Nghệ thuật tổ chức hiệp đồng giữa lực lượng không quân và phòng không

Nghệ thuật tổ chức hiệp đồng giữa không quân và phòng không trong Chiến dịch Hà Nội-Hải Phòng tháng 12-1972 là nét độc đáo, sáng tạo, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng năm 1972.

Thế trận liên hoàn, đánh địch từ xa

Đêm mở màn Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng (18/12/1972), mặc dù các sân bay của ta đã bị địch đánh phá từ chập tối, song các máy bay MiG-21 từ các sân bay Hòa Lạc, Nội Bài vẫn xuất kích tìm diệt B-52. Phương pháp hiệp đồng giữa không quân và phòng không là không quân đánh bên ngoài hỏa lực phòng không; hỏa lực tên lửa phòng không và pháo cao xạ tầm cao tập trung đánh trả B-52, bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng.

Nhằm khắc phục cường độ nhiễu rất đậm đối với các trận địa radar dẫn đường quanh khu vực Hà Nội, bộ đội không quân đã triển khai các đài dẫn đường bổ trợ ở vòng ngoài như Cẩm Thủy (Thanh Hóa), Mộc Châu (Sơn La), nơi nhiễu có cường độ thấp hơn, tạo thuận lợi cho việc phát hiện mục tiêu và dẫn MiG-21 tiếp cận máy bay địch. Mặt khác, để xuất kích liên tục từ nhiều hướng, các sân bay Nội Bài, Yên Bái được sửa chữa gấp, dùng hệ thống đèn đêm dã chiến để MiG-21 có thể cất và hạ cánh. Việc đưa máy bay MiG-21 cất cánh ban đêm từ sân bay Yên Bái (đêm 27/12/1972), sân bay dã chiến Cẩm Thủy (đêm 28/12/1972) và sử dụng các đài radar dẫn đường bổ trợ từ vòng ngoài đã gây bất ngờ cho không quân Mỹ, đạt được hiệu quả chiến đấu rất tốt.

Nghệ thuật tổ chức hiệp đồng giữa lực lượng không quân và phòng không - 1

Lực lượng không quân chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội, tháng 12-1972. (Ảnh tư liệu)

Chính phương pháp hiệp đồng tác chiến theo khu vực đã tạo được thế trận liên hoàn, có khả năng đánh địch từ xa và không cản trở hỏa lực tên lửa khi địch bay vào vùng sát thương của tên lửa phòng không. Có thể nói đây là một quyết định táo bạo, đầy sáng tạo của Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ khi phải đối phó với một đợt tập kích dồn dập của địch và phương tiện thông tin liên lạc giữa các sở chỉ huy của ta còn rất thiếu thốn. Vì vậy, để tránh cản trở hỏa lực của tên lửa và cao xạ, các máy bay MiG-21 sau khi cất cánh đã bay rất thấp vượt qua vùng hỏa lực phòng không; sau khi hoàn thành nhiệm vụ bay về sân bay hạ cánh lại giảm độ cao xuống rất thấp ngay từ xa.   

Hiệp đồng chặt chẽ, sáng tạo trong chiến đấu

Do phải bố trí một số trung đoàn tên lửa bảo vệ tuyến giao thông trên chiến trường Quân khu 4 nên lực lượng tên lửa còn lại ở phía Bắc tương đối mỏng. Chấp hành chỉ đạo của trên, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ quyết định bộ đội tên lửa chỉ đánh B-52 ban đêm. Ban ngày, các phân đội tên lửa làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu, ngụy trang, nghi binh tránh đòn đánh phá của địch. Xuất phát từ đặc điểm trên, trong mọi điều kiện thời tiết, từ các sân bay dã chiến, các máy bay MiG-21 được lệnh xuất kích với lực lượng lớn nhất có thể, với nhiệm vụ trọng tâm là tấn công các tốp máy bay chiến thuật của không quân và hải quân Mỹ, không để chúng có điều kiện trinh sát và đánh phá các trận địa tên lửa.

Nghệ thuật tổ chức hiệp đồng giữa lực lượng không quân và phòng không - 2

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đặc điểm hoạt động của không quân chiến thuật Mỹ lần này cũng khác với hoạt động trong Chiến dịch Linebacker I. Giai đoạn này, địch không chỉ hoạt động một đợt trong ngày mà đánh phá suốt ngày. Các trận đánh diễn ra từ sáng sớm đến chiều muộn, với mục đích tìm diệt lực lượng tên lửa phòng không của ta. Thành công trong việc bảo vệ các trận địa tên lửa đã tạo điều kiện để bộ đội tên lửa làm nên chiến thắng thần kỳ, bắn rơi 29 "pháo đài bay" B-52, bẻ gãy ý đồ của đế quốc Mỹ hòng làm tê liệt ý chí và quyết tâm giải phóng miền Nam của quân và dân ta.

Do tên lửa không đánh ban ngày nên lực lượng không quân được phép đánh địch cả ở bên ngoài và trong vùng hỏa lực. Nhiều trận không chiến đã diễn ra ngay sát Thủ đô Hà Nội như các trận ngày 23, 25, 27 và 28/12, ta đã bắn rơi máy bay trinh sát RA-5C, máy bay F-4 của địch ở rất gần Hà Nội.

Khi không quân hoạt động trong khu vực của hỏa lực, các đơn vị cao xạ vẫn tác chiến bình thường bởi thời tiết ban ngày mây nhiều và thấp, các trận không chiến diễn ra ở độ cao thấp và cực thấp với tốc độ cao nên không ảnh hưởng đến hoạt động của bộ đội cao xạ.

Phương pháp hiệp đồng để bộ đội không quân đánh trong khu vực hỏa lực phòng không là một quyết định táo bạo và chính xác của Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ, phát huy triệt để khả năng bảo vệ các trận địa tên lửa. Việc máy bay MiG-21 xuất hiện và tấn công các máy bay chiến thuật của địch ngay trên khu vực trận địa tên lửa đã làm cho cả máy bay trinh sát và máy bay cường kích của địch không có điều kiện trinh sát và tấn công được các trận địa tên lửa, tạo điều kiện để các đơn vị tên lửa tập trung tiêu diệt B-52.

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Bộ đội PK-KQ cùng quân và dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ, làm nên Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" vĩ đại, những bài học kinh nghiệm về sử dụng lực lượng và tổ chức hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng của Quân chủng PK-KQ vẫn còn nguyên giá trị. Chiến thắng đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Quân ủy Trung ương, Bộ tổng Tư lệnh, của những cán bộ chỉ huy tài ba của Quân chủng PK-KQ. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau là cần nghiên cứu, học tập và phát huy để xây dựng Quân chủng PK-KQ ngày càng lớn mạnh, hiện đại, tinh nhuệ, đủ sức bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

Theo www.qdnd.vn