lái xe (GPLX).

“Biên bản lập ra tước 1 tháng, mà 1 tháng sau lái xe mới chịu đến cơ quan công an xử lý, thì đương nhiên lúc này không xử phạt tước được nữa. Đây là vấn đề bất cập” - đại diện Phòng CSGT tỉnh Hòa Bình cho hay.

Lực lượng CSGT Tp Hồ Chí Minh lập chốt chặn xe quá tải (ảnh: Thảo Trần)

Lực lượng CSGT Tp Hồ Chí Minh lập chốt chặn xe quá tải (ảnh: Thảo Trần)

Theo số liệu về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ năm 2014 của Cục Cảnh sát giao thông (C67 - Bộ Công an) cho thấy, trong số gần 5 triệu trường hợp vi phạm thì có 347.000 lái xe ô tô và hơn 1,6 triệu lái xe mô tô.

Đại tá Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng C67 - cho biết, lỗi chạy quá tốc độ chiếm tỷ lệ 23,6% - cao nhất so với các vi phạm khác, đây là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông (TNGT), dù chế tài xử phạt cao nhưng đối tượng vi phạm vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Tỷ lệ của các lỗi vi phạm khác được thống kê cụ thể: Lỗi chở hàng quá tải trọng 8,27%; tiếp đến là lỗi không đảm bảo quy định về thiết bị an toàn kỹ thuật là 6,07%; chở quá số người quy định 6,06%... Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, hành vi không đội mũ bảo hiểm chiếm 46, 02%; chạy quá tốc độ quy định là 16%; đi không đúng phần đường, làn đường 13%...

“Mặc dù các nghị định đã được ban hành cụ thể, nhưng một số lỗi trước đây phổ biến thì nay vẫn xảy ra, mà các lỗi này chính là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, dù ta đã đưa ra chế tài xử phạt cao, nhưng đối tượng này vẫn vi phạm nhiều. Liệu các hình phạt đang áp dụng đã đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi vi phạm ngang nhiên coi thường pháp luật hay chưa? Chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề để đưa ra những giải pháp hữu hiệu, chứ không nên coi thường” - Đại tá Nguyễn Hữu Dánh nhấn mạnh.

Đại tá Nguyễn Hữu Dánh cũng đề cập đến xử phạt vi phạm nồng độ cồn và cho rằng lâu nay xử phạt vi phạm nồng độ cồn, tỷ lê phát hiện rất khiêm tốn (4,9%) nhưng qua theo dõi các vụ việc vi phạm tốc độ, chống người thi hành công vụ, đối tượng sử dụng rượu bia tương đối cao nên cần xem xét lại sao cho việc xử phạt thật thỏa đáng.

Ngoài ra, ở việc dừng đón trả khách, bấy lâu nay ta chỉ xử phạt nhà xe, nhưng có nhiều khách cố tình đứng vẫy xe ở trên đường cao tốc, vì thế không thể xử phạt mỗi doanh nghiệp, lái xe mà còn cần phải xử phạt cả hành khách…

Theo đại diện các Phòng CSGT, vấn đề xe ưu tiên cũng nên quy định rõ ràng việc xử phạt, vì có những trường hợp xe cấp cứu không chở người đi cấp cứu mà cũng hú còi ầm ĩ và lái xe còn vi phạm nồng độ cồn. Bởi vậy, nếu không quy định rõ, rất khó cho người thực thi nhiệm vụ.

Liên tục sửa đổi, thay thế Nghị định!?

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ-đường sắt, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thừa nhận: “Nghị định 171 ban hành năm 2013, nhưng sang đến năm 2014 lại sửa đổi 1 số điều. Đến giờ, lại sửa đổi, thay thế Nghị định mới. Như vậy thì ổn định và thực hiện làm sao được…”.

Nhiều bất cập trong Nghị định xử phạt vi phạm khiến CSGT cũng lúng túng

Nhiều bất cập trong Nghị định xử phạt vi phạm khiến CSGT cũng "lúng túng"

Với chủ trương mới về Nghị định 171, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, Hội nghị Tổng kết này là cơ sở để nghiên cứu sửa đổi, thay thế trong thời gian tới nhằm siết chặt hơn kỷ cương phép nước. Khi xây dựng rồi có tính chất dự báo đến các đối tượng, sự răn đe các đối tượng gây hậu quả tác động đến xã hội như thế nào.

“Lần này xây dựng nghị định nên nghiên cứu cái gì chưa rõ thì cố gắng làm rõ, thực hiện vòng vo thì nên đơn giản hóa thực hiện, chưa dự báo được sự phát triển trong thời gian tới thì nên nghiên cứu đưa vào. Xây dựng mang tính ổn định về tính pháp lý. Một nhóm vấn đề phải liên kết với nhau về đối tượng-hành vi-mức xử phạt-thẩm quyền. Rà soát một số văn bản quy phạm pháp luật vì không đồng bộ hiệu quả thực hiện không cao” - Thứ trưởng Thọ cho biết.

Trong khi đó, Trung tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) - đề nghị xem lại giải pháp trong các chế tài xử phạt.

“Nếu chúng ta không có sự thay đổi tiếp cận trong quá trình xây dựng Nghị định mà tiếp tục như thế này thì vẫn theo vết xe cũ. Các đơn vị thực thi khi nghiên cứu, góp ý về Nghị định cần bám sát vào thực tiễn để hoàn thiện cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Muốn TNGT giảm thì phải đưa ra được nguyên nhân gì nổi cộm, xem lại giải pháp trong các chế tài để sửa đổi” - Trung tướng Đỗ Đình Nghị nhấn mạnh.

Châu Như Quỳnh