1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Nghi án nguyên PCT Hội Nông dân vay tiền tỷ rồi bỏ trốn

(Dân trí) - Bằng cách “ké” khế ước vay vốn của người dân, ông Nguyễn Huy Ba đã bỏ túi cả gần tỷ đồng. Sự biến mất đột ngột của ông này khiến hàng trăm người dân lao đao.

Vì tin tưởng nên ông Thanh đã vay giúp ông Ba 10 triệu đồng, kết quả là phải bán bò để trả nợ
Vì tin tưởng nên ông Thanh đã vay giúp ông Ba 10 triệu đồng, kết quả là phải bán bò để trả nợ

Sự việc xảy ra đã hơn 1 năm nhưng vẫn khiến hàng trăm người dân xã Nghi Trường (Nghi Lộc, Nghệ An) đứng ngồi không yên. Chỉ vì đơn giản nghĩ “láng giềng giúp nhau” mà bỗng nhiên họ trở thành con nợ ngân hàng, hàng tháng è lưng trả lãi suất và gánh một khoản nợ lên tới chục triệu. Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Ba - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Trường, người được sử dụng số tiền trên - lại bặt vô âm tín.

Ông Phạm Hồng Thanh - Bí thư chi bộ xóm 12, xã Nghi Trường - chua chát nói: “Đến cán bộ xã mà ông Ba còn lừa nữa là người dân. Tôi là tổ trưởng tổ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nghi Lộc. Biết tôi có nhu cầu vay vốn, ông Ba tới đặt vấn đề vay “ké” khế ước của tôi 10 triệu đồng và hứa hàng tháng sẽ gửi tiền lãi để tôi nộp ngân hàng. Được một thời gian thì ông ấy biến mất. Giờ tôi phải gánh cả tiền gốc lẫn tiền lãi cho khoản vay của ông ấy. Vừa rồi hai vợ chồng phải bán con bò được 14 triệu trả cho ngân hàng, còn 6 triệu nữa đang xin khất”.

Không những phải chịu số tiền 10 triệu đồng ông Ba nhờ vay hộ, ông Thanh còn phải gánh cả khoản tiền 8 triệu đồng vay vốn ưu đãi học sinh sinh viên. Ông Thanh cho biết tiếp: “Tôi có đứa con gái đang học đại học ở Hà Nội nhưng gia đình không có nguyện vọng vay vốn ưu đãi dành cho HS-SV nên không làm thủ tục vay. Một hôm, ông Ba gọi nhắn vợ tôi lên xã nhận tiền giải ngân của ngân hàng dành cho đối tượng HS-SV. Nghĩ rằng ông Ba làm giúp thủ tục cho gia đình nên vợ tôi đã ký và nhận tiền.
 
Vừa ra khỏi bàn nhận tiền thì ông Ba tới và nói số tiền đó ông Ba nhờ vợ tôi đứng hộ tên để vay và bảo đưa tiền cho ông ấy. Cũng nghĩ ông ấy làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân, lại phụ trách chương trình vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, mỗi khi vợ chồng tôi túng thiếu cũng hay làm thủ tục giúp nên vợ tôi nể nang và giao 8 triệu đồng cho ông ấy. Ai ngờ, tiền thì ông ấy cầm mà giờ thì nợ nhà tôi phải gánh, án tại hồ sơ mà, trong khế ước vay vốn là tên vợ tôi nên cứ đúng luật là nhà tôi phải trả”.
 
Có điều lạ là theo ông Phạm Hồng Thanh, trong khế ước vay vốn mà vợ ông là bà Nguyễn Thị Vinh đứng tên, sinh viên có có nhu cầu vay vốn là Nguyễn Thị Thắng, không phải là tên con gái ông bà, nhưng không hiểu sao cuốn sổ vay vốn đó vẫn được các cơ quan chức năng duyệt thông qua và cho giải ngân.

Chị Nguyễn Thị Hồng, hàng xóm của ông Thanh, cũng là một nạn nhân của ông Nguyễn Huy Ba. Gia đình chị Hồng thuộc diện được vay vốn từ dự án nước sạch với số tiền 8 triệu đồng. Ông Nguyễn Huy Ba đã đến nhà, đặt vấn đề cho ông vay số tiền trên. “Hôm đó tôi bị bệnh, phải nằm viện điều trị, ông Ba gọi chồng tôi lên ngân hàng rồi ký thay tôi và nhận 8 triệu đó về chứ tôi đã được cầm số tiền đó đâu. Ông ấy bỏ đi, tiền lãi, tiền gốc tôi phải gánh cả. Vừa rồi phải bán đàn lợn mới đủ tiền trả cho ngân hàng”. Ngoài số tiền 8 triệu đồng vay vốn dự án nước sạch, ông Ba còn vay nóng chị Hồng 6 triệu đồng nhưng mới chỉ trả được 2 triệu rồi bặt vô âm tín.

Vì tin tưởng nên ông Thanh đã vay giúp ông Ba 10 triệu đồng, kết quả là phải bán bò để trả nợ
Ông Nguyễn Đình Thựu và vợ - một trong những nạn nhân của nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Huy Ba

Đáng thương nhất phải kể tới hoàn cảnh của vợ chồng ông Nguyễn Đình Thựu (74 tuổi, xóm 8, xã Nghi Trường). Vì cần tiền cho con trai đóng cổ phần cho công ty nên ông có ý định thế chấp sổ đỏ vay 10 triệu đồng. Chưa kịp làm thủ tục thì ông Nguyễn Huy Ba tới, cầm theo cả cuốn sổ vay vốn đã đóng dấu xác nhận sẵn của UBND xã Nghi Trường và nhờ vay “ké” 15 triệu đồng.

“Nghĩ tình người làng người xã cả nên tôi vay hộ cho ông ấy, ai ngờ… Cả số tiền 10 triệu đồng của tôi nhờ ông ấy lên ngân hàng trả giúp ông ấy cũng cầm luôn thành ra bây giờ tôi phải trả lãi cho số tiền 25 triệu đồng đã vay. Lãi suất 12%/tháng chứ có ít mô. Tôi thì già rồi, đau yếu luôn không làm được chi cả, bà vợ tôi cũng thế. Mỗi khi cán bộ ngân hàng tới thu tiền lãi là toát cả mồ hôi. Hai ông bà già, 2 sào ruộng ăn còn không đủ nữa là. Đến kỳ trả lãi, bà nhà tôi lại phải vay mượn tứ tung để nộp cho ngân hàng.

Sổ đỏ thì vẫn cắm ở ngân hàng, tiền thì mình không được tiêu trong khi phải è cổ gánh cả gốc lẫn lãi cho người ta. Lên nhà ông Ba đòi thì bà vợ bảo đợi ông ấy về giải quyết. Không biết khi mô ông ấy về, mà có về nữa hay không?”, ông Thựu thở dài.

Cũng vì tin tưởng ông Nguyễn Huy Ba nên dù không thuộc đối tượng vay vốn hộ nghèo nhưng ông Lê Xuân Nghĩa – Tổ trưởng tổ vay vốn xóm 12, xã Nghi Trường lại nhờ những hộ nghèo trong tổ của mình vay giúp với danh nghĩa vay cho mình. Số tiền ông Nghĩa vay hộ cho ông Ba lên tới 24 triệu đồng, trong đó có 4 triệu vay từ nguồn vốn ưu đãi HS-SV.

Giấy vay nợ của ông Ba đối với ông Lê Xuân Nghĩa
Giấy vay nợ của ông Ba đối với ông Lê Xuân Nghĩa

Ông Nghĩa cho biết: “Thời gian đầu ông Ba nhờ tôi đóng tiền lãi giúp, ông ấy sẽ gửi sau (390.000 đồng/quý). Ông ấy trả tiền lãi cho tôi thật nhưng được một thời gian thì không thấy nữa. Nghe phong phanh ông ấy vay nhiều người quá, không có khả năng chi trả nên tôi lên nhà yêu cầu ông Ba thanh toán để trả cho các chủ sổ thì ông ấy lần lữa rồi đột ngột biến mất khỏi địa phương. Tôi gọi điện vào số di động của ông ấy, nhận ra tiếng người quen thì ông Ba tắt máy, sau đó thì không trả lời điện thoại nữa. Tôi nhắn tin cũng không thấy hồi âm”.

Theo phản ánh của nhiều người dân, sau khi ông Nguyễn Huy Ba biến mất khỏi địa phương, các tổ vay vốn đã tiến hành thống kê với cán bộ ngân hàng về số tiền ông này nhờ vay hộ. Kết quả, số tiền ông cựu Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Trường nhờ người dân vay hộ ngót ghét 1 tỷ đồng. Trong số các nạn nhân của ông Ba có cả cán bộ xã Nghi Trường.

Về lý do không viết đơn tố cáo hành vi của ông Ba lên các cơ quan chức năng, hầu hết các nạn nhân đều hy vọng ông Ba sẽ trở về và thanh toán hết nợ nần cho họ. Hơn nữa, việc ông Ba vay tiền chỉ nói bằng miệng, trong khi đó, giấy tờ, hồ sơ vay vốn đều mang tên các nạn nhân, do đó họ sợ khi ra pháp luật cũng khó có cơ sở giải quyết.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Việt – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Trường - cho biết: “Ông Nguyễn Huy Ba được phân công làm Phó Chủ tịch hội, phụ trách cung ứng vật tư phân bón và vay vốn ngân hàng chính sách xã hội. Sau một thời gian dài không thấy ông Ba lên văn phòng hội làm việc, lại trúng kỳ đại hội nên chúng tôi đã bầu người khác thay thế. Còn việc ông Ba có vay tiền của các hội viên và các cá nhân, chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nghi Lộc và được biết đây là khoản vay giữa cá nhân với cá nhân với nhau thôi, không liên quan gì đến Hội cả”.
 
Còn theo ông Hoàng Văn Biên - Bí thư Đảng ủy xã Nghi Trường - sau 3 kỳ liên tiếp không sinh hoạt đảng tại chi bộ, Đảng ủy xã đã xóa tên ông Nguyễn Huy Ba trong danh sách đảng viên. Việc vay nợ của ông Ba là việc giữa các cá nhân, cũng không có người dân nào viết đơn tố cáo nên rất khó xử lý.

Tìm đến nhà ông Nguyễn Huy Ba tại xóm 4, xã Nghi Trường, thấy căn nhà đóng cửa im ỉm. Hàng xóm cho biết, từ hồi ông Ba bỏ đi, vợ ông này cũng ít khi ở nhà.

Hoàng Lam